Fed cho thấy chúng ta gần đáy hơn gần đỉnh?
Thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hoá nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những kế hoạch tăng lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ trong năm 2022. Với việc lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, nhà đầu tư hi vọng Fed sẽ nhẹ tay hơn vào năm 2023.
Hi vọng từ kế hoạch năm 2023 của Fed
Trong cuộc họp hôm rạng sáng ngày 13/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phê duyệt tăng lãi suất 0.5% kèm theo kế hoạch năm 2023.
Đây được xem là mức tăng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2022, sau một lần tăng 1% và ba lần liên tiếp tăng 0.75%. Đến cuối năm 2022, Fed đã đưa lãi suất liên bang lên đến 4.5%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Năm 2008 cũng là năm diễn ra khủng hoảng kinh tế Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới.
Ngay sau khi tin tức được đưa ra, Bitcoin và thị trường tiền mã hoá đã có những phản ứng tiêu cực. Giá Bitcoin đã giảm hơn 4% chỉ sau ít phút từ phát biểu của ông Powell và đạt mức thấp nhất trong ngày ở 17,500 USD.
Nguyên nhân là kế hoạch lãi suất trong năm 2023 mà Fed đưa ra. Dự báo về mức lãi suất qua biểu đồ Dot Plot cho thấy lãi suất năm 2023 vẫn tiếp tục tăng. Dot Plot là biểu đồ dự đoán của 19 nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương về tương lai của lãi suất.
Theo như biểu đồ này, Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 5-5.1%. Với lãi suất hiện tại đang là 4.5% thì Fed sẽ còn tăng thêm 0.5% trong năm 2023 để đạt được mục tiêu đề ra. Sau đó, họ sẽ giữ mức lãi suất này trong một khoảng thời gian và theo dõi tình hình lạm phát để đưa ra quyết định tiếp theo.
Tuy nhiên, với kế hoạch này, Fed đã có kế hoạch giảm việc tăng lãi suất trong năm 2023 đồng thời giảm lãi suất dần dần vào năm 2024. Điều này do lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt. Chỉ số lạm phát (CPI) tháng 11 được thông báo là 7.1%. CPI đã giảm liên tiếp năm tháng kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 5 năm 2022 cho thấy kế hoạch của Fed đã bắt đầu có hiệu quả.
Nếu lạm phát tiếp tục giảm và đạt mức 2% thì Fed sẽ có các kế hoạch nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Đây được dự đoán là thời điểm mà thị trường tài chính trong đó có tiền mã hoá hồi phục.
Chỉ báo onchain dự báo đáy của thị trường đang đến gần
Mặc dù thị trường đã có phiên giảm sau tin tức từ Fed, một số chỉ báo onchain đã đưa ra dự báo rằng xu hướng giảm sắp kết thúc.
BTC chạm mức ngưỡng kháng cự 18,000 USD đồng thời thông tin tiêu cực từ Fed đã khiến các holder bán ra khoảng 35 triệu USD. Điều này làm BTC giảm giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, con số này vẫn có phần khiêm tốn khi so sánh với các đợt bán ròng trước đó (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD).
Chỉ số CCD giảm cho thấy viễn cảnh tương tự. CCD là chỉ số cho biết mức độ chuyển BTC của các nhà đầu tư dài hạn. Nếu CCD tăng mạnh cho thấy họ đang bán ra và ngược lại.
Đồng thời, mức giá hiện tại để đầu tư Bitcoin khá tốt khi giá thị trường thấp hơn mức giá thực tế của BTC. Giá thực tế được tính bằng giá trung bình của tất cả holder trên thị trường chia cho tổng cung BTC. Khi giá thị trường dưới mức giá thực tế cho thấy đây là vùng hợp lý cho đầu tư dài hạn.
Nhìn chung, thị trường tiền mã hoá vẫn đang vật lộn với hàng loạt tin tức xấu như đế chế FTX sụp đổ, khủng hoảng thanh khoản khiến hàng loạt quỹ đầu tư phá sản, Fed tăng lãi suất… Nhưng khi các vấn đề được giải quyết thì đó là thời điểm nhà đầu tư trở lại với thị trường tiền mã hoá.
Đọc thêm: Người dùng Việt hoang mang khi không rút được tiền trên Binance?