Lạm phát đang trên đà suy giảm và góc nhìn chính sách của FED
Các thông tin tích cực về chỉ số lạm phát
Chỉ lạm phát (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) được công bố trong tuần qua với kết quả giảm nhiều hơn dự báo. Điều này cho thấy sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ.
Tuy vậy, các nhà đầu tư lại nhìn nhận đây là một dấu hiệu tích cho thấy lạm phát đang trên đà giảm về mức mục tiêu 2% của FED. Theo đó, chỉ số S&P500 trong tuần tiếp tục xu hướng tăng đạt đỉnh cao mới (ATH) tại 5,400 điểm.
Ngoài ra, các dữ liệu về tiêu dùng cũng cho thấy dấu hiệu lạm phát sẽ giảm trong tương lai gần. Chỉ số theo dõi tâm lý người tiêu dùng từ đại học Michigan đã giảm xuống mức 65.6, thấp nhất trong 7 tháng.
Người dân cũng cảm thấy ít tự tin hơn vào tình trạng tài chính của họ trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và việc làm mới chưa bắt kịp nhu cầu.
Một số điểm lưu ý đối với thị trường cổ phiếu Mỹ
Thị trường cổ phiếu ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, các cổ phiếu công nghệ trong nhóm Mag 7 tiếp tục xu hướng tăng góp phần “gồng gánh" chỉ số S&P500. Trong đó nổi bật là NVIDIA với trào lưu trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, hiện số lượng tiền trong các quỹ tiền tệ (Money Market Fund - MMF) đang đạt đỉnh cao mới (khoảng 6.12 nghìn tỷ USD) trong bối cảnh FED vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cao và chỉ dự định hạ một lần trong năm 2024.
Lượng tiền khổng lồ này sẽ là động lực giúp thị trường cổ phiếu có một tấm đệm khi sự kiện thiên nga đen diễn ra. Đồng thời, khi lãi suất giảm, nguồn tiền này sẽ có xu hướng phân bổ sang cổ phiếu thúc đẩy đà tăng của S&P500 hay toàn bộ thị trường cổ phiếu Mỹ.
Tuy vậy, khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm (thể hiện qua dữ liệu tiêu dùng) thì sự tăng trưởng này có thể gây ra rủi ro cổ phiếu bị định giá quá cao.
P/E của S&P500 đang trong xu hướng tăng đạt mốc 28.23, chưa phải là quá cao so với các sự kiện sụt giảm mạnh trong lịch sử.
Tuy rủi ro thiên nga đen đã được giảm bớt khi có tấm đệm từ MMF. Nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý về kỳ vọng lợi nhuận đối với cổ phiếu khi nền kinh tế hàng đầu đang có những trục trặc nhất định.
Điểm nhấn cuộc họp FED
Vào ngày 11 - 12/06, FED đã tổ chức họp thường kỳ để quyết định chính sách tiền tệ. Kết quả không khác so với kỳ vọng của thị trường khi lãi suất vẫn giữ nguyên ở mức 5.25% - 5.5%.
Điểm nhấn của cuộc họp tháng 6 nằm ở các góc nhìn từ phía FED với nền kinh tế Mỹ. Về tổng quan, FED cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn so với các dự báo hồi tháng 03. Tăng trưởng GDP sụt giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát sẽ duy trì ở mức cao.
Biểu đồ Dot plot cho thấy trong năm 2024, hầu hết các thành viên đều đồng ý mức lãi suất trong khoảng 4.75% - 5.5% (tập trung hơn trong khoảng 4.75% - 5.25%). Đồng nghĩa với việc có thể FED sẽ cắt lãi suất từ 1 tới 2 lần mỗi lần 0.25%.
Tuy nhiên, sau cuộc họp, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm bất chấp phát biểu của FED rằng sẽ chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm 2024. Hiện tượng này hàm ý thị trường đang kỳ vọng về 2 lần cắt giảm lãi suất.
Trong năm 2025, với tình hình hiện tại ngân hàng trung ương Mỹ đang dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở khoảng 4% - 4.25% (tương đương với 5 lần cắt, mỗi lần 0.25% so với mức hiện nay).
Đọc thêm: LayerZero công bố điều kiện trúng Airdrop - Đã có link check Sybil