Động lực mới nào giúp Bitcoin tăng trong dài hạn?
Các trào lưu hiện không có đủ sức hút
Sau khi Bitcoin ETF spot ra mắt chính thức vào tháng 1/2024, các kỳ vọng dựa trên những câu chuyện như Bitcoin Layer-2 hay NFT, DeFi dựa trên Bitcoin đã không tạo ra đủ sự hứng thú cho các nhà đầu tư. Điều này dẫn tới kết quả khiến giá của BTC không thể phá được mốc 70,000 USD trong Q2 và Q3 năm 2024 dù cho FED có giảm lãi suất.
Bằng chứng rõ ràng có thể thấy thông qua một vài số liệu về thị trường gọi vốn với các sản phẩm trên Bitcoin.
Số lượng các thương vụ cũng như tổng số vốn đều không có điểm nhấn, thậm chí trong tháng 9/2024, theo thống kê từ DefiLlama, không có thương vụ gọi vốn nào liên quan tới blockchain Bitcoin được thông báo.
Xu hướng giảm trong khối lượng giao dịch NFT trên Bitcoin cũng tiếp tục là bằng chứng củng cố cho khẳng định kể trên.
Một yếu tố khác gây bất lợi cho Bitcoin trong việc thu hút dòng vốn đầu tư đó là mức độ biến động đang giảm dần. Cụ thể, khi FED hạ lãi suất, trong các tài sản như vàng hay chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới thì Bitcoin, dù luôn được coi là lớp tài sản có mức biến động lớn, lại vẫn chưa thể chinh phục các mức ATH mới.
Điều này làm hạn chế phần nào sức hấp dẫn của Bitcoin, đặc biệt trên góc nhìn của các nhà đầu tư truyền thống thông qua sản phẩm ETF.
Các kỳ vọng để Bitcoin có thể tăng trong tương lai là gì?
Dưới đây là một số kịch bản để đảm bảo sự tăng trưởng trong dài hạn của Bitcoin.
Trong tương lai gần, vào tháng 11/2024, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức có kết quả. Nhiều khả năng đây sẽ là một trong những chủ đề lớn gây biển động trên thị trường. Theo CNBC, các công ty crypto hiện đang chi hàng trăm triệu USD và đóng góp gần 1 nửa nguồn huy động từ các tập đoàn cho việc vận động hành lang tranh cử Tổng thống Mỹ.
Ứng cử viên tranh cử, cựu Tổng thống Donald Trump đang cố gắng tận dụng cơ hội này bằng việc tự coi mình là người ủng hộ crypto. Do đó, có thể khi ông tái đắc cử, Bitcoin sẽ lập được ATH mới.
Theo dữ liệu thống kê trong quá khứ, thị trường cổ phiếu Mỹ trung bình (đại diện bởi chỉ số S&P500) sẽ tăng trong khoảng thời gian 12 tháng sau đó. Do đó đây cũng là một dấu hiệu tốt cho tài sản rủi ro nói chung và Bitcoin nói riêng.
Trong trường hợp các dự án DeFi hay Layer-2 phát triển được trên nền tảng Bitcoin hoặc BTC được chấp thuận rộng rãi như một tài sản thế chấp để vay vốn, tài sản này sẽ được đón nhận nhiều dòng tiền hơn nữa đảm bảo cho sự tăng trưởng trong dài hạn.
Ngoài ra, để có được vị thế như vàng, Bitcoin sẽ cần phải được lưu trữ trong bảng cân đối kế toán của các tổ chức tài chính hoặc quốc gia với vị thế là tài sản lưu trữ giá trị. Hiện tại, Hội đồng Basel (đơn vị đưa ra các tiêu chuẩn trong ngành ngân hàng) vẫn đang đề xuất các phương án liên quan tới việc lưu trữ tài sản crypto..
Trong tương lai nếu như việc lưu trữ Bitcoin hay crypto được thể chế hoá thì sẽ tạo tiền đề để các tổ chức tài chính và quốc gia lưu trữ trong bảng cân đối kế toán. Đây là cơ sở để thu hút dòng tiền bền vững.
Tóm lại, câu chuyện tăng trưởng của Bitcoin trong ngắn hạn sắp tới sẽ gắn với sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho xu hướng dài hạn, các quy định và văn bản pháp luật liên quan sẽ cần được ban hành theo chiều hướng có lợi để thu hút được dòng tiền mới từ các tổ chức và quốc gia.
Đọc thêm: Scroll snapshot airdrop và đính chính việc ví dự án chứa hàng triệu điểm Mark