Xuất hiện thông tin Mr. Pips bị công an điều tra vì nghi vấn lừa đảo
Gần đây, cộng đồng đầu tư tài chính Việt Nam xôn xao trước thông tin Mr. Pips (Phó Đức Nam) - nhân vật tự giới thiệu là chuyên gia đầu tư với lối sống xa hoa và những lời khuyên đầu tư hấp dẫn - đang bị cơ quan công an điều tra.
Mặc dù chưa xác thực được độ chính xác, tuy nhiên trên mạng xã hội, nhiều người vẫn đang vẫn lan truyền nhiều thông tin tiêu cực xoay quanh nhân vật này. Tất cả đều cho rằng đó là những góc khuất đằng sau hình ảnh hào nhoáng mà Phó Đức Nam đã dày công xây dựng.
Mr. Pips là ai?
Mr.Pips (tên thật là Phó Đức Nam), sinh năm 1994 tại Vũng Tàu. Trên mạng xã hội, Mr. Pips tạo dựng hình ảnh là một nhà đầu tư thành công, am hiểu thị trường tài chính, đồng thời thường xuyên chia sẻ kiến thức, phân tích về thị trường cổ phiếu và chiến lược giao dịch.
Những nội dung trên trang cá nhân của Mr.Pips đều cho thấy ông có một cuộc sống xa hoa, sang chảnh với nhiều siêu xe, hàng hiệu và những chuyến du lịch xa xỉ.
Mr. Pips được biết đến như một nhà giao dịch thành công, kiếm được tiền dễ dàng từ thị trường tài chính. Ông thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video liên quan đến việc khoe tiền và chốt lãi khi giao dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những người ủng hộ, cũng có không ít ý kiến nghi ngờ về năng lực thực sự cũng như mục đích của Mr. Pips.
Mạng xã hội lan truyền thông tin Mr. Pips bị điều tra vì nghi vấn lừa đảo
Những ngày gần đây, Mr. Pips bỗng dưng biến mất khỏi mạng xã hội. Các kênh Telegram vốn sôi nổi hoạt động bỗng im bặt, trang Facebook cá nhân cũng ngừng cập nhật. Cùng lúc đó, tin đồn Mr. Pips bị bắt lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Giữa lúc dư luận hoang mang, trên mạng xã hội lan truyền một tài liệu được cho là công văn của Bộ Công An. Qua đó tiết lộ thông tin Phó Đức Nam cùng 7 cá nhân khác đang bị điều tra vì nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trên ứng dụng MT4, MT5.
Tài liệu này nêu rõ danh tính 8 cá nhân liên quan đến vụ án, trong đó có Phó Đức Nam (Mr. Pips), cùng địa chỉ thường trú và số CCCD. Ngoài ra, công văn còn liệt kê 11 căn hộ tại tòa nhà Masteri Thảo Điền (TP. Thủ Đức) có liên quan đến vụ án, đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh tạm dừng tất cả giao dịch liên quan đến các cá nhân và tài sản này.
Một điểm đáng chú ý là trong số những người bị điều tra, có hai người cùng mang họ Phó là Phó Đức Thắng và Phó Đức Tú. Điều này làm dấy lên nghi vấn về mối quan hệ họ hàng giữa những người này với Phó Đức Nam (Mr. Pips). Nhiều người cho rằng có khả năng đây là một đường dây lừa đảo hoạt động có tổ chức, quy mô lớn chứ không phải những cá nhân riêng lẻ.
Mặc dù công văn này chưa được xác thực hoàn toàn, nhưng tính chất nghiêm trọng của nó đã khiến nhiều người cho rằng khả năng tài liệu này là thật rất cao.
Các bên bị nghi ngờ là có liên quan đến Mr. Pips
Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn khi sàn IQX bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. IQX là một sàn giao dịch ngoại hối (forex), từ lâu đã bị nghi ngờ rằng do Mr.Pips đứng sau điều hành.
Ngoài ra, mặc dù chưa được xác thực, nhưng có thông tin cho rằng Mr. Pips là người đứng sau sàn giao dịch chứng khoán GKFX.
Theo nguồn tin từ Báo Đà Nẵng, sàn GKFX đã nhiều lần bị tố cáo là sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để lừa đảo nhà đầu tư, bao gồm:
- Chào mời nhà đầu tư: Sàn này sử dụng đội ngũ nhân viên môi giới, liên tục gọi điện thoại, nhắn tin qua Zalo, Facebook để mời chào, lôi kéo nhà đầu tư. Họ thường sử dụng những lời lẽ có cánh, hứa hẹn lợi nhuận cao để thu hút người chơi.
- Thao túng giá: GKFX bị nghi ngờ can thiệp vào hệ thống, tự ý điều chỉnh giá cả trên sàn giao dịch để tạo ra những biến động giả mạo, khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm, dẫn đến thua lỗ.
- Mồi chài: Ban đầu, sàn có thể cho nhà đầu tư ăn một vài lệnh nhỏ để tạo lòng tin, khiến họ cảm thấy kiếm tiền thật dễ dàng. Sau đó, nhân viên môi giới sẽ dụ dỗ nhà đầu tư nạp thêm tiền và đánh lớn vào những lệnh có rủi ro cao.
- Thu phí ẩn: GKFX bị tố cáo thu phí giao dịch cao và không minh bạch. Nhà đầu tư có thể bị mất một khoản tiền không nhỏ vào các loại phí ẩn mà không hề hay biết.
Mặc dù Bộ Công an đã cảnh báo về sàn GKFX, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy Mr. Pips là người đứng sau sàn này.
Kênh Tiktok của Mr. Pips cũng bị cộng đồng mạng chỉ trích vì nội dung chủ yếu khoe khoang cuộc sống xa hoa, đốt tiền như mua sắm siêu xe, check-in tại những địa điểm sang trọng, phụ nữ vây quanh...
Nhiều người cho rằng nội dung này có phần phô trương, thiếu tính thiết thực, đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng của những người nhẹ dạ cả tin.
Cộng đồng mạng nói gì về tin tức Mr. Pips bị điều tra?
Tin tức Mr. Pips bị điều tra đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Đa phần mọi người đều bày tỏ sự đồng tình, cho rằng đây là kết quả thích đáng cho những hành vi “lùa gà”, khoe khoang quá đà của vị chuyên gia này.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chỉ trích, cũng có một số ít người bày tỏ sự tiếc nuối cho Mr. Pips. Họ cho rằng Mr. Pips có kiến thức và khả năng, nhưng đã chọn sai con đường.
Vụ việc Mr. Pips vẫn đang gây xôn xao dư luận với nhiều nghi vấn về lừa đảo, lùa gà trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Đây là một lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới, cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trước những lời mời chào đổi đời nhanh chóng.
Những thông tin trên được tổng hợp từ các nguồn chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Kết luận cuối cùng về vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. MarginATM sẽ nỗ lực tìm kiếm và xác minh thông tin để đưa những tin tức mới và chính xác nhất tới cộng đồng.
Đọc thêm: Hashkey Capital và Decrypt ra mắt liên minh truyền thông Layer East Media