Arbitrum đang phát triển như thế nào ở thời điểm hiện tại?

Kể từ khi ra mắt mainnet vào ngày 31/08/2021, hệ sinh thái trên Arbitrum vẫn đang phát triển khá tốt. Số lượng người dùng và khối lượng giao dịch trên Arbitrum tăng trưởng ổn định. Nhiều dự án lớn trong DeFi cũng đã và đang triển khai trên Arbitrum.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các layer 2 ngày càng trở nên khốc liệt. Sự nổi lên của các đối thủ như Berachain, Monad và MegaETH đang đặt ra không ít thách thức cho vị thế của Arbitrum, khiến việc duy trì thị phần và sức hút trở thành một bài toán không dễ.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích báo cáo so sánh giữa Arbitrum với các đối thủ hàng đầu khác như Base, Optimism, Mantle và Blast. Dựa trên dữ liệu on-chain, người dùng có thể đánh giá khách quan vị thế hiện tại của Arbitrum.

Arbitrum - Giải pháp Layer 2 cho Ethereum
Arbitrum là giải pháp layer 2 cho blockchain Ethereum, được thiết kế để cải thiện tốc độ giao dịch và giảm chi phí.
Về cơ bản, Arbitrum hoạt động bằng cách xử lý các giao dịch ngoài chuỗi (off-chain), sau đó tổng hợp chúng lại thành một gói (batch) và gửi trở lại blockchain Ethereum. Điều này giúp giảm tải cho mạng Ethereum, từ đó tăng tốc độ giao dịch và giảm chi phí.
Với mục tiêu ban đầu là cải thiện khả năng mở rộng cho Ethereum, Arbitrum đã chứng minh mình là một trong những giải pháp layer 2 nhanh và tiết kiệm chi phí. Điều này có được nhờ kiến trúc hiệu suất cao, cụ thể:
- Thời gian tạo khối nhanh: Arbitrum One tạo ra các khối mới chỉ trong 250 mili giây, giúp giao dịch được xử lý và xác nhận nhanh chóng. Tốc độ này mang lại lợi thế cho Arbitrum bằng cách giảm thiểu arbitrage (giao dịch chênh lệch giá) và thu hút các nhà đầu tư tổ chức, những người coi trọng tốc độ giao dịch.
- Hỗ trợ đa dạng ngôn ngữ lập trình: Công nghệ Stylus cho phép các nhà phát triển viết hợp đồng thông minh trên Arbitrum bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, bao gồm Rust, C và C++, thay vì chỉ giới hạn ở Solidity. Stylus cũng giúp tối ưu chi phí thực thi hợp đồng, tăng cường bảo mật và cải thiện khả năng tương tác giữa các ngôn ngữ lập trình.
- Ưu tiên bảo mật: Arbitrum chú trọng vấn đề bảo mật và áp dụng các biện pháp để bảo vệ người dùng và tài sản của họ. Là một trong những layer 2 đầu tiên, Arbitrum đặt mục tiêu xây dựng nền tảng an toàn cho người dùng và các nhà phát triển.

Mặc dù những cải tiến công nghệ như Stylus, Timeboost và BOLD (phân cấp xác thực) cho thấy kiến trúc của Arbitrum đang giúp nó trở thành một trong những layer 2 hàng đầu. Tuy nhiên, công nghệ tốt thôi là chưa đủ, thành công thực sự phải dựa vào việc người dùng có sẵn sàng trả phí để sử dụng mạng hay không.
So sánh Arbitrum và các giao thức layer 2 khác
Để hiểu rõ vị trí và tình hình hiện tại của Arbitrum, hãy xem xét những yếu tố cốt lõi cấu thành nên sự phát triển của một blockchain, bao gồm: Tổng giá trị bị khóa (TVL), Số lượng địa chỉ hoạt động hàng ngày (DAA), Nguồn cung stablecoin, Khối lượng giao dịch trên sàn DEX và Doanh thu từ giao thức.
Tổng giá trị bị khóa (TVL)
TVL thể hiện sức khỏe của hệ sinh thái, phản ánh sự sẵn sàng của người dùng khi gửi tiền vào một blockchain cụ thể. TVL càng cao cho thấy mức độ tin tưởng và sử dụng càng lớn.
Tính đến tháng 10/2024, Arbitrum dẫn đầu trong số các layer 2 về TVL. Tuy nhiên, hiện tại, Base đã vượt lên dẫn đầu với 3.6 tỷ USD, theo sau là Arbitrum (2.9 tỷ USD), Optimism (656 triệu USD), Mantle (445 triệu USD), Blast (322 triệu USD).

Biểu đồ TVL cho thấy các layer 2 đang phát triển theo các hướng khác nhau:
- Arbitrum và Base thể hiện khả năng tự duy trì và tăng trưởng TVL ổn định so với quý 2/2024.
- TVL của Base đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng cuối năm 2024.
- Optimism với chiến lược tập trung vào Superchain, không có mức tăng trưởng TVL đáng kể.
- Mantle cho thấy sức hút khi TVL liên tục tăng từ quý 2/2024.
- Blast đang gặp khó khăn sau sự kiện TGE, TVL giảm mạnh.
Sự tăng trưởng vượt bậc của Base chủ yếu nhờ thành công của các dự án: Aerodrome (TVL chiếm hơn 1 tỷ USD) và Morpho Blue (TVL hơn 831 triệu USD). Bên cạnh đó, các giao thức cho vay mới và cơ chế veTokenomics là yếu tố tiếp theo giúp Base đạt được thành công này.

Nếu loại trừ giao thức đứng đầu trên mỗi chuỗi (Aero trên Base và AAVE trên Arbitrum), 4 giao thức tiếp theo trên Base đóng góp 2.5 tỷ USD TVL, trong khi top 2-5 của Arbitrum chỉ đóng góp 1.2 tỷ USD. Để đạt được thành công tương tự như Base, Arbitrum cần:
- Giảm sự phụ thuộc vào AAVE.
- Trở thành nền tảng hấp dẫn cho các giao thức lớn muốn mở rộng (như Aero và Morpho).
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các dự án, ứng dụng và giao thức được xây dựng và phát triển trực tiếp trên nền tảng Arbitrum.
Địa chỉ hoạt động hàng ngày (DAA)
Số lượng địa chỉ hoạt động hàng ngày (DAA) trung bình 7 ngày của các layer 2 cho thấy số người dùng trên Base gấp 4 lần so với Arbitrum.
Cụ thể, Base đang dẫn đầu với 1.3 triệu người dùng, tiếp theo là Arbitrum với 428,000. Các mạng layer 2 khác như Optimism, Mantle và Blast có số lượng người dùng thấp hơn, lần lượt là 89,100; 37,900 và 27,600.

DAA thường được dùng để đánh giá mức độ tương tác của người dùng trên các mạng blockchain, nhưng cách đo lường này cũng gây nhiều tranh cãi. DAA có thể bị ảnh hưởng bởi các giao dịch có giá trị thấp, dẫn đến những con số không chính xác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng DAA không phải là một thước đo hoàn hảo. Ví dụ, nghiên cứu của Blockworks trên Solana cho thấy hơn 80% địa chỉ hoạt động giao dịch với khối lượng dưới 10 USD. Con số này trên Base thậm chí còn cao hơn, trên 90% (dữ liệu đến tháng 9/2024).
Nguồn cung Stablecoin
Stablecoin đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái DeFi, giúp người dùng tham gia vào các hoạt động cho vay và các pool thanh khoản. Xét về nguồn cung stablecoin, ngay cả khi không tính đến lượng USDC trên cầu nối Hyperliquid, Arbitrum vẫn là layer 2 dẫn đầu với 5 tỷ USD, so với 3.7 tỷ USD của Base.
Đối với các layer 2 khác, số liệu từ Defillama cho thấy Mantle có 397 triệu USD stablecoin. Ngược lại, Blast chỉ có 99.6 triệu USD, giảm mạnh từ 400 triệu USD vào tháng 4/2024.

Thị trường stablecoin hiện nay đang chứng kiến sự cạnh tranh sôi động với sự xuất hiện của nhiều mô hình mới như Ethena, Usual và Resolv, bên cạnh các stablecoin phổ biến như USDT và USDC.
Để thu hút thêm stablecoin, Arbitrum cần tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực DeFi và tập trung vào việc phát triển các giải pháp mới, bổ sung cho những giải pháp đã có.
Việc ra mắt các thị trường cho vay mới như Morpho, hỗ trợ nhiều hơn cho Liquid Staking Token và Liquid Restaking token cũng là những hướng đi tiềm năng để Arbitrum củng cố vị thế của mình.
Khối lượng giao dịch DEX
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cho biết mức độ thanh khoản và hoạt động giao dịch trong một hệ sinh thái blockchain.
Dữ liệu từ tháng 6/2024 cho thấy một xu hướng rõ ràng: Base và Arbitrum là hai layer 2 có khối lượng giao dịch DEX lớn nhất, trong khi các layer 2 khác có khối lượng thấp hơn đáng kể.

Vào tháng 9/2024, Base đã vượt qua Arbitrum về khối lượng giao dịch DEX. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của Aerodrome, với khối lượng giao dịch hàng tuần tăng từ 2.8 tỷ USD vào tháng 9 lên 8 tỷ USD vào tháng 12/2024. Con số này gần tương đương với khối lượng giao dịch hàng tuần của Arbitrum.
Trên Arbitrum, Uniswap chiếm hơn 50% tổng khối lượng giao dịch hàng tuần (4 tỷ USD), theo sau là Camelot (858 triệu USD) và PancakeSwap (451 triệu USD). Sự phụ thuộc lớn vào Uniswap cho thấy Arbitrum cần đa dạng hóa các sàn DEX trên nền tảng của mình.

Khả năng tạo ra doanh thu từ phí
Khả năng tạo ra doanh thu từ phí giao dịch là yếu tố quan trọng để đánh giá sự bền vững tài chính của một mạng layer 2. Các mạng layer 2 có nguồn doanh thu hạn chế, vì vậy việc tối ưu hóa nguồn thu này rất quan trọng.
Sự tăng trưởng về phí mà Base tạo ra từ tháng 9/2024 có thể được giải thích bằng khối lượng giao dịch trên chuỗi ngày càng tăng. Vì phí giao dịch có thể thay đổi linh hoạt, chúng cũng sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường.
Một yếu tố khác biệt là Base áp dụng mức phí cơ sở cho mỗi giao dịch cao hơn so với Arbitrum và các mạng layer 2 khác. Phân tích chi tiết phí được tạo ra bởi Base và Arbitrum cho thấy rõ sự đóng góp đáng kể từ mức phí cơ sở cao này.

Có thể thấy rõ việc áp dụng EIP-1559 đã làm giảm đáng kể chi phí giao dịch trên các mạng layer 2, và do đó, giảm cả phí và doanh thu của chúng. Trong những tuần gần đây, Arbitrum gặp khó khăn trong việc đạt mức 1 triệu USD doanh thu phí hàng tuần, trong khi Base liên tục tạo ra hơn 5 triệu USD mỗi tuần.
Hiện tại, Arbitrum đang nghiên cứu các cơ chế để tăng doanh thu, chẳng hạn như Timeboost, một hệ thống đấu giá để xác định thứ tự giao dịch. Bên cạnh đó, việc xem xét tăng phí giao dịch cơ sở cũng có thể là một giải pháp để tăng cường sự ổn định tài chính mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm người dùng.
Thách thức và cơ hội cho Arbitrum
Arbitrum đang đối mặt với không ít thách thức, nhưng cũng đồng thời nắm giữ nhiều cơ hội để phát triển.
Thách thức:
- Cạnh tranh gay gắt: Sự xuất hiện của các đối thủ như Berachain, Monad và MegaETH tạo áp lực không nhỏ lên vị thế của Arbitrum trên thị trường layer 2.
- Giữ chân người dùng: Việc duy trì được sự quan tâm và gắn bó của người dùng, cả người dùng thông thường lẫn nhà phát triển, đòi hỏi Arbitrum phải liên tục đổi mới và tương tác với cộng đồng. Các mạng lưới mới thường có những chương trình khuyến khích hấp dẫn để thu hút người dùng.
- Phân cấp: Việc chuyển đổi Arbitrum sang giai đoạn 2 và phân cấp sequencer là những bước quan trọng để tăng cường tính bảo mật và tin cậy cho mạng lưới, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ.
Cơ hội:
- Đổi mới hệ sinh thái: Tiếp tục phát triển hệ sinh thái, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thị trường cho vay và native dapp, sẽ giúp Arbitrum tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
- Giảm phụ thuộc vào Uniswap: Việc đa dạng hóa các sàn DEX, giảm sự lệ thuộc vào Uniswap là cần thiết. Sự hợp tác gần đây giữa Camelot và Offchain Labs là một tín hiệu tích cực.
- Tăng doanh thu: Tìm cách tăng doanh thu từ phí giao dịch cũng là một ưu tiên. Việc tăng phí cơ sở hoặc các cơ chế như Timeboost có thể là những giải pháp cần được cân nhắc.
- Tận dụng sự quan tâm của tổ chức: Sự quan tâm từ các tổ chức là một cơ hội lớn. Chương trình STEP đã thu hút hơn 100 triệu USD TVL RWA cho Arbitrum. Phát triển thêm các giao thức để phục vụ nhóm người dùng này sẽ giúp Arbitrum tận dụng được nguồn vốn này.
- Nắm bắt xu hướng: Việc nhanh chóng nắm bắt và hành động dựa trên các xu hướng mới sẽ giúp Arbitrum luôn ở vị thế dẫn đầu. Các công nghệ như LST, LRT và AI là những ví dụ cần được quan tâm.

Tại thời điểm viết bài, ARB đang giao dịch ở mức giá 0.49 USD, giảm 30% so với đầu năm 2025. Sự sụt giảm này một phần là do xu hướng chung của thị trường tiền mã hóa, và một phần khác có thể do ảnh hưởng từ hiệu suất giá ETH kém dạo gần đây.
Nhìn chung, hệ sinh thái trên Arbitrum đang ở một vị thế tốt, thể hiện qua các số liệu vẫn đang tăng trưởng. Mặc dù Base đang vượt trội hơn ở một số khía cạnh, Arbitrum vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về nguồn cung stablecoin. Việc tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức sẽ quyết định thành công của Arbitrum trong tương lai.
Đọc thêm: Thêm một cơ quan ở Mỹ chuyển hướng thân thiện với Crypto