Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để mất cơ hội với tiền kỹ thuật số

Vào chiều ngày 24/02, trong buổi làm việc với Ban Chính sách chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo quan trọng về định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh mới. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Đảng đối với tiền kỹ thuật số.
Theo Tổng Bí thư, hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều điểm chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế nền tảng, thương mại điện tử và đặc khu kinh tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết của khung pháp lý riêng cho các đặc khu kinh tế và công nghệ, với cơ chế thuế đặc biệt ưu đãi và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp.

Liên quan đến quản lý tiền kỹ thuật số, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Không để chậm chân, không để mất cơ hội". Tổng Bí thư nhấn mạnh không được để Việt Nam tụt hậu, mà phải chủ động nắm bắt cơ hội, không để khoảng cách giữa nền tài chính truyền thống và các phương thức giao dịch hiện đại trở thành rào cản phát triển.
Người đứng đầu Đảng yêu cầu Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia để nghĩ ra giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số linh hoạt, không tạo kẽ hở hoặc rào cản với các hình thái tài chính mới.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư cho thấy sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ thận trọng sang chủ động nắm bắt cơ hội từ tiền kỹ thuật số. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang dần mở cửa hơn đối với các hình thức tài chính mới, đồng thời thể hiện quyết tâm không để bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 4.5-5% trong năm 2025.
Ngành ngân hàng cũng đối diện thách thức bơm 2.5 triệu tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế. Ưu tiên vốn sẽ tập trung vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học công nghệ.
Về cơ bản, động thái này nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng cung tiền, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như dự án BOT, nhà ở xã hội và công nghệ. Lãi suất thấp cũng khuyến khích đầu tư và tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc bơm tiền ồ ạt cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát, tăng nợ xấu và tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, các ngành như bất động sản, xây dựng, công nghệ và hàng tiêu dùng dự kiến được hưởng lợi từ chính sách này.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm được đưa ra trong hoàn cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn từ sự phát triển của tiền kỹ thuật số.
Thống kê năm 2024 của Chainalysis cho thấy Việt Nam có gần 18 triệu người đang sở hữu tiền kỹ thuật số, chiếm 17.4% dân số. Tỷ lệ này đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có lượng người dùng tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Trước đó, vào ngày 15/01/2025, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao nhiệm vụ cho One Mount Group, thành viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), xây dựng mạng blockchain Layer 1 “Make in Vietnam”.
Đồng thời, Tổng Bí thư đặt kỳ vọng lớn lao cho ngành công nghệ số Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam phải là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ số, đồng thời phải tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới.
Đọc thêm: Mỹ thu giữ 31 triệu USD crypto liên quan đến vụ hack Uranium Finance năm 2021