Tether phủ nhận cáo buộc đang bị chính phủ Mỹ điều tra

Một báo cáo điều tra độc quyền từ The Wall Street Journal đã thổi bùng lên ngọn lửa nghi ngờ về Tether, công ty đứng sau stablecoin USDT, khi cho rằng chính phủ Mỹ đang tiến hành điều tra các hoạt động của công ty này. Tether ngay lập tức phản pháo, cho rằng đây chỉ là "những thông tin cũ rích" được xào xáo lại.

Cụ thể, theo bài báo được đăng tải trên The Wall Street Journal vào ngày 25/10, Văn phòng Công tố Mỹ tại Quận Nam New York (thuộc Bộ Tư pháp) đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự hướng vào Tether.
Cuộc điều tra này đã được tiến hành bí mật trong vài năm. Họ muốn biết liệu stablecoin này có bị kẻ xấu lợi dụng để làm những việc phi pháp như rửa tiền bẩn hay tài trợ cho khủng bố hay không.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng được cho là đang xem xét việc trừng phạt Tether do lo ngại stablecoin này được sử dụng bởi các tổ chức và cá nhân nằm trong danh sách đen của Mỹ, chẳng hạn như nhóm khủng bố Hamas hay các tay buôn vũ khí Nga.
Những cáo buộc này, nếu được xác thực, sẽ là một cú đánh mạnh vào Tether, công ty phát hành stablecoin USDT với khối lượng giao dịch khổng lồ, lên tới 190 tỷ USD mỗi ngày.

Trước những thông tin bất lợi, Tether đã nhanh chóng lên tiếng tuyên bố trên trang web để bảo vệ mình.
Công ty này bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc hỗ trợ các hoạt động tội phạm hoặc né tránh lệnh trừng phạt, đồng thời chỉ trích The Wall Street Journal đưa tin thiếu trách nhiệm và liều lĩnh khi không có bất kỳ cơ quan chức năng nào chính thức xác nhận thông tin điều tra.

Bên cạnh đó, Tether cũng nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ của mình với cơ quan thực thi pháp luật trong việc trấn áp những kẻ xấu đang tìm cách lạm dụng Tether và các loại tiền điện tử khác.
CEO của Tether, Paolo Ardoino, cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến những cáo buộc này.
Như chúng tôi đã nói với WSJ, không có dấu hiệu nào cho thấy Tether đang bị điều tra. WSJ đang xào xáo lại những thông tin cũ. Chấm hết.
Mặc dù Tether một mực phủ nhận, nhưng lịch sử hoạt động của công ty này khiến nhiều người khó có thể hoàn toàn yên tâm. Tether đã nhiều lần vướng vào vòng xoáy tranh cãi và bị chỉ trích bởi nhiều tổ chức, từ Liên Hợp Quốc cho đến các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
Năm 2021, Tether và sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex (có liên kết với Tether) đã bị Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) phạt 42.5 triệu USD vì vi phạm Đạo luật Giao dịch Hàng hóa.
Thậm chí, CEO của Ripple, Brad Garlinghouse, từng tuyên bố trong một podcast vào tháng 5 rằng: "Chính phủ Mỹ rõ ràng là đang nhắm vào Tether".
Tuy nhiên, Tether cũng có những bằng chứng cho thấy sự hợp tác của mình với cơ quan thực thi pháp luật. Công ty tuyên bố đã hỗ trợ hơn 145 cơ quan thực thi pháp luật thu hồi hơn 108.8 triệu USD USDT liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp kể từ khi ra mắt vào năm 2014.
Liệu thông tin nào về Tether mới thực sự chính xác?
Đọc thêm: Thị trường tài chính giảm mạnh sau khi Israel tấn công trả đũa Iran