Bybit từ chối niêm yết PI

Bybit từ chối niêm yết PI
Sáng ngày 12/2/2025, OKX thông báo mở nạp token PI, đồng thời xác nhận sẽ triển khai giao dịch spot PI/USDT ngay khi Pi Network ra mắt mainnet vào ngày 20/2/2025. Đây là lần đầu tiên một sàn giao dịch lớn chính thức niêm yết PI, tạo ra nhiều kỳ vọng lẫn tranh cãi trong cộng đồng.
Tuy nhiên, không lâu sau thông báo từ OKX, CEO của Bybit đã thẳng thừng từ chối niêm yết PI. Động thái này cho thấy sự thận trọng từ nhiều sàn lớn khi đối mặt với một dự án đã gây tranh cãi trong cộng đồng suốt nhiều năm.

Mặc dù CEO Bybit đã công khai tuyên bố không niêm yết PI, nhưng nhiều người dùng lại tỏ ra không quá quan tâm đến quyết định này. Dưới bài đăng của Ben Zhou, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là FUD (Fear, Uncertainty, Doubt) và không ảnh hưởng đến Pi Network.

Một số bình luận nhấn mạnh rằng Bybit không phải là sàn duy nhất, và Pi Network vẫn sẽ được niêm yết trên OKX, Gate.io, MEXC, Bitget, nên việc Bybit từ chối không có tác động đáng kể.
Bên cạnh đó, một số người dùng còn bày tỏ quan điểm rằng chỉ những sàn tuân thủ quy trình KYC từ Pi Core Team mới có thể niêm yết, ngụ ý rằng việc Bybit từ chối có thể do không đáp ứng được tiêu chí của dự án hơn là vì nghi ngờ tính minh bạch của Pi Network
Hiện tại, OKX, Gate.io, MEXC và Bitget đã xác nhận niêm yết token PI, nhưng đi kèm với một số điều kiện. Tại sàn OKX trong 5 phút đầu tiên sau khi niêm yết thành công PI, người dùng sẽ không được phép đặt lệnh market, đồng thời giới hạn tối đa mỗi lệnh chỉ ở mức 10,000 USD
Những hạn chế này khiến nhiều người dùng đặt câu hỏi về mục đích thực sự đằng sau các quy định này.
Quan điểm tiêu cực của Chính phủ Trung Quốc trước Pi Network
Pi Network được thành lập năm 2019 bởi Nicolas Kokkalis, Chengdiao Fan và Vincent McPhillip, với tuyên bố mang lại một loại tiền mã hóa phi tập trung, không cần phần cứng đào, chỉ cần sử dụng app di động. Hệ thống mời người tham gia qua referral đã giúp dự án thu hút hơn 60 triệu người dùng, trong đó 19 triệu người đã hoàn tất KYC.

Tuy nhiên, Pi Network từ lâu đã bị nghi ngờ là mô hình kim tự tháp. CCTV Trung Quốc* từng gọi đây là một dự án đa cấp, chỉ ra rằng các tuyên bố "1 PI = 200 USD" không có bất kỳ cơ sở thực tế nào.
Cảnh sát Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã tiến hành điều tra, cảnh báo rằng người tham gia có thể đối diện với nguy cơ pháp lý do mô hình hoạt động của Pi Network.
*CCTV (China Central Television - Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) là đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (NRTA). Đây là một trong những cơ quan truyền thông quan trọng nhất của chính phủ Trung Quốc, đóng vai trò chính trong việc truyền tải thông tin chính thức, tin tức, chính sách, và các chương trình giải trí đến công chúng.
Tranh cãi xung quanh rò rỉ dữ liệu người dùng Pi Network
Ngay từ khi xuất hiện, Pi Network đã gây tranh cãi về cách thu thập và xử lý dữ liệu người dùng. Nhiều chuyên gia an ninh mạng từng cảnh báo rằng dự án có thể thu thập thông tin cá nhân từ người tham gia, đặc biệt là trong quá trình KYC (Know-Your-Customer).
Theo cơ chế hoạt động của Pi Network, bất kỳ ai cũng có thể đào Pi miễn phí và số dư sẽ hiển thị trên ứng dụng. Tuy nhiên, để rút hoặc sử dụng trên blockchain, người dùng buộc phải thực hiện KYC, cung cấp các thông tin nhạy cảm như số điện thoại, CCCD/CMND, ảnh chụp khuôn mặt và thông tin cá nhân khác.
Những lo ngại này không phải không có cơ sở. Vào tháng 5/2021, trên một diễn đàn hacker nổi tiếng, một tài khoản ẩn danh đã rao bán hơn 17GB dữ liệu người dùng Việt Nam, được cho là lấy từ hệ thống Pi Network. Vụ việc này đã làm dấy lên nghi vấn về tính bảo mật của dự án cũng như nguy cơ thông tin cá nhân bị khai thác trái phép.
Trong cùng năm 2021, một vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến Pi Network đã gây xôn xao cộng đồng crypto, đặc biệt là tại Việt Nam. Một hacker có tên 0x1337x0 đã rao bán hơn 17GB dữ liệu KYC trên diễn đàn RaidForums, bao gồm tên, ngày sinh, địa chỉ email, số điện thoại, ảnh chứng minh thư (mặt trước, mặt sau), và video selfie của gần 10,000 người dùng Việt Nam.

Hacker tuyên bố rằng toàn bộ dữ liệu được lấy từ hệ thống KYC của Pi Network và ra giá 9,000 USD, chỉ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin hoặc Litecoin. Sự việc đã làm dấy lên lo ngại về tính bảo mật của dự án, đặc biệt khi Pi Network sử dụng dịch vụ KYC từ bên thứ ba (Yoti).

Sau đó, các tệp dữ liệu bị gỡ khỏi diễn đàn, nhưng chưa rõ liệu chúng đã được bán hay có bên nào can thiệp. Vụ rò rỉ này trở thành một lời cảnh báo về rủi ro bảo mật khi tham gia các dự án crypto chưa có sự kiểm định rõ ràng.
Kể từ khi tin tức niêm yết sàn được công bố sáng nay, Pi Network tiếp tục trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng, với những luồng ý kiến trái chiều về tương lai của dự án.
Dù chưa rõ liệu PI có thể thực sự giao dịch ổn định trên các sàn hay không, không thể phủ nhận rằng Pi đã thành công trong việc duy trì sức hút và sự chú ý từ thị trường suốt nhiều năm qua, sánh ngang với nhiều dự án top-tier hiện nay.
Đọc thêm: Zetachain tích hợp Solana, giúp người dùng luân chuyển tài sản giữa các chain