Tích cực ở đâu trong một thị trường đầy bất ổn

Diễn biến tổng quan của thị trường
Bitcoin đã trải qua 3 tuần giao dịch đầy bất ổn, giá lao dốc không phanh từ 100,000 USD về 77,000 USD. Ngày 17/3 mở ra một tuần giao dịch mới, mặc dù có nỗ lực phục hồi với mức tăng nhẹ 2.21%, nhưng tính chung trong quý đầu tiên của năm, Bitcoin đã mất hơn 11% giá trị.
Tương tự, Ethereum cũng ghi nhận mức giảm 2.5%, xuống còn khoảng 1,889 USD. Như vậy, trong tuần vừa qua, giá trị của Ethereum đã giảm hơn 7%, và tổng mức giảm trong quý đầu tiên đã lên đến 42%.
.png)
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng mang một màu sắc tương tự như thị trường tiền điện tử. Tối Chủ Nhật cùng ngày, các hợp đồng tương lai của chỉ số Dow Jones Industrial Average đã giảm 0.37%. Các hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt ghi nhận mức giảm là 0.46% và 0.55%.
Diễn biến này cho thấy mối tương quan nhất định giữa thị trường tiền điện tử và thị trường chứng khoán, đặc biệt khi cả hai đều nhạy cảm với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, trên thị trường phái sinh tiền điện tử, mức độ sử dụng đòn bẩy vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Dữ liệu từ Coinglass cho thấy tổng khối lượng mở của các hợp đồng tương lai tiền điện tử vẫn ở mức cao, mặc dù đã có hơn 253 triệu USD giá trị các vị thế bị thanh lý trong vòng 24 giờ qua.

Về mặt tâm lý thị trường, Chỉ số Sợ hãi và Tham lam Tiền điện tử vẫn đang nằm trong vùng "Sợ hãi", cho thấy sự thận trọng và lo lắng vẫn đang chi phối các nhà đầu tư.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường
Cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào 19/3 sẽ là sự kiện được thị trường đặc biệt chú ý trong tuần này.
Theo CME FedWatch, phần lớn thị trường hiện đang kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại.
Thị trường lo ngại Fed sẽ "diều hâu" hơn khi duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến. Điều này tạo ra áp lực tiêu cực lên các tài sản rủi ro, trong đó có thị trường tiền điện tử.

Bên cạnh những yếu tố vĩ mô từ chính sách tiền tệ, tình hình căng thẳng địa chính trị cũng đang góp phần gia tăng áp lực lên thị trường tài chính nói chung.
Thông báo gần đây của Tổng thống Trump về việc áp đặt các loại thuế quan mới, cùng với khả năng Liên minh châu Âu sẽ có những biện pháp trả đũa, đã tạo ra một làn sóng bất ổn mới trên thị trường toàn cầu.
Thêm vào đó, sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc thành lập một Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp tham gia vào thị trường tiền điện tử.
Tuy nhiên, sự hưng phấn ban đầu này đã nhanh chóng suy yếu khi các nhà đầu tư nhận ra rằng sắc lệnh này không đi kèm với bất kỳ khoản ngân sách cụ thể nào được phân bổ cho việc mua Bitcoin ngay lập tức. Đó chính là một trong những lý do chính khiến Bitcoin mất động lực tăng và lao dốc trong thời gian vừa qua.
Với sự gia tăng các rủi ro vĩ mô và những diễn biến pháp lý, thị trường đang giữ vững một tâm thế phòng thủ và chờ đợi một chất xúc tác đủ mạnh để có thể phá vỡ xu hướng giảm giá hiện tại.
Quyết định chính sách tiền tệ sắp tới từ FED, kết hợp với bất kỳ tín hiệu mới nào từ các nhà đầu tư tổ chức lớn hoặc các cơ quan quản lý, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định liệu thị trường tiền điện tử có thể lấy lại được động lực tăng trưởng hay sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá sâu hơn trong những tuần tiếp theo.
Xu hướng và dự đoán ngắn hạn
Ali Martinez, một nhà đầu tư trên X tin rằng mức giá 81,400 USD là một thử thách đối với Bitcoin. Ông cho rằng nếu Bitcoin có thể duy trì trên mức giá này, khả năng Bitcoin vẫn bảo toàn được xu hướng tăng.
Ông Martinez cũng chỉ ra trên biểu đồ giá Bitcoin đang hình thành mô hình tam giác tăng dần, và dự đoán rằng nếu giá đóng cửa ổn định vượt ra khỏi mô hình này (khoảng 84,500 USD), thì có thể sẽ có một đợt tăng giá khoảng 8%.
Trưởng bộ phận phân tích của Bitget Research, Ryan Lee, nhận định rằng Bitcoin cần đạt được mức đóng cửa hàng tuần trên 81,000 USD có thể báo hiệu sự phục hồi. Ngược lại, áp lực bán có thể gia tăng nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 76,000 USD.
Markus Thielen, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền điện tử tại 10x Research, lại đưa ra một quan điểm thận trọng hơn. Ông cho rằng cấu trúc biểu đồ hiện tại của Bitcoin cho thấy sự do dự của thị trường hơn là một sự củng cố tăng giá rõ ràng. Do đó, Thielen vẫn còn nghi ngờ về khả năng Bitcoin có thể phục hồi mạnh mẽ về giá ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhà kinh tế mạng Bitcoin Timothy Peterson lại có một góc nhìn khác. Trong một bài đăng trên nền tảng X, Peterson cho rằng tháng 4 và tháng 10 thường là hai tháng đóng góp phần lớn vào hiệu suất tăng trưởng hàng năm của Bitcoin. Dựa trên phân tích này, Peterson dự đoán rằng Bitcoin có khả năng tăng lên mức ATH mới trước tháng 6.
Câu hỏi đặt ra là liệu phe mua có đủ sức mạnh để đẩy giá Bitcoin vượt qua các mức kháng cự ngắn hạn hay không. Nếu điều này xảy ra, những đồng tiền điện tử nào khác có khả năng cũng sẽ có những đợt tăng giá trong tương lai gần.
Những phát triển đáng chú ý của Bitcoin trong tuần qua
Bất chấp những biến động về giá, Bitcoin đã chứng kiến một số phát triển quan trọng trong bảy ngày vừa qua, duy trì sự lạc quan cho một bộ phận nhà đầu tư.
Vào ngày 11/03, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Cantor Fitzgerald đã chính thức ra mắt một mảng kinh doanh tài trợ Bitcoin trị giá 2 tỷ USD. Để đảm bảo khả năng tiếp cận an toàn cho các tổ chức, Cantor Fitzgerald đã hợp tác với Anchorage Digital và Copper.
Ở một diễn biến khác, Ark Invest của Cathie Wood tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của Bitcoin bằng cách gia tăng lượng nắm giữ của mình. Trong tuần vừa qua, quỹ này đã mua thêm 997 BTC thông qua sàn giao dịch Coinbase, với tổng giá trị khoảng 80 triệu USD.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực khác là mặc dù thị trường gần đây có nhiều biến động, nhưng có tới 95% nhà đầu tư vào các quỹ ETF Bitcoin giao ngay tại Mỹ vẫn tiếp tục nắm giữ các khoản đầu tư của mình. Điều này cho thấy rằng các nhà quan sát thị trường vẫn đang nghiêng về sự lạc quan đối với triển vọng giá dài hạn của Bitcoin.
Đọc thêm: paws là gì? Dự án với hơn 85 triệu người dùng sắp airdrop