Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Tại sao bạn bị STOP LOSS khi trade theo PHÂN TÍCH CƠ BẢN?

Bạn phân tích đúng, nắm vững thông tin, nhưng vẫn thua lỗ? Có thể vấn đề không nằm ở kiến thức, mà ở cách thị trường... phớt lờ nó. Thị trường không lý trí như bạn nghĩ và đó mới là vấn đề.
Quang Võ
Published 7 days ago
9 min read
thumbnail

Nhiều trader tin rằng nếu họ đọc đủ báo cáo tài chính, nắm vững các chỉ số kinh tế và theo dõi sát sao tin tức vĩ mô, họ sẽ có lợi thế trên thị trường. Phân tích cơ bản được xem như kim chỉ nam, là nền tảng của mọi quyết định giao dịch. Tuy nhiên, thực tế lại thường phũ phàng hơn. Không ít người dù hiểu rất rõ về doanh nghiệp, ngành nghề hay nền kinh tế vẫn thua lỗ đều đặn.

Tại sao lại như vậy? Vấn đề có vẻ như không nằm ở lượng thông tin bạn có, mà nằm ở cách bạn sử dụng chúng.

Thị trường không phản ứng một cách lý trí như bạn tưởng, nó được điều khiển bởi xác suất, tâm lý đám đông và những yếu tố bất ngờ mà dữ liệu không thể giải thích.

image

Khi thị trường phản ứng trước chuyên gia: Bài học từ thảm họa Challenger

Vụ nổ Challenger và phản ứng của thị trường

Ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger phát nổ chỉ 73 giây sau khi rời bệ phóng, khiến toàn bộ 7 phi hành gia thiệt mạng. Đó là một thảm họa quốc gia. Trong những giờ đầu tiên, không ai biết nguyên nhân vụ nổ. Các chuyên gia kỹ thuật, NASA và truyền thông đều chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có phản ứng rất rõ ràng.

Cổ phiếu của 4 nhà thầu chính liên quan đến chương trình tàu con thoi bị bán tháo: Lockheed, Rockwell International, Martin Marietta và Morton Thiokol. Nhưng điều đáng chú ý là Morton Thiokol - công ty chịu trách nhiệm sản xuất bộ phận tên lửa đẩy (SRB) - bị bán mạnh nhất, với mức giảm giá cổ phiếu lớn hơn nhiều so với 3 công ty còn lại. Trong khi đó, truyền thông và công chúng vẫn chưa hay biết gì cụ thể.

image

Phân tích đám đông đúng hơn chuyên gia

Điều gì khiến nhà đầu tư tập trung bán ra Morton Thiokol thay vì những công ty khác? Chẳng ai có đầy đủ dữ kiện kỹ thuật, chẳng có báo cáo nào được công bố ngay lúc đó. Nhưng các tín hiệu nhỏ như lịch sử sự cố kỹ thuật, vai trò của từng nhà thầu trong kết cấu tàu con thoi, hay đơn giản là tin đồn trong giới kỹ thuật, đều có thể góp phần tạo nên làn sóng hành vi tập thể trên thị trường.

Sáu tháng sau, Ủy ban điều tra chính thức xác nhận: nguyên nhân vụ nổ là do lỗi trong vòng đệm cao su (O-ring) của tên lửa đẩy do Morton Thiokol sản xuất. Nghĩa là, thị trường đã “biết” thủ phạm chỉ trong vài giờ, nhanh hơn mọi cuộc điều tra và mọi báo cáo chuyên môn.

Câu chuyện Challenger là ví dụ sống động cho thấy trí tuệ đám đông – thông qua hành vi giá – đôi khi còn chính xác hơn cả những chuyên gia hàng đầu. Đó không phải là may mắn. Đó là cách thị trường phản ứng với xác suất, niềm tin và cảm nhận tổng thể chứ không chỉ với dữ liệu khô khan.

advertising

Tại sao phân tích cơ bản đúng vẫn khiến bạn thua lỗ?

Phân tích cơ bản không dự đoán giá, mà dự đoán giá trị

Phân tích cơ bản giúp bạn ước tính giá trị nội tại của một tài sản, như lợi nhuận tương lai, dòng tiền chiết khấu, tiềm năng tăng trưởng... Nhưng thị trường không luôn vận hành theo logic đó. Giá cổ phiếu được quyết định bởi cung và cầu, tức là hành vi của đám đông, và đám đông không phải lúc nào cũng hợp lý.

Bạn có thể nhìn thấy một cổ phiếu “rẻ”, với P/E thấp và lợi nhuận đều, nhưng nếu số đông nhà đầu tư vẫn nghi ngờ, giá sẽ không nhúc nhích, hoặc tệ hơn, còn giảm thêm. Trong khi đó, một cổ phiếu bị định giá “quá cao” vẫn có thể tăng tiếp, vì kỳ vọng và tâm lý vẫn còn hưng phấn.

Kết luận đơn giản mà đau đớn: bạn có thể đúng về mặt phân tích, nhưng vẫn thua lỗ vì thị trường chưa sẵn sàng đồng ý với bạn.

image

Trading là trò chơi xác suất, không phải niềm tin

Trading không phải là trò chơi “tìm sự thật”, mà là “đặt cược xem đám đông sẽ phản ứng ra sao”. Bạn không kiếm tiền bằng cách biết điều gì đúng, mà bằng cách đoán đúng điều người khác nghĩ là đúng.

Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng hãy nghĩ như một nhà cái: bạn không cần tin con ngựa nào mạnh nhất, bạn chỉ cần hiểu dòng tiền đang đổ vào đâu, tỷ lệ cược thế nào và liệu có cơ hội nào sai lệch giữa xác suất và tâm lý.

Với trader chuyên nghiệp, mỗi lệnh giao dịch giống như một vé cược. Họ không vào lệnh vì “chắc thắng”, mà vì tỷ lệ rủi ro trên lợi nhuận đang nghiêng về phía họ. Niềm tin tuyệt đối không có chỗ ở đây, chỉ có những xác suất đủ hấp dẫn để đặt cược.

Bạn có thể đọc thêm: Bài học từ pha bán khống để đời của Jesse Livermore

Hiểu sai về phân tích cơ bản: Sai lầm khiến bạn thua lỗ khi trading

Khi mới vào thị trường, nhiều trader tin rằng: chỉ cần phân tích đúng giá trị nội tại, cổ phiếu sẽ sớm hay muộn cũng “phản ánh đúng” điều đó. Niềm tin ấy nghe có vẻ logic, nhưng lại là nguyên nhân âm thầm dẫn đến thua lỗ. Sau đây là những sai lầm phổ biến khi giao dịch dựa vào phân tích cơ bản, bẫy tư duy mà ngay cả người có kiến thức tài chính tốt cũng dễ mắc phải.

Tin rằng thị trường phải “phản ánh giá trị thực” ngay lập tức

Rất nhiều người lầm tưởng rằng: khi mình phát hiện một cổ phiếu “giá rẻ so với giá trị nội tại”, thị trường sẽ sớm nhận ra và đưa giá về đúng mức. Nhưng sự thật là: thị trường không hoạt động theo logic đó trong ngắn hạn. Nó bị chi phối bởi dòng tiền, cảm xúc, tin đồn và kỳ vọng, không phải bảng cân đối kế toán.

John Maynard Keynes từng nói: “Thị trường có thể duy trì trạng thái phi lý lâu hơn bạn có thể duy trì khả năng thanh toán.”

Bạn có thể đúng về mặt lý thuyết, nhưng vẫn trắng tay vì bị “đè lệnh” trước khi thị trường đồng ý với bạn.

image

Không tính đến thời điểm và tâm lý đám đông

Khi tin tức tích cực xuất hiện, nhiều trader kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh. Nhưng nếu thông tin đó đã bị “price in” tức là đã được phản ánh từ trước vào giá thì phản ứng thực tế lại có thể là giảm giá.

Tương tự, báo cáo tài chính “xấu” đôi khi lại khiến cổ phiếu tăng, đơn giản vì giới đầu tư lo sợ điều tệ hơn nữa, và cuối cùng “chỉ” là xấu.

Trong trò chơi giao dịch, không phải sự thật thắng, mà là kỳ vọng của đám đông so với thực tế.

Quên yếu tố quản trị rủi ro

Ngay cả khi bạn phân tích đúng, bạn vẫn có thể thua nếu không quản lý vốn. Nhiều người giữ lệnh quá lâu vì tin rằng “giá sẽ quay lại đúng”, hoặc all-in vào cổ phiếu họ “chắc chắn” là dưới giá trị. Nhưng trading không phải là đầu tư dài hạn.

Đòn bẩy, biến động giá, tin tức bất ngờ có thể khiến bạn cháy tài khoản trước khi lý thuyết kịp thành hiện thực.

Quản trị rủi ro không phải để né lệnh thua, mà là để bạn sống sót đủ lâu để tận hưởng lệnh thắng.

Biết chưa đủ, cần nhìn theo cách thị trường nhìn

Trong trading, đúng không có nghĩa là sẽ lời. Bạn có thể hiểu doanh nghiệp rất rõ, nhưng nếu thị trường chưa “cùng phe”, vị thế của bạn vẫn chịu áp lực thua lỗ.

Đừng đánh cược chỉ vì cảm thấy mình hiểu. Hãy khiêm tốn đặt câu hỏi: Liệu thị trường đang nghĩ gì? Liệu thị trường có đồng ý với tôi trong ngắn hạn? Nếu chưa, tôi có đủ sức chịu đựng để chờ đợi không?

Kẻ chiến thắng không phải là người giỏi nhất về kiến thức, mà là người đủ linh hoạt để đọc vị tâm lý đám đông, biết khi nào rút lui, khi nào chờ thời. Trading là cuộc chơi của xác suất, không phải của sự chắc chắn. Và thị trường không trả tiền cho “người đúng”, nó trả cho “người đúng vào đúng thời điểm”.

Đọc thêmTôi đầu tư không nhìn giá (vì tôi nhìn vào vốn hoá)

RELEVANT SERIES