Chỉ số PCE tháng 9 Mỹ phản ánh nền kinh tế vững chắc
Core PCE tháng 9 như dự báo, phản ánh nền kinh tế vững chắc
Chính phủ Mỹ vừa chính thức công bố chỉ số Core PCE cho tháng 9, ghi nhận mức tăng 0.3%, cao hơn mức tăng 0.2% của tháng trước. Mức tăng này cho thấy lạm phát lõi vẫn còn dai dẳng, phản ánh áp lực giá cả từ các yếu tố cơ bản như dịch vụ và hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, với mức lạm phát hàng tháng trung bình đạt khoảng 0.17%, chỉ số Core PCE này vẫn gần với mục tiêu kiểm soát lạm phát 2% hàng năm mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đề ra. Điều này phần nào cho thấy lạm phát đang dần ổn định, đặc biệt sau nhiều tháng biến động cao do các yếu tố như giá năng lượng.
Ngoài ra, chỉ số PCE tổng thể, bao gồm cả chi phí thực phẩm và năng lượng, đã tăng 2.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2021 và thấp hơn với mức 2.3% của tháng 8.
Điều này có được phần lớn nhờ giá năng lượng giảm 2% trong tháng 9 và giảm đến 8.1% so với cùng kỳ năm trước, đã góp phần kéo giảm áp lực lên PCE tổng thể.
Giá của các dịch vụ, như dịch vụ y tế, giáo dục, và giải trí, vẫn tiếp tục tăng nhanh, với mức tăng 3.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng đáng kể, thậm chí cao hơn so với mức tăng 2.1% của giá hàng hóa (như thực phẩm, quần áo, và các sản phẩm tiêu dùng khác).
Điều này cho thấy rằng dù giá năng lượng đã giảm và giúp kéo chỉ số lạm phát chung xuống, giá cả trong lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên lạm phát. Nói cách khác, giá dịch vụ tăng vẫn là nguyên nhân lớn khiến lạm phát tổng thể khó giảm mạnh, mặc dù một số chi phí khác (như năng lượng) đã giảm.
Dữ liệu về thu nhập và chi tiêu cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng với thu nhập cá nhân tăng 0.3% và chi tiêu tăng 0.5% trong tháng 9, vượt qua dự báo ban đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống còn 4.6%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023, cho thấy người dân Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn.
Thực tế này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ có động thái giảm lãi suất thêm 0.25% tại cuộc họp vào tháng 11. Sau khi đã giảm lãi suất vào tháng 9 và giữ nguyên trong tháng 7, FED tiếp tục cân nhắc giảm thêm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát đang có dấu hiệu giảm nhưng vẫn cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Với những thay đổi này, thị trường đang theo dõi sát sao các động thái của FED để xác định liệu biện pháp giảm lãi suất có thể giúp kinh tế Mỹ duy trì ổn định hay không, đặc biệt khi cả chỉ số CPI và PCE đều cho thấy các dấu hiệu của sự hạ nhiệt trong lạm phát nhưng chưa đạt đến sự ổn định hoàn toàn.
Phản ứng của thị trường crypto và chứng khoán
Mặc dù dữ liệu kinh tế vĩ mô có tín hiệu khả quan, cả thị trường crypto và chứng khoán đều có phản ứng không mấy tích cực.
Vào ngày 1/11, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất 953 tỷ USD vốn hóa, xóa sạch thành quả tăng trưởng của những ngày trước đó.
Các mã cổ phiếu của NVIDIA (NVDA), Microsoft (MSFT), Meta (META), Tesla (TSLA), và Amazon (AMZN) nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất, với mức giảm trung bình từ 3-6% mỗi mã trong 24 giờ qua.
Ở thị trường crypto, biểu đồ TOTAL1 (toàn bộ vốn hóa thị trường crypto) cũng giảm hơn 100 tỷ USD xuống còn 2,287 tỷ USD tại thời điểm viết bài.
Theo đó, BTC cũng giảm 3,9% về mức 70,000 USD và ETH quay về mức 2,500 USD cho thấy sự điều chỉnh nhẹ sau khi BTC gần chạm mức ATH mới vào 2 ngày trước. Dù vậy, BTCDOM vẫn cho thấy sự thống trị của BTC khi đạt mức 60,9% ở thời điểm hiện tại.
Đây thường là sự kiện rũ hàng của các nhà đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro trước khi những sự kiện lớn diễn ra, chẳng hạn như cuộc bầu cử tổng thống chính thức vào ngày 05/11 và cuộc họp FOMC dự kiến vào giữa tháng.
Những động thái này thường cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường sắp đối mặt với những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến giá cả và xu hướng chung.
Đọc thêm: CZ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau khi ra tù