Ngân hàng Thế giới cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu
Theo nghiên cứu công bố ngày 15/9 của Ngân hàng Thế Giới (WB), sự kết hợp giữa chính sách tăng lãi suất và cắt giảm chi tiêu của các chính phủ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lạm phát đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Anh cho đến Úc. WB cảnh báo các biện pháp của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế giá cả leo thang đang tiềm ẩn mối nguy hại cho chính người tiêu dùng. “Thế giới đang tiến tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023”, cơ quan viết trong nghiên cứu về rủi ro suy thoái toàn cầu (tại đây).
Trước hết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chững lại đáng kể trong năm nay. Đồng thời, thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa lớn nhất sau 5 thập kỷ. Hàng loạt chính phủ và ngân hàng trung ương đều đang gồng mình chiến đấu với lạm phát.
Về mặt tiền tệ, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất và rút thanh khoản khỏi thị trường để giảm giá tiêu dùng. Chẳng hạn, trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất 4 lần để đối phó với tỷ lệ lạm phát chạm mốc kỷ lục sau hơn 40 năm.
Theo WB, nếu tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động không sớm hạ nhiệt, các quan chức dự kiến tiếp tục tăng lãi suất đến năm 2023. Lãi suất trung bình toàn cầu có thể đạt gần 6% để kiểm soát lạm phát lõi.
Các nhà nghiên cứu lập luận những chính sách này là "việc cần thiết để kiềm chế áp lực lạm phát" trong dài hạn. Họ lưu ý các cuộc suy thoái trước đây đã cho thấy nguy cơ của lạm phát tăng cao trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Trong cuộc suy thoái 1981-1982, hơn 40 quốc gia đã gặp khủng hoảng nợ, kéo theo kinh tế trì trệ suốt hơn một thập kỷ.
Mặt khác, WB cho rằng xu hướng giảm chi tiêu của nhiều chính phủ sau đại dịch, kết hợp với lãi suất tăng, có thể gây căng thẳng tài chính đáng kể. Tồi tệ hơn, họ có khả năng “kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu”.
Ayhan Kose, Phó Chủ tịch về Tăng trưởng Công bằng, Tài chính và Thể chế (EFI) của WB, nhấn mạnh chính sách tài khóa và tiền tệ thực sự giúp cải thiện lạm phát. Tuy nhiên, khi hàng loạt quốc gia cùng làm như vậy, phản ứng cộng hưởng sẽ làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu.
Ngoài ra, không phải là quốc gia nào cũng bị tác động như nhau. David Malpass, Chủ tịch WB, lo ngại các nước đang phát triển sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
“Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và sẽ còn chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Tôi lo lắng những hậu quả dài hạn sẽ đánh vào người dân ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”, ông nói.
Lối thoát từ nguồn cung
WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều lần trong năm nay. Mới đây, cơ quan dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ đạt 2.9% vào năm 2023, giảm mạnh so với mức 4,1% mà họ đưa ra hồi tháng 1.
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trung bình toàn cầu lên 6%, tăng trưởng GDP năm 2023 có thể chỉ còn 0.5%. Để tránh tình huống đó, Malpass nhận định các chính phủ cần tăng nguồn cung bằng cách đẩy mạnh sản xuất.
“Để đạt được tỷ lệ lạm phát thấp với tài chính ổn định và tăng trưởng nhanh hơn, các nhà lập pháp có thể chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang tăng sản xuất. Họ nên tìm cách bổ sung đầu tư, cải thiện năng suất và phân bổ vốn, những yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng và giảm nghèo”, Malpass nói.
Theo các nhà nghiên cứu, giới chức ngân hàng trung ương có thể hạ nhiệt lạm phát mà không gây suy thoái toàn cầu. Điều quan trọng là chính phủ phải tiếp tục đầu tư để tăng nguồn cung và viện trợ cho những người khó khăn.
Trước đó vào tháng 6, Malpass từng đưa ra những bình luận bi quan về nền kinh tế. Ông cho rằng “lạm phát trì trệ” sẽ gây áp lực nặng nề trên toàn cầu. Lạm phát trì trệ xảy ra khi tăng trưởng kinh tế thấp kết hợp với lạm phát cao. Tình trạng này dự kiến tiếp tục trầm trọng trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài và Trung Quốc liên tục đóng cửa nhiều thành phố để chống dịch COIVD-19.
Bitcoin và cuộc khủng hoảng đầu tiên
Dự đoán về suy thoái đang đặt Bitcoin (BTC) vào nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, BTC đã không phát huy hiệu quả như một loại tài sản an toàn trong thời kỳ lạm phát. Tỷ lệ sụt giảm 75% từ mức ATH (cao nhất mọi thời đại) 69,000 USD hồi tháng 11/2021 cho thấy BTC không hoàn toàn “miễn nhiễm” với các tác nhân kinh tế toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu dự đoán BTC có khả năng tiếp tục giảm cùng với nhiều loại chứng khoán khác, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, không nhiều bằng chứng cho thấy BTC sẽ hoàn toàn sụp đổ như LUNA (Terra) hay những dự án khác.
Trong suốt lịch sử hoạt động, BTC từng 6 lần trải qua thị trường gấu (bear market). Giá đồng coin được dự đoán sẽ giảm hơn nữa khi lãi suất tăng cao hơn, song sẽ phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.
Theo nhóm nghiên cứu của Goldman Sachs, Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 0.75% trong tháng 9 và 0.5% trong tháng 11. Hiện tại, BTC đang được giao dịch quanh mốc 18,000 USD. Một số nhà giao dịch dự đoán BTC sẽ giảm xuống còn 10,000-12,000 USD vào cuối năm 2022.
Đọc thêm: Nếu Fed tăng lãi suất 0.75%, thị trường crypto sẽ ra sao?