Nhóm thao túng LIBRA và MELANIA trục lợi hàng trăm triệu USD

Theo bài đăng của Bubblemaps ngày 17/2, nhiều bằng chứng onchain cho thấy LIBRA và MELANIA không phải là những dự án độc lập, mà thực chất do cùng một nhóm thao túng nhằm trục lợi từ nhà đầu tư.
Sau khi phân tích các giao dịch cross-chain và mô hình giao dịch, Bubblemaps và Coffeezilla có đủ cơ sở để khẳng định rằng nhóm này đã sử dụng mô hình lừa đảo có tổ chức để thu về hàng trăm triệu USD.
Cuộc điều tra bắt đầu khi Bubblemaps theo dõi các giao dịch sniper (mua token ngay khi nó vừa được niêm yết bằng bot) trên MELANIA và phát hiện địa chỉ nổi bật: P5tb4, thu về 2.4 triệu USD.
Điều bất thường là toàn bộ số tiền này được chuyển đến 0xcEA, ví có liên hệ trực tiếp với người tạo ra MELANIA. Những giao dịch này không chỉ diễn ra trên một blockchain mà còn thông qua USDC Cross-Chain Transfer Protocol (CCTP), giúp nhóm này dễ dàng di chuyển tài sản giữa nhiều mạng lưới mà không gây chú ý.
Từ đó, Bubblemaps xác định 0xcEA không chỉ là cá nhân riêng lẻ, mà là trung tâm điều phối các vụ thao túng giá token. Ví này đã cấp vốn cho DefcyK, địa chỉ ví trực tiếp tạo ra LIBRA, và cũng chính là kẻ đã thu về 87 triệu USD từ việc bán tháo token ngay sau khi nó được quảng bá rộng rãi.

Không chỉ vậy, 0xcEA còn tự sniper LIBRA bằng nhiều địa chỉ phụ, tất cả đều được cấp vốn thông qua CCTP, giúp nhóm này thu về 6 triệu USD lợi nhuận chỉ trong thời gian ngắn. Mô hình này giống với cách nhóm đã thao túng MELANIA trước đó.

Quan trọng hơn, cuộc điều tra còn phát hiện 0xcEA không chỉ dừng lại ở LIBRA và MELANIA, mà còn có liên quan đến hàng loạt token khác với dấu hiệu pump & dump rõ ràng. Nhóm này liên tục tạo ra các token mới, làm giá bằng nội gián, sau đó bán tháo và rút tiền trước khi thị trường kịp phản ứng.
Kết quả là, người tạo ra MELANIA và LIBRA không chỉ đơn thuần phát hành token để kiếm lợi nhuận, mà còn sử dụng thông tin nội bộ để sniper chính các dự án của họ, thu về hơn 100 triệu USD chỉ từ LIBRA. Điều này không chỉ là một vụ thao túng giá đơn thuần, mà là một kế hoạch lừa đảo có tổ chức, với quy mô lớn hơn nhiều so với những gì thị trường từng chứng kiến.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Ai thực sự đứng sau những đợt phát hành token này? Liệu có phải KIP Protocol, Kelsier Ventures, hay thậm chí một nhân vật lớn hơn như Hayden Davis?