Không gọi vốn, Hamster Kombat lấy tiền từ đâu để làm airdrop “lớn nhất trong lịch sử”?
Tựa game click-to-earn trên Telegram, Hamster Kombat, vừa đạt cột mốc 300 triệu người dùng vào cuối tháng 07. Đây là một thành tựu ấn tượng của dự án chỉ sau chưa đầy năm tháng ra mắt kể từ tháng 03/2024.
Theo thông báo chính thức từ đội ngũ phát triển, 60% tổng token HMSTR sẽ được airdrop cho người chơi, phần còn lại sẽ phục vụ mục đích cung cấp thanh khoản, chi trả cho đối tác và tài trợ các hoạt động khác trong game.
Thông tin chi tiết về tokenomics của HMSTR vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên đội ngũ phát triển khẳng định rằng họ không nhận bất kỳ khoản đầu tư nào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hay tổ chức tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị của token sẽ được quyết định hoàn toàn bởi quy luật cung cầu cũng như sự quan tâm của cộng đồng.
Điều này cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng “Không kêu gọi đầu tư thì Hamster Kombat lấy tiền ở đâu để airdrop cho người dùng?”
Để dễ so sánh, chúng ta sẽ lấy đối thủ của Hamster Kombat, tựa game Catizen, làm ví dụ. Cũng trong cuối tháng 07, Catizen công bố đạt được 26 triệu người chơi, tạo ra mức doanh thu ấn tượng 16 triệu USD.
Phần lớn doanh thu của Catizen đến từ các giao dịch mua sắm vật phẩm trong game thông qua mạng lưới The Open Network. Theo thông báo từ dự án, tựa game này đã vượt mốc 20 triệu giao dịch vào ngày 20/07, với số tiền trung bình mỗi người chơi on-chain của dự án đã chi trả là 170 USD.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở việc Hamster Kombat không có tính năng mua bán, trao đổi vật phẩm như Catizen. Đây hoàn toàn là một tựa game free-to-play, người dùng không cần phải chi trả bất kỳ khoản tiền nào vẫn có thể trải nghiệm đầy đủ mọi tính năng của game.
Trong kinh tế, có một quy luật cơ bản chính là “Sản phẩm miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm”. Nếu vậy, Hamster Kombat đã tạo ra doanh thu từ những “sản phẩm” của mình thông qua những cách nào?
Có ba phương pháp chính mà Hamster Kombat có thể đã dùng để tạo ra doanh thu cho dự án, bao gồm:
- Thu nhập từ Youtube
- Thu nhập từ việc yêu cầu người dùng tải và trải nghiệm các trò chơi được tích hợp
- Thu nhập từ các quảng cáo trong game
Disclaimer: Dự án Hamster Kombat không có bất kỳ công bố chính thức nào về doanh thu cũng như cách thức dự án tạo ra lợi nhuận. Ba phương pháp kể trên là do sự tìm hiểu từ tác giả, dự án còn có thể có nhiều nguồn thu nhập khác.
Doanh thu của Hamster Kombat có thể đến từ đâu?
Thu nhập từ Youtube
Theo thống kê từ vidIQ, kênh Youtube của Hamster Kombat hiện đang sở hữu 34.9 triệu người theo dõi với tổng cộng 860.91 triệu lượt xem.
Nền tảng này ước tính doanh thu của kênh Youtube Hamster Kombat có thể đạt được từ 10 triệu USD đến 32 triệu USD, với thu nhập trung bình hàng tháng từ 285.7 nghìn USD đến 857 nghìn USD.
Thu nhập từ các tựa game tích hợp
Mới đây, Hamster Kombat đã triển khai những nước đi đầu tiên trong mục tiêu biến dự án trở thành một trung tâm trò chơi, bằng cách tích hợp nhiều tựa game web2 khác nhau vào nền tảng.
Thông qua việc trải nghiệm các trò chơi này, người chơi sẽ được nhận về những Chìa khóa (Key). Chìa khóa cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để tính điểm airdrop của Hamster Kombat.
Như vậy, nhằm tối ưu khả năng nhận airdrop từ dự án, người chơi bắt buộc phải tải và trải nghiệm mọi tựa game được tích hợp nhằm kiếm nhiều Chìa khóa nhất có thể. Với con số 300 triệu người dùng, số tiền hoa hồng mà Hamster Kombat nhận được từ những tựa game Web2 kia sẽ lớn đến mức nào?
Thu nhập từ quảng cáo trong game
Ngoài doanh thu hoa hồng từ việc giới thiệu tải app, Hamster Kombat còn có thể kiếm được thu nhập không nhỏ từ việc cho phép đặt quảng cáo thông qua các tựa game này. Với số lượng quảng cáo dày đặc, dự án có thể đang tạo ra rất nhiều doanh thu thông qua phương pháp này.
Đây cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc rất lớn trong cộng đồng người chơi của Hamster Kombat. Nhiều người phản ánh rằng họ phải bỏ hàng giờ đồng hồ xem quảng cáo chỉ để đổi lại vài Chìa khóa.
Điều đáng nói là đến bây giờ dự án vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức về ý nghĩa và công dụng của các Chìa khóa này trong hệ sinh thái game.
Một người chơi đã nhận xét vui về tựa game như sau: “Đang xem quảng cáo mà cứ chèn mấy giây game vô làm chi không biết”. Nhận xét này cho thấy tần suất xuất hiện các quảng cáo trong những tựa game này là vô cùng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm chơi game của người dùng.
Như đã nói ở trên, việc hoàn thành các tựa game là một yêu cầu bắt buộc nếu người dùng muốn tích lũy nhiều Chìa khóa nhất có thể. Điều này đồng nghĩa với việc họ buộc phải xem hàng loạt các quảng cáo khác nhau, từ đó tạo ra nguồn doanh thu dồi dào cho Hamster Kombat.
Kết luận
Như vậy, tựa game Hamster Kombat đang thật sự tạo ra rất nhiều doanh thu, trong đó nguồn thu nhập lớn nhất đến từ việc quảng cáo trên các nền tảng khác nhau.
Với nguồn lợi nhuận dồi dào liên tục chảy vào túi trong suốt năm tháng qua, lời hứa thực hiện một đợt airdrop “lớn nhất trong lịch sử crypto” của dự án này là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, điều này lại gây ra phản ứng tiêu cực đối với người chơi của tựa game, khi họ cho rằng dự án đang liên tục “vắt máu” người chơi bằng cách tạo ra những tính năng không cần thiết chỉ để “bào” tiền từ quảng cáo.
Đọc thêm: Memecoin lớn nhất trên Blast “chuyển nhà” sang Solana