Nguyên nhân crypto bốc hơi 200 tỷ USD ngày 25/02

Sáng ngày 25/2, thị trường crypto chìm trong sắc đỏ. Trong 24h qua, vốn hoá giảm hơn 6% xuống còn 2,929 tỷ USD. Bitcoin về dưới 92,000 USD, giảm gần 4%. Tương tự, Ethereum, XRP có mức giảm lần lượt là 9.5% và 8.5% trong ngày.

Vốn hoá thị trường crypto thủng hỗ trợ quan trọng
Biểu đồ vốn hoá thị trường crypto đã giảm về dưới 3,000 tỷ USD. Đây là mức hỗ trợ đã được duy trì trong hơn 3 tháng qua. Nếu thị trường xấu, khả năng cao vốn hoá sẽ rơi về 2,720 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh tương đối RSI đang ở ngưỡng 33, chưa giảm xuống vùng quá bán. Điều này cho thấy điều kiện thị trường vẫn có xu hướng giảm.
Để trở lại xu hướng tăng trước đó, vốn hoá cần vượt qua vùng kháng cự 3,000 tỷ USD (vùng màu hồng).

Chỉ số điều kiện tài chính thắt chặt
Một trong những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm của thị trường crypto là Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tiến hành kế hoạch áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới.
Trong cuộc họp báo chung tại Washington với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Trump nhấn mạnh rằng biện pháp thuế quan này sẽ được thực thi theo đúng kế hoạch.
Theo nhà đầu tư Thomas, chỉ số điều kiện tài chính (FC) tăng lên cho thấy chính sách tiền tệ đang thắt chặt hơn. Điều này thường dẫn đến dòng vốn chảy khỏi các tài sản rủi ro.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính toàn cầu đã có dấu hiệu thắt chặt hơn khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), liên tục phát đi tín hiệu họ có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến.
Điều này khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn và tìm cách bảo vệ vốn bằng cách rút khỏi những tài sản có mức biến động cao như crypto. Theo Công cụ FedWatch của CME Group, việc hạ lãi suất là không thể xảy ra trước tháng 7 dù FED đã lên lịch họp hai lần trong thời gian này. Khả năng FED giữ nguyên lãi suất trong hai cuộc họp tiếp theo hiện ở mức 97.5% cho tháng 3 và 73% cho tháng 5.

Tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô như áp lực lạm phát dai dẳng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và những lo ngại về chính sách tiền tệ. Khi các điều kiện tài chính trở nên kém hơn, tiền mã hoá thường chịu áp lực bán mạnh do dòng tiền rút khỏi thị trường.
Áp lực bán từ các nhà đầu tư
Sự xuất hiện của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay cũng có thể góp phần tạo ra áp lực bán. Khi các quỹ lớn tái cân bằng danh mục hoặc thực hiện chốt lời sau các đợt tăng mạnh trước đó, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá của Bitcoin.
Như MarginATM đã đưa tin, ở tuần thứ 3 tháng 2, đã có 508 triệu USD bị rút khỏi các sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số. Đây là tuần thứ hai liên tiếp thị trường ghi nhận dòng tiền âm, sau khi mất 415 triệu USD ở tuần trước.
Bên cạnh đó, sau vụ Bybit bị hack 1.5 tỷ USD Ethereum, người dùng rút hơn 5.5 tỷ USD khỏi sàn. Sáng ngày 25/02, chỉ số sợ hãi và tham lam đã trở về ngưỡng sợ hãi với 25 điểm, giảm 48 điểm trong 7 ngày qua.

Bất chấp tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư, các nhà phân tích của QCP Capital (công ty giao dịch crypto có trụ sở tại Singapore) cho rằng độ biến động của thị trường crypto ở mức vừa phải, không quá tiêu cực như sự kiện sụp đổ của FTX vào năm 2022. Điều này cho thấy thị trường crypto ngày càng “trưởng thành”.
Việc Bybit nhanh chóng đảm bảo khoản vay bắc cầu để bù đắp thiếu hụt thanh khoản trong giai đoạn quan trọng cho thấy thị trường cho vay vẫn có khả năng chống chịu tốt và nguồn vốn dồi dào. Lĩnh vực này đã dần phục hồi từ năm 2022 và ghi nhận mức tăng mạnh trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Đọc thêm: Bitcoin về dưới 92,000 USD, gần 1 tỷ USD bị thanh lý