Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, vào ngày 24/12/2024, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57, đánh dấu bước đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành, ông cũng đảm nhiệm vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập để triển khai các chiến lược quan trọng này.
Theo nội dung nghị quyết, Việt Nam sẽ thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Đảng đoàn Quốc hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật và tăng cường giám sát.
Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng chương trình hành động, phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để thể chế hóa các chính sách, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực và hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản vào năm 2025.
Nghị quyết nhấn mạnh, đến năm 2030, Việt Nam cần đạt được tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở mức tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, vươn lên nhóm dẫn đầu các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt trình độ đổi mới sáng tạo trên mức trung bình toàn cầu, với một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 3 quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á và nằm trong top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh số, phát triển Chính phủ điện tử, và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nghị quyết cũng dự kiến sẽ có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số đạt tầm vóc quốc tế, đóng góp vào quy mô kinh tế số chiếm 30% GDP. Tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50%, trong khi giao dịch không dùng tiền mặt và dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trên 80%.
Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ chiếm 2% GDP, với hơn 60% đến từ xã hội. Hạ tầng khoa học và công nghệ sẽ được cải thiện, nâng số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10% mỗi năm và số đơn sáng chế tăng 16 - 18% mỗi năm.
Hạ tầng công nghệ số của Việt Nam sẽ được phát triển hiện đại, ưu tiên các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, và công nghệ bán dẫn. Mạng 5G sẽ phủ sóng toàn quốc, cùng với việc phát triển các đô thị thông minh tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất trong nước.
Đến năm 2045, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, với quy mô kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP. Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp công nghệ số hàng đầu khu vực, thuộc top 30 quốc gia trên thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng hướng đến việc có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến, đồng thời thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức hoặc doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đến Việt Nam.
Nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn, trong đó có việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, và quyết tâm chính trị trong toàn xã hội. Hoàn thiện thể chế pháp luật, loại bỏ rào cản để biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Đầu tư hạ tầng cho khoa học và công nghệ cũng là trọng tâm, với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội nhằm bảo đảm hiệu quả triển khai nghị quyết.
Đọc thêm: DeFi hồi sinh, Aave và Lido dẫn đầu làn sóng tăng trưởng?