Tòa án Mỹ tuyên bố Tornado Cash vô tội, giá TORN tăng 120%
Vào ngày 23/01, Tòa án Mỹ vừa ra phán quyết hủy bỏ lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash, tuyên bố rằng các hợp đồng thông minh (smart contract) bất biến của Tornado Cash không thể bị xem là tài sản theo luật pháp Mỹ.
Đây là một bước ngoặt quan trọng, có thể mở ra cách tiếp cận thân thiện hơn đối với các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư.
Đồng thời, tòa án Mỹ cho biết OFAC đã vượt quá thẩm quyền được Quốc hội quy định khi áp đặt lệnh trừng phạt lên Tornado Cash vào năm 2022. Qua đó, OFAC đã cáo buộc nền tảng này hỗ trợ nhóm hacker Lazarus của Triều Tiên trong việc rửa hơn 455 triệu USD tài sản số bị đánh cắp.
Lệnh trừng phạt này đã gây tranh cãi lớn, đặc biệt là trong cộng đồng blockchain, khi nhiều người cho rằng OFAC đã vượt quá quyền hạn của mình.
Các biện pháp trừng phạt của OFAC cũng dẫn đến vụ bắt giữ Alexey Pertsev, nhà phát triển Tornado Cash. Ngày 14/5/2024, tòa án phúc thẩm s-Hertogenbosch (Hà Lan) tuyên bố Pertsev phạm tội rửa tiền và tuyên án 5 năm 4 tháng tù giam, cáo buộc ông đã giúp rửa 1.2 tỷ USD tài sản bất hợp pháp thông qua Tornado Cash.
Dù thừa nhận những lo ngại về việc Tornado Cash có thể bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp, tòa án khẳng định họ không có quyền thay đổi luật, mà chỉ có thể tuân theo những gì Quốc hội đã quy định, dù đúng hay sai.
Ngay sau thông tin này, giá token TORN đã tăng mạnh, đạt mức 17.67 USD, tương ứng với mức tăng 124%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy OFAC chính thức gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash.
Dù tòa án Mỹ đã phán quyết rằng các smart contract của Tornado Cash không phải là "tài sản" theo luật pháp Mỹ, điều này không đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) sẽ bị hủy ngay lập tức.
Tòa án chỉ đánh giá tính chất pháp lý của các smart contract, nhưng không trực tiếp tuyên bố rằng toàn bộ lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash là sai hoặc vô hiệu. Điều này có thể tạo tiền lệ pháp lý để khiếu nại hoặc điều chỉnh lệnh trừng phạt, nhưng không có tác động ngay lập tức lên quyết định của OFAC.
Bên cạnh đó, OFAC có quyền duy trì lệnh trừng phạt dựa trên những cơ sở khác ngoài việc kiểm soát smart contract. Họ có thể tiếp tục cấm Tornado Cash vì nền tảng này đã bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ có thể kháng cáo phán quyết này lên tòa án cấp cao hơn. Nếu phán quyết bị đảo ngược, OFAC hoàn toàn có thể giữ nguyên lệnh cấm như trước.
Điều này có nghĩa là, dù tòa án đã đưa ra một bước tiến quan trọng giúp Tornado Cash có cơ hội thoát khỏi lệnh trừng phạt, nhưng việc OFAC có thực sự gỡ bỏ các biện pháp hạn chế hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, cùng nhiều nhân vật trong cộng đồng crypto hiện đang kêu gọi trả tự do cho Virgil Griffith, nhà phát triển Ethereum, và Roman Storm, đồng sáng lập Tornado Cash.
Buterin cũng nhắc đến Alexey Pertsev, một đồng sáng lập khác của Tornado Cash, trong bài đăng trên X vào sáng ngày 22/01 với thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau".
Đọc thêm: Binance niêm yết Animecoin (ANIME), airdrop cho người nắm giữ BNB