Chỉ số TPS của một blockchain có thật sự quan trọng?
Pavel Paramonov, một chuyên gia nghiên cứu blockchain, vừa chia sẻ trên mạng xã hội X về chủ đề “Chỉ số TPS không quan trọng đến vậy”.
Cụ thể, ông cho rằng rất nhiều dự án blockchain đã lạm dụng khái niệm TPS (Transactions Per Second - số lượng giao dịch mỗi giây) như một công cụ marketing đơn giản và hiệu quả để "khoe khoang" về tốc độ của mạng lưới.
Bất kỳ trang chủ dự án blockchain nào cũng đều hiển thị một slogan với nội dung “Blockchain của chúng tôi có thể xử lý XXX giao dịch mỗi giây.” Nhưng trên thực tế, liệu chỉ số này có phản ánh đầy đủ khả năng và giá trị của một blockchain?
Theo Pavel, TPS không phải là chỉ số hoàn hảo để đánh giá hiệu suất của một mạng lưới blockchain, và người dùng lẫn nhà phát triển đều có thể bị đánh lừa nếu quá phụ thuộc vào yếu tố này.
Chỉ dựa vào TPS là không đủ
Ông cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất của chỉ số TPS là nó không phản ánh chính xác thời gian giao dịch thật sự được hoàn tất. Theo nguyên lý hoạt động của blockchain, khi một giao dịch được đề xuất lên mạng lưới, các validator cần phải xác nhận tính hợp lệ để giao dịch có thể được thực thi.
Trong khi đó, khái niệm TPS chỉ đại diện cho khả năng xử lý giao dịch của một hệ thống blockchain trong vòng một giây. Công thức tính TPS bằng tổng số giao dịch của một block chia cho thời gian hoàn thành block.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các giao dịch đã được thực thi hoàn toàn kể cả khi block đã hoàn thành. Để đánh giá chính xác hơn, Pavel gợi ý sử dụng chỉ số TTF (Time To Finality - thời gian hoàn tất một giao dịch).
Chỉ số này đo lường tổng thời gian từ khi bắt đầu một giao dịch cho đến khi giao dịch được đưa vào trạng thái không thể thay đổi, tức đã xác nhận vào blockchain.
Để dễ hình dung, ông so sánh chỉ số TTF như độ trễ (latency) trong game. Giả sử bạn đang chơi một trò chơi và tựa game quảng cáo có thể xử lý được 100 hành động mỗi giây, nhưng bạn phải đợi đến 5 giây để thực hiện xong một hành động chứng tỏ tựa game này không thật sự tối ưu.
Theo Pavel, người dùng đang dành quá nhiều sự quan tâm vào chỉ số TPS mà bỏ qua các yếu tố khác quan trọng hơn, như thời gian hoàn thành khối hay mất bao lâu để xác thực một giao dịch.
Ông cũng lấy Solana làm ví dụ điển hình, khi mạng lưới này được quảng bá rằng có khả năng xử lý hơn 50,000 giao dịch mỗi giây, tuy nhiên số TPS thực tế chỉ khoảng 2,000. Ngoài ra, Arbitrum cũng tự hào về việc có thể xử lý 40,000 TPS, nhưng con số trung bình của mạng lưới này chỉ là 20 TPS.
TPS có thật sự quan trọng hay chỉ là công cụ marketing?
Pavel nhận ra rằng, câu trả lời cho việc TPS có quan trọng hay không thật ra mang tính hai chiều. Một mặt, các nhà phát triển sẽ không bao giờ xác định được một mức TPS cụ thể nào là đủ cho tất cả các nhu cầu sử dụng của người dùng. Mặt khác, trong hầu hết các trường hợp, người dùng không thật sự cần một mức TPS cao như được quảng bá.
Bo Du, Co-founder của Polymer Labs, nhận định rằng công nghệ web3 phi tập trung vẫn chưa sẵn sàng để hỗ trợ các ứng dụng có quy mô lớn của web2.
Ví dụ, để đạt được quy mô hoạt động toàn cầu như của Uber, nền tảng phải cần đến hàng nghìn mạng lưới layer 2 có hiệu suất tương đương với MegaETH và hoạt động ở công suất tối đa mới có thể đáp ứng đủ điều kiện.
Các hệ thống giao dịch tần suất cao (HFT - High-Frequency Trading) cũng là một ví dụ đáng chú ý. Các công ty HFT có thể thực hiện hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu giao dịch mỗi giây.
Tuy nhiên, liệu chúng ta có thực sự cần HFT hoạt động trên blockchain?
Theo ông, câu trả lời cho những câu hỏi này không đơn giản, vì khả năng xử lý khối lượng lớn giao dịch của blockchain hiện tại còn rất hạn chế.
Pavel Paramonov cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cho rằng một trong những sai lầm lớn nhất mà các dự án blockchain thường mắc phải là lạm dụng chỉ số TPS như một công cụ marketing để lôi kéo người dùng.
Lấy ví dụ về Google, Pavel cho rằng không ai thật sự quan tâm đến số lượng tìm kiếm mỗi giây mà Google phải xử lý. Thứ quan trọng nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng của nền tảng này chính là tốc độ và sự hiệu quả của công cụ tìm kiếm.
Theo Pavel, các nhà sáng lập cần tập trung vào việc quảng bá các tính năng, công dụng thực tế của nền tảng blockchain thay vì khoe khoang về các chỉ số kỹ thuật mà người dùng bình thường không thật sự hiểu rõ hoặc quan tâm.
Bên cạnh đó, các dự án nên tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng và phát triển các ứng dụng có giá trị thực tiễn để mở rộng hệ sinh thái và gia tăng mức độ phổ biến của mạng lưới.
Đọc thêm: Bitcoin hoàn thành mục tiêu "Uptober" trước thềm đóng nến tháng