Sự thật cách chính phủ nhúng tay vào nền kinh tế

Kinh tế học hiện đại không có đáp án chung cho câu hỏi: Nhà nước nên can thiệp vào nền kinh tế tới mức nào?
Có người cho rằng Chính phủ cần mạnh tay để vực dậy khi nền kinh tế khủng hoảng. Có người lại tin rằng giảm bớt thuế và rào cản là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Cũng có những tiếng nói cảnh báo, rằng chính bản thân bộ máy nhà nước cũng vận hành theo những toan tính lợi ích cá nhân như bất kỳ tổ chức nào khác.
Hãy cùng tìm hiểu trường phái Kinh tế học Keynes, kinh tế học trọng cung và Lý thuyết lựa chọn công lý giải gì về vai trò của Nhà nước và vì sao những tranh luận này vẫn còn nguyên tính thời sự.
Kinh tế học Keynes – Khi thị trường cần được “đẩy nhẹ”
Cuộc Đại Suy Thoái 1929–1933 đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin rằng thị trường luôn tự điều chỉnh. Hàng triệu người thất nghiệp, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nền kinh tế Mỹ và nhiều nước rơi vào tê liệt. Trong bối cảnh đó, năm 1936, nhà kinh tế người Anh John Maynard Keynes đã đưa ra một tư tưởng táo bạo, làm thay đổi tư duy kinh tế hiện đại: Đôi khi, "Bàn tay vô hình" của thị trường cần được... đẩy nhẹ.
Cốt lõi lý thuyết của Keynes xoay quanh khái niệm tổng cầu tổng chi tiêu của toàn xã hội. Khi niềm tin giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp ngại đầu tư. Điều này tưởng chừng hợp lý với từng cá nhân, nhưng khi diễn ra đồng loạt, nó kéo cả nền kinh tế đi xuống gọi là "nghịch lý của tiết kiệm".
Lúc này, chính phủ cần can thiệp để bù đắp phần thiếu hụt tổng cầu. Các biện pháp phổ biến gồm tăng chi tiêu công (như xây dựng hạ tầng, tạo việc làm) và giảm thuế để kích thích tiêu dùng, đầu tư. Khi chính phủ chi tiền, dòng tiền luân chuyển tạo hiệu ứng nhân đôi, giúp vực dậy nền kinh tế.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Phản biện lớn nhất là nguy cơ phụ thuộc vào nợ công. Nếu chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát, thâm hụt ngân sách và lạm phát có thể trở thành hệ lụy khó lường. Vì vậy, Keynes không phải lời kêu gọi can thiệp vô tội vạ, mà là lời nhắc nhở rằng trong những thời điểm đặc biệt, sự can thiệp hợp lý của nhà nước là cần thiết để tránh khủng hoảng kéo dài.
Kinh tế học trọng cung - Khi sản xuất là chìa khóa tăng trưởng
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ những năm 1970 rơi vào tình trạng trì trệ kèm lạm phát (stagflation) tăng trưởng thấp nhưng giá cả vẫn leo thang các chính sách theo trường phái Keynes bộc lộ nhiều giới hạn. Chính phủ đã chi tiêu, đã can thiệp, nhưng nền kinh tế vẫn ì ạch. Giữa lúc đó, một luồng tư tưởng mới trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan: Kinh tế học trọng cung lý thuyết kinh tế tập trung vào khía cạnh sản xuất.
Khác với Keynes nhấn mạnh tổng cầu, trường phái này chỉ ra rằng vấn đề nằm ở bên cung: thuế cao, thủ tục rườm rà và chính sách nặng tính kiểm soát đang làm nghẹt thở doanh nghiệp, khiến người lao động mất động lực, cản trở đầu tư và sản xuất.
Giải pháp, theo họ, là cắt giảm thuế, đặc biệt với doanh nghiệp và người có thu nhập cao những nhóm có khả năng đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm. Điển hình là đường cong Laffer, cho thấy nếu giảm thuế hợp lý, tổng thu ngân sách có thể… tăng lên nhờ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ lý thuyết tới thực tiễn, nhà nước được khuyến nghị giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân phát huy tối đa vai trò sản xuất và sáng tạo.
Dù vậy, kinh tế học trọng cung cũng gây tranh cãi. Các chính sách giảm thuế mạnh từng góp phần làm thâm hụt ngân sách Mỹ gia tăng, trong khi hiệu ứng "thẩm thấu" (trickle-down effect) kỳ vọng người giàu sẽ tái đầu tư và lợi ích lan tỏa tới toàn xã hội bị nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính thực tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trường phái này đã thay đổi sâu sắc cách nhìn nhận về mối liên hệ giữa thuế, sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Lý thuyết Lựa chọn Công – Bản chất chính trị dưới góc nhìn kinh tế
Từ lâu, hình ảnh bộ máy nhà nước thường được tô vẽ như một cỗ máy phục vụ lợi ích cộng đồng, nơi các chính trị gia và quan chức hết lòng vì người dân. Tuy nhiên, từ những năm 1960, hai nhà kinh tế James Buchanan và Gordon Tullock đã đặt ra một câu hỏi gai góc: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phân tích chính trị như kinh tế?
Đó chính là khởi nguồn của Lý thuyết Lựa chọn Công (Public Choice Theory) một trường phái phê phán cái nhìn quá lãng mạn về chính phủ. Theo đó, chính trị gia hay quan chức cũng là con người, mà đã là con người thì không thể tách rời những toan tính cá nhân. Họ mưu cầu quyền lực, tìm kiếm phiếu bầu, gia tăng ngân sách cho bộ ngành của mình những hành động đôi khi không hề trùng khớp với lợi ích cộng đồng.
Một trong những đóng góp quan trọng của lý thuyết này là khái niệm lợi ích tập trung - chi phí phân tán. Ví dụ, một chính sách như trợ cấp cho ngành đường có thể khiến hàng triệu người tiêu dùng thiệt hại vài chục đô la mỗi năm số tiền nhỏ đến mức không ai lên tiếng phản đối. Nhưng với doanh nghiệp đường, khoản lợi nhuận hàng triệu đô la là động lực mạnh mẽ để họ vận động hành lang, bảo vệ chính sách phi lý đó.
Dưới lăng kính của Lựa chọn Công, nhà nước là thực thể cần bị giám sát chặt chẽ. Giải pháp bao gồm: hệ thống pháp luật minh bạch, giới hạn quyền lực chính phủ, cơ chế tự động hết hiệu lực cho các quy định (sunset clause), và tạo ra cạnh tranh giữa các địa phương nhằm hạn chế lạm quyền.
Tuy vậy, trường phái này cũng vấp phải tranh cãi. Việc nhìn đâu cũng thấy lợi ích cá nhân dễ dẫn tới tư tưởng phản đối chính phủ cực đoan. Hơn nữa, không thể phủ nhận vai trò thiết yếu của nhà nước trong những lĩnh vực mà thị trường rõ ràng thất bại, như y tế, giáo dục cơ bản hay an sinh xã hội.
Không có công thức tuyệt đối, chỉ có tư duy linh hoạt
Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế chưa bao giờ là câu chuyện có đáp án cố định. Ba trường phái lớn Keynes, kinh tế học trọng cung và lý thuyết lựa chọn công mỗi trường phái một màu sắc, một lát cắt riêng, cùng góp phần giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề này đa chiều hơn.
Keynes nhắc nhở rằng, trong những thời điểm khủng hoảng, để mặc thị trường tự điều chỉnh có thể khiến nền kinh tế chìm sâu hơn, và khi đó, vai trò của chính phủ là cần thiết để vực dậy tổng cầu.
Kinh tế học trọng cung lại cảnh báo rằng, nếu nhà nước sa đà vào việc áp thuế cao và kiểm soát quá mức, động lực sản xuất sẽ bị bóp nghẹt, kìm hãm tăng trưởng.
Lý thuyết lựa chọn công kéo chúng ta trở về với hiện thực rằng, chính phủ không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích chung, mà cũng đầy toan tính và chịu ảnh hưởng từ lợi ích nhóm.
Hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng trường phái chính là cách tốt nhất để giữ cho tư duy của mình tỉnh táo, tránh rơi vào những cái bẫy nhận thức đơn chiều dù là lý tưởng hóa hay phủ nhận cực đoan vai trò của nhà nước. Vì trên thực tế, không có công thức nào hoàn hảo cho mọi hoàn cảnh. Chỉ có sự linh hoạt và phản biện là hành trang đáng tin cậy nhất.
Đọc thêm: Bài học từ pha bán khống để đời của Jesse Livermore