Grayscale Research: Sẽ khó lặp lại đợt giảm giá sâu như thời gian vừa qua
Theo báo cáo của Grayscale Research, trong viễn cảnh nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục theo lộ trình “hạ cánh mềm" của Cục Dự trữ Liên bang (FED), thị trường tiền điện tử có thể đón nhận cơn sóng hồi tốt.
Trong trường hợp tệ nhất, nền kinh tế Mỹ chưa thể hạ cánh mềm như dự kiến, Grayscale Research tin rằng khả năng tái diễn một đợt giảm sâu như vừa rồi là rất khó. Bài viết dưới đây tóm tắt và sử dụng dữ liệu của báo cáo “Market Byte: Late Summer Storm" của Grayscale Research.
Bức tranh toàn cảnh thị trường tài chính trong tháng 8/2024
Tháng 8/2024 mang đến nhiều tín hiệu tiêu cực cho thị trường tài chính và địa chính trị toàn cầu. Kéo theo đó là việc thị trường tiền điện tử giảm sâu, với việc Bitcoin giảm hơn 20% giá trị trong ngày 05/08, từ mức 59,000 USD xuống mức thấp nhất là 48,900 USD. Ngoài ra, Vốn hóa toàn trường cũng giảm hơn 500 tỷ USD giá trị trong tuần đầu của tháng 8.
Sau đó, thị trường crypto và các thị trường tài chính truyền thống đã dần ổn định lại từ sau đợt giảm mạnh kéo dài từ ngày 02-05/08. Tuy có sự khác biệt cố hữu giữa 2 thị trường nói trên nhưng sự biến động của thị trường truyền thống như chứng khoán thường dẫn theo tác động tương tự trong giá trị các loại tài sản crypto đầu ngành như Bitcoin, Ethereum.
Ảnh hưởng của thị trường truyền thống tới tài sản crypto
Thị trường lao động yếu kém
Nguyên nhân của đợt bán tháo được dự đoán là bởi báo cáo việc làm tháng 7 ở Mỹ cho thấy thị trường việc làm suy yếu hơn dự kiến. Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng với mức độ tương tự như trong các cuộc suy thoái trước đây.
Những lo ngại về một đợt suy thoái đã làm giảm hiệu suất của các tài sản chu kỳ như cổ phiếu, vàng. Dòng vốn được rút từ thị trường cổ phiếu rất có thể đã được đổ vào các kênh trú ẩn an toàn truyền thống như trái phiếu kho bạc Mỹ (Treasury Bill), đồng Yên (Nhật Bản), đồng Franc (Thụy Sĩ), dẫn đến sự phát triển của các loại tiền tệ kể trên.
Ethereum đặc biệt giảm sâu
Cổ phiếu ngoài Mỹ và các loại tài sản tiền điện tử có hiệu suất đặc biệt kém. Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) đều giảm, đặc biệt là hiệu suất giá Ethereum còn kém hơn cả các tài sản tiền điện tử khác. Trong số các tài sản tiền điện tử lớn, Solana (SOL) là một trong số ít những tài sản có hiệu suất ổn định hơn.
Tuy có thể chấp nhận rằng giá ETH có tính biến động lớn hơn BTC, nhưng theo dữ liệu thu thập được ở hình trên, có thể thấy trong những đợt giảm giá (theo % giá trị) lớn nhất của Bitcoin kể từ 2020, giá Ethereum thường giảm mạnh hơn 1.2 lần giá Bitcoin. Tuy nhiên, trong cơn mưa máu đầu tháng 8 vừa rồi, giá ETH giảm tận 1.8 lần so với mức giảm của BTC.
Để lý giải mức giảm đột biến này, Grayscale gợi ý là do tổng vị thế mua (Long) lớn trong hợp đồng tương lai vĩnh viễn. Vào tháng 5/2024, thời điểm Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt các hồ sơ 19b-4 của các quỹ Ethereum ETF, nhà đầu tư đã tăng mạnh vị thế trong hợp đồng tương lai vĩnh viễn, với hy vọng giá sẽ tăng thêm khi các hồ sơ S-1 tiếp tục được phê duyệt.
Một phần vị thế Long Ethereum đã bị thanh lý trong đợt sụt giảm gần đây, giảm tỷ lệ vị thế Long/Short và tăng áp lực bán. Vào ngày 4/8, giá của Ethereum đã giảm 7.6% chỉ trong vòng ba phút và tổng giá trị vị thế bị thanh lý lên tới 340 triệu USD trong cùng ngày. Đợt bán tháo diễn ra ngoài phiên giao dịch chứng khoán tại Mỹ và diễn ra chủ yếu trên Binance thay vì Coinbase, nên có vẻ như phần lớn lượng vị thế bị thanh lý đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Một yếu tố khác có thể góp phần vào sự sụt giảm của Ethereum là do áp lực bán của các holder lớn, bao gồm nhà tạo lập thị trường Jump Crypto, nhà đầu tư vốn mạo hiểm Paradigm và Golem Network. Dựa trên dữ liệu từ Arkham Intelligence, Grayscale Research ước tính rằng các bên kể trên nắm giữ khoảng 50,000 ETH, trị giá khoảng 1.5 tỷ USD trước khi bán (dựa trên giá Ethereum tại thời điểm đó).
Bên cạnh đó, việc các validator (nhà xác thực khối trên Ethereum) dần chuyển sang các giao thức restaking, vốn có mức thưởng cao cũng phần nào gia tăng tỷ lệ lạm phát của token này. Từ đó mang lại tâm thế bán lượng ETH thưởng và làm ảnh hưởng tâm lý chung thị trường.
Tín hiệu phục hồi và những điều cần chuẩn bị trong tương lai
Trong tuần vừa qua, các thị trường tài chính phổ biến đã dần ổn định lại. Chỉ số VIX, một chỉ số được dùng để ước lượng khả năng biến động ngầm (Implied Volatility - IV) của cổ phiếu Mỹ, đã giảm xuống còn khoảng 26%, củng cố tâm lý thị trường.
Theo Grayscale Research, khả năng duy trì mức ổn định mới này còn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế vĩ mô và báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời cần phải theo dõi các chính sách tiếp theo của FED và các ngân hàng trung ương lớn khác.
Về dữ liệu kinh tế, các báo cáo quan trọng cần lưu ý trong thời gian tới bao gồm: Báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI, sẽ được công bố vào ngày 14/8); báo cáo việc làm tháng 8 (sẽ được công bố vào ngày 06/09). Rất có khả năng FED sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 18/09, tuy nhiên thị trường đang mong chờ vào các đợt giảm lãi suất tiếp theo vào cuối năm.
Nếu nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái và duy trì lộ trình "hạ cánh mềm," Grayscale Research kỳ vọng rằng thị trường crypto sẽ phục hồi và Bitcoin sẽ test lại mức giá ATH (73,000 USD) vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ngay cả trong môi trường kinh tế yếu hơn, Grayscale Research tin rằng rủi ro giảm giá có thể bị hạn chế hơn so với các đợt sụt giảm trước đây. Điều này bao gồm:
- Dòng vốn ròng tương đối ổn định từ các sản phẩm Bitcoin ETF và Ethereum ETF đang niêm tại Mỹ
- Việc thắt chặt, kiểm soát tín dụng của các tổ chức tài chính tập trung, hạn chế khả năng bị thanh lý và tạo áp lực bán tháo.
- Biên lợi nhuận thấp của altcoin trong năm 2024, dẫn đến khả năng chốt lời và tạo áp lực bán thấp.
- Sự thay đổi góc nhìn của giới chính trị của Mỹ đối với ngành công nghiệp tiền điện tử cũng có thể giảm bớt rủi ro giảm giá so với các chu kỳ trước.
Tuy nền kinh tế luôn mang tính chu kỳ, Grayscale Research cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ chi tiêu và kiểm soát ngay khi có manh nha của một cơn khủng hoảng kinh tế. Cũng vì cách tiếp cận thiếu kỷ luật đối với chính sách tiền tệ và tài khóa của giới cầm quyền, nhiều nhà đầu tư đã chọn đầu tư vào Bitcoin, gửi gắm vào một loại tài sản hữu hạn trong dài hạn.
Tại thời điểm viết bài, thị trường tiền điện tử đang dần phục hồi, vốn hóa toàn trường đã trở về mốc 2,000 tỷ USD. Giá Ethereum cũng đang phục hồi tốt, hiện được giao dịch ở mức 2,650 USD.
Đọc thêm: Hamster Kombat công bố tiêu chí tích điểm trong đợt Airdrop sắp tới