Mỹ cấm vận mạng lưới rửa tiền bằng USDT của Nga
Ngày 4/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng Bộ phận Quản lý Tài sản Nước Ngoài (OFAC) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân và tổ chức liên quan đến mạng lưới rửa tiền TGR Group chuyên sử dụng USDT (Tether) của Nga.
Các quốc gia như Anh và UAE đã phối hợp với OFAC để điều tra, triệt phá và áp đặt lệnh cấm vận đối với năm cá nhân cùng bốn tổ chức liên quan đến mạng lưới này.
TGR Group, được cho là do George Rossi, một công dân Úc, điều hành, cung cấp dịch vụ chuyển đổi tiền mặt thành tiền điện tử và ngược lại. Nhóm này cũng cung cấp dịch vụ thẻ ghi nợ, hỗ trợ người dân Nga mua bất động sản tại Anh.
Rossi bị cáo buộc sử dụng Garantex OU, một sàn giao dịch tiền điện tử của Nga, để xử lý các giao dịch USDT. Garantex đã bị OFAC đưa vào danh sách trừng phạt do liên quan đến việc xử lý các giao dịch từ chợ đen Hydra – một trong những nền tảng cung cấp hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp lớn nhất thế giới, bao gồm ma túy, tiền giả và thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp.
Chợ đen Hydra đã bị đóng cửa vào tháng 4/2022 nhờ sự phối hợp điều tra giữa các chính phủ Mỹ, Đức và Nga.
TGR Group được cho là đã thực hiện nhiều hoạt động rửa tiền qua các tổ chức trên toàn cầu, bao gồm Wyoming, Pullman Global Solutions LLC, và TGR Corporate Concierge LTD. Elena Chirkinyan, trợ lý của George Rossi, đứng đầu TGR Corporate Concierge LTD. Bà cũng từng tham gia vào việc chuyển tiền từ RT (Russia Today) để hỗ trợ một tổ chức truyền thông Nga bị Anh trừng phạt.
OFAC đã bắt đầu điều tra TGR Group từ tháng 11/2023, khi nhận định tổ chức này hỗ trợ giới tài phiệt Nga sử dụng tiền điện tử để né tránh các lệnh trừng phạt kinh tế sau xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Trước đó, vào ngày 25/8, chính quyền Argentina đã bắt giữ một công dân Nga liên quan đến vụ án rửa tiền liên kết với Triều Tiên. Cá nhân này bị cáo buộc xử lý các khoản tiền điện tử bất hợp pháp, bao gồm cả từ nhóm hacker Lazarus Group.
Ở chiều ngược lại, Nga vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiền điện tử. Từ khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, Nga đã tích cực thúc đẩy việc hợp pháp hóa crypto như một công cụ thanh toán mới. Tháng 8/2024, chính phủ nước này tuyên bố sẽ mở thêm hai sàn giao dịch tiền điện tử và từ ngày 18/11, Bộ Tài chính Nga áp dụng mức thuế 15% đối với thu nhập từ crypto.
Cũng trong tháng 11, Tổng thống Vladimir Putin ký đạo luật công nhận tiền điện tử là tài sản hợp pháp và miễn thuế VAT cho các hoạt động khai thác. Ông liên tục nhấn mạnh rằng công nghệ blockchain và tiền điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự độc lập tài chính của Nga và hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ông bày tỏ rằng việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp Nga củng cố vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.