FED đã trả lời như thế nào về lạm phát và việc tăng lãi suất?
Những vấn đề đáng lưu ý về họp báo hôm qua của FED
Rạng sáng hôm nay (17/6) giờ Việt Nam, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tham gia buổi họp báo trả lời về vấn đề lạm phát và những giải pháp có thể được đưa ra để giải quyết tình hình chính sách tiền tệ hiện tại của Hoa Kỳ.
Theo đó, Hoa Kỳ thời gian gần đây đã đối diện với bối cảnh lạm phát tăng cao, dòng tiền lưu thông quá nhiều trên thị trường đã làm giảm giá trị của đồng Đô la Mỹ. Trước tình hình này, người dân đặt nghi vấn rằng liệu FED có cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ đô hàng tháng và tăng lãi suất để giải quyết lạm phát lúc này hay không.
Trong buổi họp báo, chủ tịch FED Jerome Powell đã không đưa ra câu trả lời nào về vấn đề cắt giảm các chương trình mua trái phiếu của mình mặc dù ông thừa nhận rằng các quan chức đã thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp trước đó.
Vấn đề được Fed chỉ ra là người dân có nhu cầu rất mạnh, thu nhập cao, sẵn có tiền trong tài khoản ngân hàng. Điều này thú đẩy nhu cầu hàng hóa cực kỳ cao và khiến giá tiêu dùng chưa thể giảm xuống. Powell giải thích nếu điều chỉnh quá mức, có khả năng ở mặt khác là lạm phát thực sự có thể ở mức khá thấp trong tương lai.
Và trong buổi họp báo ngày hôm qua, FED đã đưa ra kỳ vọng về mức lạm phát có thể chấp nhận được trong năm nay và khung thời gian hợp lý để áp dụng chính sách tăng lãi suất.
Như nhiều dự đoán trước đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí để lãi suất vay ngắn hạn chuẩn của mình được neo gần bằng 0 như trước đó. Còn việc tăng lãi suất để giải quyết lạm phát có thể sẽ được thực hiện 2 lần, sớm nhất là vào năm 2023 chứ không phải thời điểm hiện tại. Trước đó, vào tháng 3 FED đã tuyên bố thời gian tăng lãi suất này có thể là tới năm 2024.
FED cũng đã nâng mức kỳ vọng lạm phát chính trong năm nay là 3.4%, cao hơn so với dự báo họ đưa ra vào hồi tháng 3 vừa qua. Họ cho biết áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Điều này được tuyên bố trong bối cảnh giá tiêu dùng của quốc gia đang tăng mạnh nhất trong 13 năm qua.
James McCann, phó trưởng kinh tế tại Aberdeen Standard Investments cho biết:
“Đây không phải là những gì thị trường mong đợi. Fed hiện đang báo hiệu rằng lãi suất sẽ cần phải tăng sớm hơn và nhanh hơn khi họ dự báo sẽ tăng 2 lần trong năm 2023, trước một năm so với công bố trước đó. Sự thay đổi lập trường này có đôi chút bất thường khi FED cho rằng lạm phát hiện chỉ là áp lực tạm thời.”
Phản ứng của thị trường tài chính
Các thị trường phản ứng mạnh với tin tức của Fed, các nhà đầu tư có phần lo sợ khiến cổ phiếu giảm. Trong khi đó lợi tức trái phiếu chính phủ cao hơn khi các nhà đầu tư dự đoán chính sách thắt chặt sắp tới của FED sẽ làm chậm khả năng của việc mua trái phiếu trong năm nay.
Đối với tiền điện tử, Bitcoin đã có phản ứng giảm hơn 5% khi cuộc họp diễn ra tới lúc họp báo kết thúc. Giao động từ $40,300 đến $38,400 và hiện tại đang tiếp tục sideways vùng này.
Kathy Jones, đại diện Charles Schwab, cho biết:
“Nếu FED thực hiện 2 lần tăng lãi suất vào năm 2023, FED sẽ cần bắt đầu tăng dần để đạt được mục tiêu đó. Có thể sẽ mất 10 tháng tới một năm để tăng với tốc độ vừa phải… nếu nền kinh tế trở nên nóng hơn, lạm phát cao hơn thì việc tăng lãi suất có thể sẽ thực hiện sớm hơn nữa.”
Ngay cả khi dự báo được nâng lên cho năm nay, ủy ban vẫn nhận thấy lạm phát có xu hướng đạt con số 2% trong dài hạn. Powell nói:
“Kỳ vọng của chúng tôi là những chỉ số lạm phát cao này sẽ giảm bớt… việc tăng lãi suất sẽ diễn ra trong tương lai.”
Powell cho biết tiến độ hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề việc làm và lạm phát của Fed đang diễn ra nhanh hơn dự đoán. Các quan chức đã nâng kỳ vọng GDP của họ trong năm nay lên 7% từ mức 6.5% trước đó. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 4.5%.
Nhận định
Vậy tại sao lạm phát Hoa Kỳ lại quan trọng?
Hoa Kỳ đã trải qua đợt khủng hoảng kinh tế khi đại dịch Covid rơi vào bế tắc vào năm 2020. Trong cuộc họp lần này, FED đã đưa ra góc nhìn về một nền kinh tế đang có tốc độ phục hồi rất nhanh chóng.
Nền kinh tế Hoa Kỳ vốn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung trên toàn thế giới, đặc biệt khi đồng Đô la Mỹ được sử dụng làm tiêu chuẩn tiền tệ chung. Vì thế vấn đề lạm phát của quốc gia này là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư.
Theo chu kỳ tài chính, khi lạm phát tăng nghĩa là tiền mặt lưu thông trên thị trường quá nhiều, buộc FED phải có chính sách tăng lãi suất tiền gửi và cho vay của ngân hàng trung ương để thu tiền về.
Điều này ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, vàng, dầu và cả tiền điện tử. Bởi nếu lãi suất tăng, giảm nhu cầu đi vay của các nhà đầu tư và người dân cũng có nhu cầu gửi tiền mặt vào ngân hàng hưởng lãi nhiều hơn. Dẫn tới dòng tiền đổ sang các kênh đầu tư khác bị sụt giảm, kéo theo giá giảm.
Như vậy, tạm thời việc tăng lãi suất sẽ chưa được thực hiện và các nhà đầu tư tiền điện tử đã có thể bớt lo lắng một phần về các khoản đầu tư hiện tại. Nhưng dường như nỗi sợ vẫn sẽ hiện hữu bởi chỉ sau 3 tháng từ cuộc họp hồi tháng 3, thời gian tăng lãi suất đã giảm 1 năm từ 2024 đến 2023. Liệu tới kỳ họp sau, thời gian này có tiếp tục vị siết lại không?
Đọc thêm: Mỹ Latinh triển khai chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin