Chủ nợ của FTX chỉ có thể nhận lại 10 - 25% số tiền đã mất
Sau khi phía FTX cập nhật tài liệu phá sản vào ngày 30/09, một chủ nợ tên Sunil Kavuri đã phân tích kỹ lưỡng và kết luận: chủ nợ chỉ có thể nhận lại từ 10% đến 25% số tài sản crypto đã mất trên sàn.
Kavuri giải thích rằng số tiền hoàn trả cho các chủ nợ sẽ dựa trên giá tài sản crypto tại thời điểm chủ nợ nộp đơn kiện, nhưng lúc đó BTC chỉ khoảng 16,000 USD, thấp hơn so với hiện tại rất nhiều.
Nhiều chủ nợ khác cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng việc bồi thường theo giá tài sản crypto tại thời điểm nộp đơn phá sản là không công bằng. Họ cho rằng kế hoạch đã được bổ sung lén lút, sau khi cuộc bỏ phiếu phương án trả nợ được thông qua.
Một chủ nợ khác còn bày tỏ sự bất mãn rằng luật pháp không thể bảo vệ và coi sự sụp đổ của FTX là một vụ lừa đảo, họ cảm thấy rất thất vọng và cho rằng đã bị lừa gạt đến hai lần.
Những người phản đối chủ yếu là các chủ nợ nắm giữ BTC, ETH và các altcoin lớn. Họ cho rằng việc hoàn trả theo giá tại thời điểm FTX bị phá sản khiến nhà đầu tư mất đi lợi nhuận lớn lẽ ra đã có được trong thời gian uptrend sau đó.
Tuy nhiên, đối với những người nắm giữ các altcoin nhỏ đã mất giá trị, FTX lại khá công bằng khi quy đổi tài sản sang stablecoin và định giá tại thời điểm sàn bị khóa, giúp giảm thiểu thiệt hại.
Không chỉ bất cập trong phương án trả tiền cho khách hàng, nhiều điều bất thường đã bắt đầu được các chủ nợ nhận ra trong quá trình FTX tái tổ chức công ty. Trong các trường hợp phá sản thông thường, quản trị viên và những người liên quan đến quá trình phá sản có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ có sai sót hay vi phạm trong việc điều hành công ty.
Tuy nhiên, kế hoạch tái cơ cấu của FTX lại cung cấp mức bảo vệ vượt xa tiêu chuẩn thông thường, giúp những người quản lý phá sản tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm, ngay cả khi có thể có những hành vi sai phạm.
Một số người tin rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ phản đối kế hoạch tái cơ cấu nếu FTX chọn hoàn trả cho khách hàng bằng stablecoin, thay vì các loại crypto khác. Chủ yếu là do việc stablecoin không có giá trị tương đương với số tiền mà khách hàng bị mất ban đầu.
Ngược lại, giá của FTT, token quản trị của sàn FTX đã tăng hơn 80% chỉ trong vòng 24 giờ qua, mặc dù token này không còn use case (ứng dụng thực tiễn) nào sau khi sàn FTX sụp đổ.