Stablecoin ngày càng được nhiều quỹ đầu tư chú ý
Theo dữ liệu từ The Block, stablecoin đã trở thành tâm điểm mới trong hệ sinh thái crypto nhờ vào tiềm năng mở rộng tiện ích, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trên thị trường crypto, dự án hạ tầng usdx.money đã huy động thành công 45 triệu USD với định giá 275 triệu USD từ NGC Ventures. Bên cạnh đó, Binance Labs đã đầu tư vào Quine Co., nhà phát triển giao thức stablecoin Perena trên Solana.
Ngoài ra, Quantoz Payments, nhà phát hành stablecoin tuân thủ MiCA* tại châu Âu, đã nhận được sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư lớn như Tether, Kraken, và Fabric Ventures. Việc này càng củng cố niềm tin vào tiềm năng phát triển của stablecoin trong khu vực châu Âu, nơi các quy định pháp lý đang dần được hoàn thiện.
*Luật MiCA (Markets in Crypto-Assets) là khung pháp lý của Liên minh Châu Âu nhằm quản lý các tài sản kỹ thuật số và crypto.
Sự kiện Stripe mua lại Bridge với giá 1.1 tỷ USD là cú hích lớn nhất, trở thành thương vụ M&A lớn nhất lịch sử crypto và mang tính xác thực cho tiềm năng của stablecoin.
Juan Lopez từ VanEck Ventures cũng nhấn mạnh sự lan tỏa của thương vụ này, đặc biệt là với các startup như Yellow Card và Felix Pago, những dự án tập trung vào thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền bằng stablecoin.
Lopez dự đoán rằng trong 3-5 năm tới, khoảng 30% lượng kiều hối từ Mỹ sang Mexico, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm, sẽ chạy trên hệ thống stablecoin.
Các ứng dụng ngoài crypto cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Will Nuelle từ Galaxy Ventures cho biết các lĩnh vực như tài trợ thương mại và xử lý thanh toán hiện chiếm khoảng 200-250 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng 100% mỗi năm.
Nuelle dự đoán con số này sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2026, chiếm hơn 1% thị phần thanh toán xuyên biên giới toàn cầu. Kinjal Shah từ Blockchain Capital và Dana Malman Warren từ Canaan Partners đều coi stablecoin là cơ hội nghìn tỷ USD, với khả năng giải quyết vấn đề tốc độ và chi phí cao của hệ thống thanh toán truyền thống.
Về mặt pháp lý, tiến trình hiện tại đang tạo thêm niềm tin cho thị trường. Jake Brukhman từ CoinFund nhấn mạnh rằng quy định MiCA của Liên minh Châu Âu và các đề xuất pháp lý tại Mỹ là bước phát triển quan trọng.
Ông dự đoán rằng chính quyền của Donald Trump, vốn có thái độ tích cực với crypto, có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình này và tạo sự rõ ràng về pháp lý cho stablecoin tại Mỹ.
Dù tiềm năng rất lớn, stablecoin vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Rủi ro pháp lý là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất. Elitzer từ Nascent cho rằng các sự kiện như USDC mất peg trong vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank cho thấy nguy cơ tiềm ẩn khi chưa có khung pháp lý rõ ràng.
Cuối cùng, việc phát hành stablecoin ngày càng đòi hỏi cao hơn về tuân thủ pháp lý và tối ưu hạ tầng hoạt động. Anil Hansjee từ Fabric Ventures nhận định rằng các dự án stablecoin cần phải tích hợp blockchain Layer 1 hoặc Layer 2, nhằm tạo ra hệ thống thanh toán tự chủ, nhanh chóng và chi phí thấp, bypass các mạng lưới truyền thống như Visa hay Mastercard.
Điều này sẽ giúp thương nhân nhận thanh toán nhanh hơn với chi phí thấp, đồng thời mở ra một hệ thống tài chính hoàn toàn mới trên nền tảng blockchain.