Thị trường Crypto "nín thở" chờ kết quả cắt giảm lãi suất của FED
Thị trường tiền điện tử đang đứng trước cơ hội tăng trưởng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay 50 điểm cơ bản, thay vì mức cắt giảm 25 điểm cơ bản như nhiều người dự đoán.
Đây là nhận định của Joe McCann, CEO của quỹ đầu cơ tiền điện tử Asymmetric trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
McCann cho rằng: Việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ tạo ra một cú hích tích cực cho các tài sản rủi ro, bao gồm cả tiền điện tử.
Ông chỉ ra, thị trường chứng khoán hiện đang ở mức cao kỷ lục, một phần là do kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất lớn. Nếu FED chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản, thị trường chứng khoán có thể sẽ giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử.
Tuy nhiên, McCann cũng lưu ý, quyết định cuối cùng của FED vẫn còn là một ẩn số. Các công cụ dự báo hiện cho thấy, có khoảng 63% khả năng FED sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản và 37% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên một dự đoán được đưa ra, không đạt được sự đồng thuận trên 90% kể từ năm 2020. Sự không chắc chắn này rất dễ tạo nên biến động lớn trên thị trường hơn những cuộc họp trước.
Saad Ahmed, người đứng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương sàn giao dịch Gemini cũng đồng tình với quan điểm của McCann.
Ông cho rằng, thị trường có thể đã phản ánh phần nào việc cắt giảm lãi suất, nhưng một đợt cắt giảm sâu hơn có thể sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ, giúp giá tiền điện tử vượt qua các ngưỡng kháng cự hiện tại.
McCann bác bỏ quan điểm cho rằng, việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ là một tín hiệu tiêu cực cho thị trường. Ông chỉ ra rằng, những lần cắt giảm lãi suất trước đây của FED thường diễn ra trong các tình huống khẩn cấp, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện tại hoàn toàn khác biệt. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP 3%, và việc cắt giảm lãi suất lần này nhằm mục đích kích thích tăng trưởng hơn nữa.
Trong khi đó, CEO của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, lại đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại. Ông cho rằng, ngay cả khi lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nguy cơ suy thoái kèm lạm phát vẫn còn hiện hữu.
Dimon chỉ ra rằng, các yếu tố như chi tiêu chính phủ tăng cao và thâm hụt ngân sách gia tăng có thể tiếp tục gây áp lực lên lạm phát. Mặc dù một số chỉ số kinh tế đang cải thiện, nhưng bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều bất ổn.
Dimon đã nhiều lần cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế. Ông cho rằng, khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ chỉ là 35% đến 40%, và suy thoái có khả năng xảy ra hơn.
Và ngay cả khi FED cắt giảm lãi suất mạnh tay, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến những rủi ro kinh tế vĩ mô khác, bao gồm cả suy thoái kèm lạm phát.
Thị trường kỳ vọng việc giảm lãi suất sẽ kích thích dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như Bitcoin trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quyết định này có thể gây ra những biến động mạnh và không thể chắc chắn được hướng đi cụ thể vì vậy nhà đầu tư nên hạn chế trading.
Đọc thêm: "Thiên tài lập dị" Vitalik Buterin khuấy động sự kiện Token2049 2024 tại Singapore