Chip lượng tử của Google có thể bẻ khoá ví 1 triệu Bitcoin của Satoshi Nakamoto?
Sự phát triển mạnh mẽ của các chip máy tính lượng tử trong thời gian gần đây đang khiến cộng đồng tiền điện tử lo ngại về tương lai của địa chỉ ví chứa 1 triệu Bitcoin do Satoshi Nakamoto nắm giữ.
Mới đây, Google đã cho ra mắt sản phẩm chip lượng tử mới mang tên Willow, được cho là chip lượng tử mạnh nhất lịch sử.
Willow có khả năng thực hiện một phép tính chuẩn trong vòng chưa đầy năm phút, trong khi một trong những siêu máy tính nhanh nhất hiện nay phải mất 10 triệu tỷ tỷ năm để hoàn thành bài toán này. Để dễ so sánh, vũ trụ mà chúng ta đang sống mới chỉ có tuổi đời khoảng 13.8 tỷ năm.
Bitcoin hiện đang đối mặt với những thách thức mới từ công nghệ máy tính lượng tử, khi nhiều người tin rằng công nghệ này hoàn toàn có khả năng giải mã các cơ chế mã hóa phức tạp của mạng lưới này.
Trong khi các giao dịch blockchain hiện đại sử dụng định dạng pay-to-public-key-hash (P2PKH) để ẩn public key cho tới khi giao dịch được xác thực, những giao dịch đầu tiên của mạng lưới Bitcoin lại sử dụng định dạng pay-to-public-key (P2PK), phơi bày các public key trên blockchain.
Điều này khiến cho nhiều người lo sợ địa chỉ ví của Satoshi sẽ dễ bị tấn công bởi máy tính lượng tử hoàn toàn có khả năng trích xuất private key từ các thông tin chứa đựng trong public key.
Theo Emir Sirer, nhà sáng lập và CEO của Ava Labs, các máy tính lượng tử hoàn toàn có thể khai thác các public key để chiếm đoạt ví Bitcoin. Điều này đã khiến nhiều người đặt ra vấn đề về việc cần phải đóng băng số Bitcoin của Satoshi Nakamoto để ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn.
Để thực hiện được điều này, các nhà phát triển của mạng lưới phải thay đổi quy tắc đồng thuận của Bitcoin bằng cách soạn thảo một Đề xuất Cải tiến Bitcoin (BIP) và xác định rõ các đầu ra giao dịch chưa sử dụng (UTXO) dễ bị tấn công.
Nếu được cộng đồng chấp thuận và phê duyệt, chức năng đóng băng có thể được thực hiện thông qua một bản soft fork hoặc hard fork, khóa vĩnh viễn số Bitcoin nằm trong ví của Satoshi Nakamoto.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, việc này hoàn toàn khả thi, nhưng đề xuất đóng băng toàn bộ số Bitcoin của Satoshi cần phải nhận được sự chấp thuận của hầu hết cộng đồng tiền điện tử.
Việc này cũng đặt ra câu hỏi quan trọng: “Liệu nó có làm thay đổi nguyên tắc cốt lõi của tiền mã hóa là sự phi tập trung và tính bất biến hay không?”
Như đã nhìn trước được điều này, Satoshi Nakamoto cũng đã chuẩn bị sẵn giải pháp cho blockchain Bitcoin nếu một ngày công nghệ lượng tử có khả năng đe dọa an toàn mạng lưới.
Trong một bài đăng trên BitcoinTalk vào tháng 06/2010, Satoshi Nakamoto đã đưa ra hướng dẫn chi tiết nếu cơ chế mã hóa SHA-256 của Bitcoin bị phá vỡ.
Ông đề xuất rằng cộng đồng có thể rollback blockchain về thời điểm trước khi vấn đề xảy ra, và tiếp tục sử dụng mạng lưới với một hàm băm (hash) mới.
Các phần mềm của mạng lưới cũng đã được lập trình để chuyển sang sử dụng hàm băm mới chỉ sau một vài khối. Cơ chế này vẫn sẽ lưu giữ toàn bộ thông tin trước đây của blockchain Bitcoin, tuy nhiên những hệ thống sử dụng hàm băm cũ sẽ không còn được hỗ trợ.
Sự bùng nổ của công nghệ máy tính lượng tử không chỉ đe dọa Bitcoin mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với tất cả blockchain trong thị trường, tài khoản ngân hàng truyền thống, các cơ sở lưu trữ dữ liệu và bất kỳ hệ thống điện tử nào phụ thuộc vào tiêu chuẩn mã hóa hiện đại.
Nhìn về mặt tích cực, chip Willow của Google hiện nay vẫn chưa đủ khả năng để phá vỡ các thuật toán mã hóa của Bitcoin. Tuy nhiên sự phát triển không ngừng của công nghệ này là điều mà cộng đồng tiền điện tử không thể không quan tâm.
Việc chuẩn bị cho các mối đe dọa từ công nghệ máy tính lượng tử là điều cần thiết để bảo vệ tương lai của Bitcoin và các tài sản số khác. Cộng đồng tiền mã hóa cần thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm duy trì tính bảo mật và phi tập trung của mạng lưới, đồng thời đảm bảo rằng các nguyên tắc cốt lõi của blockchain không bị ảnh hưởng.
Đọc thêm: "Vốn hóa của BTC sẽ lớn hơn Vàng" - Cựu CEO Binance CZ