Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Bill Ackman | Warren Buffett phiên bản 2.0

Bill Ackman, một trong những nhà đầu tư nổi bật trên thị trường chứng khoán, đã tạo dựng được danh tiếng không chỉ nhờ vào những thương vụ đình đám mà còn bởi chiến lược đầu tư đầy táo bạo và mạo hiểm.
Quang Võ
Published Apr 16 2025
17 min read
thumbnail

Chân dung Bill Ackman: Nhà đầu tư với phong cách táo bạo

Bill Ackman là một trong những nhà đầu tư nổi bật nhất của thế kỷ 21 – được biết đến với phong cách đầu tư táo bạo, kỷ luật và có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu.

Ông là nhà sáng lập và CEO của Pershing Square Capital Management, Ackman đã xây dựng danh tiếng nhờ các thương vụ đầu tư chủ động (activist investing) có sức lan tỏa mạnh mẽ và thành tích vượt trội trong dài hạn.

image

Tiểu sử và nền tảng học vấn

Bill Ackman sinh năm 1966 tại New York, Hoa Kỳ, trong một gia đình Do Thái có truyền thống kinh doanh bất động sản. Cha ông – Lawrence David Ackman – là chủ tịch của Ackman-Ziff Real Estate Group, một công ty tư vấn tài chính bất động sản danh tiếng tại Manhattan.

Ackman theo học tại Harvard College, nơi ông tốt nghiệp loại giỏi năm 1988 với bằng Cử nhân Nghiên cứu Xã hội. Luận văn tốt nghiệp của ông tập trung vào vấn đề tuyển sinh đại học liên quan đến các nhóm thiểu số như người Do Thái và người Mỹ gốc Á – cho thấy khả năng tư duy phản biện và quan tâm đến cấu trúc xã hội ngay từ sớm. Sau đó, ông tiếp tục học tại Harvard Business School và nhận bằng MBA năm 1992, mở đường cho sự nghiệp đầu tư chuyên nghiệp.

Khởi nghiệp tài chính

Ngay sau khi tốt nghiệp MBA, Bill Ackman cùng người bạn David Berkowitz thành lập Gotham Partners vào năm 1992 – một công ty quản lý đầu tư nhỏ chuyên mua cổ phần ở các doanh nghiệp niêm yết. Quỹ hoạt động tích cực trong thập niên 1990 nhưng đến năm 2003 phải đóng cửa do các vấn đề pháp lý và tranh chấp lợi ích trong các khoản đầu tư thiếu thanh khoản.

Không chùn bước, năm 2004, Ackman thành lập Pershing Square Capital Management, đánh dấu sự khởi đầu mới đầy quyết đoán. Với số vốn ban đầu 54 triệu USD, ông nhanh chóng gây dựng lại danh tiếng bằng những thương vụ đầu tư sinh lời cao và có sức ảnh hưởng lớn.

Ảnh hưởng từ Warren Buffett

Dù theo đuổi trường phái đầu tư chủ động, nhưng Bill Ackman luôn coi Warren Buffett là hình mẫu lý tưởng trong triết lý đầu tư. Ông từng nhiều lần nhấn mạnh rằng mình học được từ Buffett sự kỷ luật tài chính, tư duy dài hạn và khả năng đánh giá giá trị thực sự của doanh nghiệp.

Ackman chia sẻ rằng, dù chưa từng làm việc cùng Buffett, nhưng việc đọc thư gửi cổ đông hàng năm của Berkshire Hathaway và nghiên cứu các thương vụ của Buffett đã giúp ông định hình phong cách đầu tư hiện tại.

image

Phong cách và triết lý đầu tư

  • Chiến lược đầu tư tập trung: Ackman tin rằng việc tập trung vào số ít cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư hiểu rõ doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro tốt hơn và tối ưu hóa lợi nhuận. Danh mục của Pershing Square thường chỉ gồm 5–10 cổ phiếu, chủ yếu là các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững (economic moat), quản trị tốt và tiềm năng tăng trưởng ổn định trong dài hạn.
  • Đầu tư chủ động (Activist Investing): Khác với các nhà đầu tư giá trị truyền thống, Ackman chủ động mua cổ phần lớn trong các doanh nghiệp và tích cực thúc đẩy thay đổi từ bên trong – bao gồm tái cấu trúc công ty, thay đổi lãnh đạo, cải thiện quản trị và tối ưu hiệu quả hoạt động. Mục tiêu cuối cùng là gia tăng giá trị cổ đông và nâng cao hiệu suất doanh nghiệp.
  • Tư duy ngược dòng (Contrarian Thinking): Ackman nổi tiếng với khả năng đi ngược đám đông – đặt cược vào những cơ hội bị thị trường bỏ qua hoặc đánh giá sai. Ông sẵn sàng giữ vững niềm tin trong những thời điểm khó khăn, miễn là phân tích cho thấy tiềm năng dài hạn. Một số ví dụ điển hình cho tư duy này là thương vụ Herbalife, đặt cược vào Fannie Mae/Freddie Mac, hay cú hedge thị trường thành công trong đại dịch COVID-19 bằng công cụ credit default swaps (CDS).
advertising

Những thương vụ nổi bật của Bill Ackman: Sự mạo hiểm, tầm nhìn và học hỏi từ sai lầm

Với phong cách đầu tư táo bạo và chiến lược chủ động, Ackman đã thực hiện nhiều thương vụ gây chấn động thị trường, từ việc đặt cược khổng lồ vào các công ty nổi tiếng đến những chiến lược mạo hiểm trong những thời điểm khủng hoảng. Sau đây là những thương vụ nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông.

Thương vụ với Alexander’s (1990s): Bước đi đầu tiên đưa Bill Ackman vào tầm nhìn của Phố Wall

Một trong những thương vụ đầu tư chiến lược đầu tiên của Bill Ackman là vào Alexander’s, một quỹ tín thác đầu tư bất động sản sở hữu các cửa hàng bán lẻ tại New York. Vào đầu những năm 1990, Alexander’s đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, đặc biệt sau khi tỷ phú Donald Trump mua vào 20% cổ phần và công ty bắt đầu thua lỗ lớn. Giá cổ phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 8 USD/cổ phiếu vào năm 1992, và công ty đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, Ackman nhận ra cơ hội lớn ẩn sau tình huống khó khăn. Dù công ty có thể phá sản, các tài sản bất động sản của Alexander’s lại có giá trị cao hơn rất nhiều so với mức giá thị trường.

Với sự nhạy bén và tầm nhìn dài hạn, Ackman quyết định mua cổ phiếu khi giá chạm đáy. Sau khi công ty vượt qua khủng hoảng và phục hồi, giá cổ phiếu của Alexander’s tăng vọt lên 21 USD/cổ phiếu, mang lại cho Ackman lợi nhuận lớn.

Thương vụ này không chỉ giúp Ackman kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể mà còn khẳng định tài năng của ông trong việc nhìn nhận và khai thác cơ hội từ những tình huống khó khăn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đầu tư của ông trên Phố Wall.

Rockefeller Center – Bước đệm đưa Ackman vươn tới giới tinh hoa tài chính (1990s)

Trong những năm đầu sự nghiệp, Bill Ackman đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược qua thương vụ với Rockefeller Properties, quỹ tín thác bất động sản sở hữu Rockefeller Center ở New York. Khi công ty rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, Ackman cùng đối tác Joseph Steinberg nhận thấy cơ hội từ tình huống khó khăn. Họ quyết định mua cổ phiếu của Rockefeller Properties, gia tăng vị thế dù không thể giành quyền kiểm soát công ty.

Với chiến lược táo bạo và phân tích sắc bén, Ackman biến khoản đầu tư này thành một thành công vang dội. Quỹ Gotham Partners do Ackman sáng lập thu về lợi nhuận lên đến 39% chỉ trong năm 1995. Thành công này không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn khẳng định vị thế của Ackman trong giới đầu tư Phố Wall.

Thương vụ Rockefeller Center minh chứng cho triết lý đầu tư của Ackman: dám đi ngược dòng số đông và kiên định với niềm tin vào giá trị thực, ngay cả khi thị trường hoài nghi.

image

Gotham Golf – Bài học đắt giá từ thị trường bất động sản (Cuối thập niên 1990)

Gotham Golf là một trong những thương vụ thất bại đáng chú ý trong sự nghiệp của Bill Ackman. Cuối những năm 1990, Ackman đầu tư mạnh vào công ty sở hữu hơn 20 sân golf trên khắp Mỹ, tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, giá trị bất động sản bắt đầu suy giảm, khiến khoản đầu tư rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Với việc "tất tay" vào Gotham Golf mà không chuẩn bị đầy đủ cho các rủi ro, quỹ Gotham Partners phải chịu tổn thất lớn. Thất bại này không chỉ là một cú sốc tài chính mà còn là bài học quan trọng trong việc quản lý rủi ro. Mặc dù không thành công, nhưng sự vấp ngã này đã giúp Ackman hoàn thiện chiến lược đầu tư của mình trong các thương vụ sau này, trở nên cẩn trọng và sáng suốt hơn.

Prepaid Legal Services – Thương vụ gây tranh cãi giữa thời kỳ bất ổn (Những năm 2000)

Đầu những năm 2000, giữa lúc thị trường tài chính đầy biến động, Bill Ackman tiếp tục chứng tỏ phong cách đầu tư táo bạo khi rót vốn vào Prepaid Legal Services – công ty tiếp thị đa cấp chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý. Mặc dù thường xuyên bị giới đầu tư bán khống và bị nghi ngờ về mô hình kim tự tháp, Ackman vẫn tin rằng cổ phiếu của công ty đang bị định giá thấp.

Không chỉ đầu tư mạnh mẽ, Ackman còn công khai ủng hộ Prepaid Legal trên website cá nhân, khẳng định niềm tin vào tiềm năng dài hạn của công ty. Thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của Ackman khi giá cổ phiếu Prepaid Legal tăng mạnh, mang lại lợi nhuận lớn cho quỹ Gotham Partners trong thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn gây tranh cãi, vì sự thiếu minh bạch và rủi ro cao của mô hình hoạt động.

Herbalife – Trận chiến dài hơi và cuộc đối đầu nghẹt thở với Carl Icahn (2010s)

Một trong những thương vụ đình đám và gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của Bill Ackman chính là cuộc chiến kéo dài nhiều năm với Herbalife – công ty tiếp thị đa cấp toàn cầu chuyên bán các sản phẩm dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Tin rằng Herbalife hoạt động theo mô hình Ponzi và là mối đe dọa tiềm ẩn với nhà đầu tư nhỏ lẻ, Ackman đã thực hiện một trong những kế hoạch bán khống quy mô lớn nhất Phố Wall, rót vào đó tới 1 tỷ USD. Không dừng lại ở chiến lược tài chính, ông còn liên tục công khai chỉ trích mô hình kinh doanh của Herbalife, đồng thời vận động các cơ quan chức năng Mỹ vào cuộc điều tra.

Tuy nhiên, cú đánh của Ackman không diễn ra suôn sẻ. Carl Icahn, một nhà đầu tư huyền thoại khác, bước vào cuộc chơi bằng cách mua cổ phiếu Herbalife và công khai ủng hộ công ty. Cuộc đối đầu giữa Ackman và Icahn không chỉ diễn ra trong phòng họp mà còn bùng nổ trên truyền thông, trở thành một trong những “drama” tài chính lớn nhất thập kỷ.

Dù Ackman không đạt được chiến thắng rõ ràng, thương vụ này đã giúp tên tuổi của ông phủ sóng rộng rãi trên thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời khắc họa rõ nét phong cách đầu tư không ngại rủi ro, sẵn sàng đối đầu đến cùng với những niềm tin của mình.

image

MBIA – Ván cược dài hạn và cuộc chiến pháp lý gây tranh cãi (Những năm 2000)

Vào đầu những năm 2000, khi thị trường tài chính đang tràn ngập sự hưng phấn, Bill Ackman lại chọn hướng đi ngược lại. Ông bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng MBIA (Municipal Bond Insurance Association), một trong những công ty bảo hiểm tín dụng lớn nhất tại Mỹ lúc bấy giờ, và phát hiện nhiều dấu hiệu bất ổn trong mô hình kinh doanh của họ. Ackman tin rằng MBIA đang giấu diếm rủi ro tài chính nghiêm trọng, đặc biệt là trong các sản phẩm phái sinh liên quan đến chứng khoán thế chấp.

Để tận dụng cơ hội, Ackman đã mua các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), một công cụ tài chính giúp ông hưởng lợi nếu công ty này vỡ nợ. Mặc dù tầm nhìn của Ackman là đúng khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra, ông lại phải đối mặt với áp lực lớn vì hành động của mình quá sớm. Thêm vào đó, vụ này còn dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Ackman và MBIA.

Dù vậy, thương vụ MBIA vẫn được đánh giá là một trong những quyết định táo bạo và sáng suốt nhất trong sự nghiệp của Ackman.

Valeant Pharmaceuticals (2015–2016): Bài học cay đắng với khoản lỗ gần 4 tỷ USD

Năm 2015, Bill Ackman thực hiện một trong những khoản đầu tư táo bạo nhất trong sự nghiệp khi rót hơn 3 tỷ USD vào Valeant Pharmaceuticals, công ty dược phẩm nổi tiếng với chiến lược tăng trưởng qua các thương vụ mua lại và chính sách tăng giá thuốc gây tranh cãi. Ackman tin rằng Valeant sẽ tiếp tục bùng nổ doanh thu và lợi nhuận, tạo ra một khoản đầu tư sinh lời vượt trội.

Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng đi theo chiều hướng tiêu cực. Valeant vướng vào các cuộc điều tra của cơ quan quản lý vì cáo buộc thao túng giá thuốc và những nghi ngờ về tính minh bạch tài chính. Cổ phiếu của công ty lao dốc, và Ackman rơi vào tình thế khó khăn với khoản đầu tư lỗ nặng.

Dù đã nỗ lực khôi phục tình hình, thậm chí tham gia vào hội đồng quản trị để lấy lại niềm tin, nhưng cuối cùng, vào năm 2017, Ackman phải chấp nhận bán lỗ, chịu thiệt hại gần 4 tỷ USD. Thương vụ này là bài học quý giá về thẩm định kỹ lưỡng và quản trị rủi ro trong đầu tư.

image

Chiến thắng giữa bão COVID-19: Bill Ackman kiếm hơn 2 Tỷ USD trong khủng hoảng

Dù từng trải qua không ít thất bại lớn, Bill Ackman cũng nổi tiếng với những pha “lội ngược dòng” ngoạn mục – và chiến thắng giữa đại dịch COVID-19 chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Đầu năm 2020, khi thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu chao đảo vì đại dịch, Ackman đã nhanh chóng nhìn thấy mối nguy tiềm tàng. Thay vì hoảng loạn, ông triển khai một chiến lược phòng thủ đầy táo bạo: đầu tư vào các hợp đồng bảo hiểm rủi ro tín dụng (CDS) để phòng hộ danh mục trước nguy cơ thị trường sụp đổ.

Khi làn sóng bán tháo lan rộng trong tháng 3/2020 và chỉ số chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc, khoản đặt cược của Ackman mang về hơn 2,6 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong vài tuần – một trong những giao dịch thành công nhất trong sự nghiệp của ông. Khoản lợi nhuận này không chỉ giúp bảo vệ danh mục đầu tư của quỹ Pershing Square, mà còn tạo tiếng vang lớn trong giới tài chính lúc bấy giờ.

Chiến lược này được xem là ví dụ điển hình cho khả năng nhận định thị trường nhạy bén và phản ứng quyết đoán của Ackman trong khủng hoảng. Trong khi nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ, ông lại biến biến động thành cơ hội, củng cố vị thế của mình như một trong những nhà đầu tư kỳ tài nhất Phố Wall.

Liệu Bill Ackman có phải là Warren Buffett tiếp theo?

Mặc dù cả Bill Ackman và Warren Buffett đều là những nhà đầu tư xuất sắc với khả năng nhìn nhận giá trị tiềm ẩn và chiến lược dài hạn, nhưng phong cách đầu tư của Ackman lại mang một dấu ấn rất riêng biệt. Khác với Buffett, người nổi tiếng với triết lý đầu tư thận trọng và dài hạn, Ackman thể hiện một tinh thần quyết đoán và sự can thiệp mạnh mẽ vào các công ty mà ông đầu tư. Ông không ngần ngại tham gia trực tiếp vào quyết định chiến lược, đôi khi thay đổi ban lãnh đạo hoặc điều chỉnh hướng đi của doanh nghiệp để tối ưu hóa giá trị đầu tư.

Phong cách táo bạo và mạo hiểm của Ackman đã giúp ông nổi bật trên Phố Wall, khẳng định vị thế là một trong những tên tuổi lớn trong giới tài chính. Dù đối mặt với không ít thử thách, ông luôn chứng minh rằng, với khả năng phân tích sắc bén và quyết tâm mạnh mẽ, những khó khăn có thể vượt qua và mang lại thành công.

Với khả năng thích nghi và đổi mới, Bill Ackman chắc chắn sẽ luôn là một hình mẫu đáng ngưỡng mộ, dù không phải là "Warren Buffett tiếp theo".

Đọc thêm: Những bài học không bao giờ cũ từ bong bóng 2008

RELEVANT SERIES