Dự án Crypto sau airdrop có giữ chân được người dùng?
Người dùng sụt giảm liên tục hậu airdrop
Trong tháng Q1-2024, có hơn 10 dự án đã ra mắt token và airdrop cho cộng đồng như Ethena, Wormhole, Parcl, Tensor, Omni Network, Renzo, Kamino, XAI... Nguồn cung altcoin trong Q1-2024 vô cùng lớn với hơn 15 dự án ra mắt token.
90% các dự án này đều dành ít nhất 5% tổng nguồn cung token cho airdrop cộng đồng của mình.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều dự án được ra mắt trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến việc không thể giữ chân người dùng sau airdrop là điều dễ hiểu.
Tâm lý thị trường chưa hoàn toàn lạc quan (bullish), khiến áp lực bán ra token sau khi nhận airdrop trở nên rất lớn. Điều này dẫn đến việc người dùng thường xuyên bán token đã nhận từ airdrop để lấy tiền “cày” airdrop của dự án mới và lặp lại quy trình này.
Tiếp theo đó, các dự án này vẫn chưa thực sự tốt về mặt sản phẩm, lý do khiến cho người dùng hoạt động trên các dự án này là do họ hy vọng sẽ nhận được token trong tương lai.
Theo Hitest.eth, trong 9 dự án được anh phân tích, chỉ 3 dự án có chỉ số giữ chân người dùng dương trước và sau khi airdrop token.
Manta, Wormhole, Starknet, Aptos, Sui và Sei đều có số lượng người dùng hoạt động hằng ngày (DAU - Daily Active Users) giảm nhanh chóng trước airdrop 1 ngày và ở thời điểm hiện tại.
Đặc biệt ở dự án Sei, ở thời điểm hiện tại chỉ còn 2,000 người dùng hoạt động trên dự án, còn 1/7 so với 15,000 người dùng trước airdrop.
Trong phân khúc các sàn giao dịch phi tập trung (DEX), hai dự án đã airdrop token nhưng lượng người dùng liên tục giảm sút hậu airdrop là Aevo và Dydx.
Dydx đã phát hành airdrop vào năm 2021 với nhiều ví nhận được token có trị giá lên tới 5,000 USD. Tuy nhiên, tính đến ngày 04/05/2024, chỉ còn 18 ví hoạt động trên nền tảng này.
Tương tự, Aevo trước khi phát hành token đã từng có khối lượng giao dịch đỉnh điểm là 7 tỷ USD với hơn 30,000 ví hoạt động.
Nhưng vào ngày 05/05/2024, khối lượng giao dịch của Aevo giảm xuống còn 33 triệu USD và số lượng ví hoạt động giảm từ mức cao nhất 29,000 xuống còn hơn 400 ví.
Các dự án cần làm gì để giữ chân người dùng?
Các dự án như Optimism, Arbitrum, và Jupiter đều duy trì chỉ số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) dương trước và sau khi airdrop, chủ yếu nhờ vào các yếu tố sau:
- Tương tác tích cực với cộng đồng: Những dự án này không chỉ tương tác thường xuyên mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia và phản hồi, điều này giúp họ duy trì sự quan tâm và tham gia của người dùng.
- Phân bổ token airdrop hợp lý: Các điều kiện nhận airdrop được thiết kế để phù hợp và công bằng, không gây ra nhiều ý kiến trái chiều hoặc xung đột với tâm lý của cộng đồng.
- Chất lượng sản phẩm: Sản phẩm của các dự án này thực sự đáp ứng nhu cầu của người dùng, làm nền tảng cho sự tham gia và sử dụng lâu dài.
Với Jupiter, dự án đã không phân bổ token cho các VC và quỹ, tổ chức từ 2 đến 3 sự kiện community call mỗi tuần,luôn đồng hành cùng cộng đồng trước và sau khi airdrop diễn ra. Điều này không chỉ tạo dựng niềm tin mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực từ người dùng.
Ở mặt khác, các dự án như Optimism không ngừng cập nhật và phát triển, sử dụng các công nghệ như Optimism Bedrock hay OP Stack, giúp tăng tính hấp dẫn và khả năng áp dụng thực tế của nền tảng.
Arbitrum xây dựng hệ sinh thái của mình với các dự án như Camelot, Balancer cũng thu hút lượng người dùng rất ổn định vào hệ sinh thái. Điều này giúp họ duy trì DAU dương trong thời gian dài.
Thách thức lớn nhất mà các nhà phát triển đối mặt ở thời điểm hiện tại là giữ chân người dùng. Tuy nhiên, điều này không phải là bất khả thi. Các dự án thành công cần xây dựng sản phẩm mà thị trường thực sự cần, phát triển cộng đồng, cập nhật sản phẩm thường xuyên, và thực hiện phân phối token một cách công bằng.
Ngoài ra, việc kết hợp hoạt động marketing một cách thông minh cũng rất quan trọng để tránh trở thành "zombie chain" như nhiều dự án trong các chu kỳ crypto trước đây.
Thống kê cho thấy 42% người dùng lựa chọn đầu tư vào crypto thay vì các loại tài sản mạo hiểm khác vì sự dễ dàng trong giao dịch và trải nghiệm người dùng thân thiện. Binance là một ví dụ điển hình về điều này.
Trước khi lập Binance, CZ đã từng làm CTO tại OKCoin vào năm 2014 - tiền thân của OKX hiện tại. Dù ra đời sau OKX, Binance đã nhanh chóng trở thành một trong những sàn giao dịch hàng đầu nhờ vào sản phẩm và trải nghiệm người dùng rất tốt.
Dưới sự lãnh đạo của Changpeng Zhao, Binance đã tăng số lượng người dùng từ 28.6 triệu trong đợt bull run năm 2021 lên tới 31 triệu trong thị trường gấu năm 2022, minh chứng rằng sự tăng trưởng có thể đạt được ngay cả khi thị trường đang đi xuống.
Vậy trong vô vàn dự án được airdrop trong năm 2024, dự án nào sẽ thực sự có sản phẩm tốt và những yếu tố cần thiết để giữ chân người dùng?
Đọc thêm: Hacker Poloniex bắt đầu rửa tiền, chuyển 3.3 triệu USD ETH vào Tornado Cash