Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Malaysia tiêu hủy 985 máy đào BTC vì nạn câu trộm điện

Chính quyền Malaysia vừa phá hủy 985 máy đào Bitcoin trị giá khoảng 450,000 USD. Hành động này thể hiện nỗ lực của quốc gia trong việc đối phó với các hoạt động khai thác crypto bất hợp pháp.
Avatar
Dyan
Published Aug 22 2024
Updated Aug 23 2024
5 min read
malaysia phá hủy máy đào bitcoin

Ngày 21/08/2024, chính quyền Malaysia đã tiêu hủy 985 máy đào Bitcoin công khai trước toàn thể dân chúng. Số máy đào này bị tịch thu trong một cuộc truy quét trên toàn quốc nhằm chống lại nạn câu trộm điện để khai thác crypto.

Theo những gì được ghi nhận, chính quyền nước này đã dùng một chiếc xe lu hạng nặng để “nghiền nát” toàn bộ số máy đào. Toàn bộ sự việc diễn ra tại Sở Cảnh sát quận Perak, nơi dẫn đầu cuộc chiến chống lại các hoạt động khai thác tiền điện tử trái phép.

Khai thác Bitcoin là hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng, nếu không muốn nói là lãng phí và còn gây ra các lo ngại về môi trường. Để giảm bớt chi phí, nhiều người đã chọn cách câu trộm điện, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho các công ty cung cấp điện.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2023, các nhóm khai thác crypto tại Malaysia đã liên tục câu trộm lượng điện lên tới 3.4 tỷ RM (khoảng 776 triệu USD), theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng và Cải cách Nước, Akmal Nasrullah Mohd Nasir.

thứ trưởng bộ chuyển đổi năng lượng malaysia phá hủy máy đào bitcoin
Akmal Nasrullah Mohd Nasir đang phá hủy hàng loạt thiết bị khai thác Bitcoin trái phép. Nguồn: Bernama

Các thiết bị vừa bị tiêu hủy đã bị tịch thu trong suốt một năm qua tại thị trấn Seri Iskandar, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng ba giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, bảy cá nhân cũng đã bị bắt giữ vì liên quan đến các hoạt động khai thác Bitcoin tại các thị trấn gần thủ đô.

Trưởng công an quận Sepang, ông Wang Kamarul Azran Wan Yusof, cho biết ông và các đồng sự đã không ngừng tiến hành các hoạt động điều tra đặc biệt, nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp liên quan đến vấn đề khai thác tiền điện tử.

Đây cũng không phải lần đầu tiên chính quyền quốc gia này sử dụng các biện pháp mạnh đối với vấn đề này.

Vào năm 2021, Malaysia đã từng phá hủy 1,069 máy đào Bitcoin bằng phương pháp tương tự sau khi triệt phá một đường dây câu trộm điện để đào coin. Trong vụ án này đã có sáu người bị bắt giữ, phạt tiền và thậm chí chịu án tù lên đến tám tháng.

malaysia phá hủy 1069 máy đào bitcoin 2021
Chính quyền Malaysia phá hủy 1,069 máy đào Bitcoin vào năm 2021. Nguồn: Vice
advertising

Không chỉ riêng Malaysia, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với hoạt động khai thác tiền điện tử do lo ngại về tiêu thụ năng lượng và tác động đến môi trường.

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc “phong sát” ngành công nghiệp khai thác Bitcoin vào năm 2021 nhằm bảo vệ năng lượng và tránh các tác động xấu dẫn đến biến đổi khí hậu. Chính sách này đã dẫn đến làn sóng chuyển dịch khai thác sang các quốc gia lân cận, nhưng nhiều quốc gia khác cũng đang bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế vấn đề này.

Gần đây, Kosovo đã ban hành lệnh cấm khai thác Bitcoin vào năm 2022 do khủng hoảng năng lượng, và Angola cũng đã thông qua đạo luật vào tháng 04/2024 nhằm bảo vệ lưới điện quốc gia.

Tại Scandinavia, các quốc gia như Iceland và Na Uy đã áp đặt các biện pháp hạn chế do nhu cầu năng lượng tăng cao. Iceland đã ngừng phê duyệt các yêu cầu khai thác mới, trong khi Na Uy đề xuất lệnh cấm và loại bỏ các ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp khai thác crypto.

tỷ lệ năng lượng sạch khai thác bitcoin
Tỷ lệ năng lượng sạch trong ngành công nghiệp khai thác Bitcoin. Nguồn: woocharts.com

Thụy Điển cũng đã chấm dứt ngành công nghiệp khai thác Bitcoin vào tháng 07/2023 bằng cách loại bỏ các ưu đãi thuế, một phần do giá năng lượng tăng cao sau cuộc chiến ở Ukraine.

Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, tính đến tháng 01/2024, mạng lưới Bitcoin tiêu thụ năng lượng lên tới 147.3 terawatt-giờ mỗi năm, gần bằng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của các quốc gia như Ukraine, Malaysia, và Ba Lan.

Vấn đề này đã đặt ra không ít thách thức đối với các chính phủ trên toàn thế giới, buộc họ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Đọc thêm: El Salvador đẩy mạnh đào tạo về Bitcoin cho 80,000 công chức, hướng tới nền kinh tế số

RELEVANT SERIES