Tại sao các dự án DeFi Airdrop hàng tỷ USD cho người dùng?
Airdrop token đã trở thành một trong những yếu tố thu hút lớn nhất trong DeFi, nơi hàng loạt "thợ săn" đổ xô vào các blockchain mới với hy vọng nhận được phần thưởng giá trị.
Đối với các blockchain, việc ra mắt token qua airdrop không chỉ là công cụ marketing mạnh mẽ, giúp tăng số lượng người dùng, mà còn củng cố cộng đồng. Trong năm nay, nhiều blockchain đã triển khai airdrop token cho người dùng, và dữ liệu cho thấy chiến lược này vẫn mang lại hiệu quả trong việc gia tăng hoạt động và thu hút người dùng mới.
Việc ra mắt token thường tạo ra những đợt tăng trưởng mạnh mẽ và duy trì mức độ tương tác lâu dài. Chẳng hạn, Optimism đã ghi nhận hoạt động gia tăng đáng kể và duy trì ở mức cao sau khi ra mắt token OP vào năm 2022.
Đáng chú ý, hiệu ứng này không chỉ đến từ các chương trình khuyến khích người dùng, như thưởng cho việc chuyển tài sản sang blockchain, mà ngay cả những blockchain không quảng bá các chiến dịch như vậy, ví dụ Starknet, cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về tổng giá trị khóa (TVL) sau khi ra mắt token.
Một trường hợp khác là Hyperliquid, nền tảng giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh viễn. Sau khi token HYPE ra mắt vào cuối tháng 11/2024, nền tảng đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong giao dịch, không chỉ giới hạn ở token HYPE mà còn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm cốt lõi. Điều này cũng được thể hiện rõ qua số lượng người dùng mới tăng mạnh sau airdrop.
Hiện tượng này có thể được lý giải một phần bởi sự chú ý lớn mà blockchain nhận được trong vài ngày đầu ra mắt token, khi cộng đồng crypto dồn sự quan tâm vào đó. Tuy nhiên, nguyên nhân chính có thể đến từ việc giao dịch token mới thường chỉ có thể thực hiện trên blockchain phát hành nó.
Trong bối cảnh các blockchain hiện nay có nhiều điểm tương đồng, người dùng hiếm khi thay đổi khi không có sự khác biệt rõ ràng. Tuy nhiên, việc ra mắt token buộc họ phải chuyển tài sản vào blockchain mới, từ đó trải nghiệm các sản phẩm, và nếu thích, họ sẽ gắn bó lâu dài.
Một nghiên cứu điển hình là Scroll, ra mắt token SCR vào tháng 10/2024 cùng với sự hợp tác chặt chẽ với Binance. Token SCR có thể giao dịch ngay trên Binance từ lúc ra mắt, và Binance cũng nhận được lượng lớn token để cung cấp thanh khoản.
Điều này khiến Binance trở thành nơi giao dịch tốt nhất cho SCR, thay vì Scroll. Hệ quả là khối lượng giao dịch trên Scroll giảm đáng kể sau airdrop, trái ngược với các trường hợp khác như Optimism hay Hyperliquid.
Những chất xúc tác tăng trưởng khác cũng có điểm tương đồng: người dùng phải thực hiện các hoạt động chỉ có thể làm trên blockchain đó.
Ví dụ, SocialFi Friend.tech đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Base, hay Arbinyan đã thu hút đông đảo người dùng đến Arbitrum để farm token NYAN. Tuy nhiên, những chất xúc tác này không dễ tái tạo, và đôi khi, các dự án chỉ tạo ra sự bùng nổ ngắn hạn trước khi sụp đổ.
Ngược lại, việc ra mắt token vẫn là công cụ tăng trưởng quan trọng mà đội ngũ phát triển blockchain có thể kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, gần đây, hai blockchain lớn là Move và Abstract lại chọn ra mắt token trên blockchain khác trước khi chính thức hoạt động, bỏ lỡ cơ hội quan trọng để thu hút người dùng ban đầu.
Dù tăng trưởng không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào airdrop token, việc thiếu đi chất xúc tác này sẽ khiến con đường phát triển của các blockchain trở nên khó khăn hơn.
Đọc thêm: Trung Quốc ứng dụng Blockchain trong cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia