YouTuber Hàn Quốc bị bắt vì lừa đảo 15,000 người tham gia đầu tư tiền điện tử
Cảnh sát Hàn Quốc vừa triệt phá một đường dây lừa đảo tiền ảo quy mô lớn, gây thiệt hại cho hơn 15,000 người với tổng số tiền lên tới 300 tỷ won (tương đương khoảng 5.5 nghìn tỷ VND). Đáng chú ý, kẻ cầm đầu đường dây này là một YouTuber nổi tiếng với 620,000 người theo dõi.
Từ YouTuber chứng khoán đến "trùm lừa đảo" tiền điện tử
A (dấu tên), kẻ chủ mưu, ban đầu được biết đến là một YouTuber chuyên tư vấn đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, sau khi các cổ phiếu A giới thiệu bị đình chỉ giao dịch vào năm 2020, hắn ta phải đối mặt với làn sóng yêu cầu hoàn tiền từ các nhà đầu tư. Để gỡ gạc lại danh tiếng và tài chính, A đã chuyển hướng sang lĩnh vực tiền điện tử và thành lập một đường dây lừa đảo tinh vi.
A đã xây dựng một hệ thống tổ chức chặt chẽ với một công ty mẹ, 6 công ty tư vấn đầu tư giả mạo và 10 công ty bán hàng. Bên dưới đó là 15 tổ chức nhỏ hơn, mỗi tổ chức đảm nhận một vai trò cụ thể trong đường dây, từ quản lý, phát hành tiền điện tử, thao túng giá, đến tiếp thị, bán hàng và rửa tiền.
Chiêu trò tinh vi khiến nạn nhân khốn đốn
Để thu hút nhà đầu tư, A và đồng bọn đã sử dụng hơn 9 triệu số điện thoại thu thập được từ các kênh YouTube của mình.
Bọn chúng gọi điện thoại hàng loạt, dụ dỗ mọi người bằng những lời lẽ hoa mỹ, hứa hẹn lợi nhuận khủng lên đến 20 lần vốn đầu tư. Những kẻ này còn sử dụng các chiêu thức tâm lý, thúc giục mọi người bán nhà, vay tiền để đầu tư, vẽ ra viễn cảnh đổi đời hấp dẫn.
Đường dây này đã phát hành 28 loại tiền điện tử khác nhau. Trong đó, 6 loại do nhóm đối tượng này tự phát hành và niêm yết trên các sàn giao dịch nước ngoài thông qua môi giới.
Sau đó, chúng thao túng giá bằng cách tự mua vào để đẩy giá lên cao, rồi bán ra cho các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. 22 loại tiền điện tử còn lại tuy không phải do A và đồng bọn phát hành, nhưng hầu như không có thông tin và giao dịch trên thị trường Hàn Quốc, khiến chúng gần như vô giá trị.
Thậm chí, nhóm này còn nhắm vào những người đã từng thua lỗ trong đầu tư chứng khoán và tiền điện tử. Chúng tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân mua tiền điện tử với lời hứa bù đắp thiệt hại, đẩy họ vào vòng xoáy nợ nần chồng chất.
Để tăng thêm sự tin tưởng, A và đồng bọn còn giả mạo nhân viên Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc, yêu cầu nạn nhân cung cấp chứng minh thư nhân dân để được bồi thường thiệt hại. Sau đó, chúng sử dụng thông tin này để vay tiền, khiến nạn nhân lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Hậu quả nặng nề, bài học cảnh giác
Hầu hết nạn nhân của vụ lừa đảo này là những người trung niên và cao tuổi, mỗi người bị thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ won. Có trường hợp nạn nhân đã phải bán nhà để trả nợ.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, cảnh sát đã vào cuộc điều tra, lần theo dấu vết dòng tiền thông qua hơn 1,400 tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, A đã bị bắt giữ tại Úc sau khi trốn sang Hồng Kông và Singapore. Cảnh sát cũng đã thu giữ 22 Bitcoin mà A đang nắm giữ và yêu cầu tịch thu 47.8 tỷ won tiền bất chính.
Vụ án này là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh KOLs ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Nhiều KOLs, lợi dụng lòng tin của người hâm mộ, đã quảng cáo, kêu gọi đầu tư vào các dự án tiền ảo mà chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, dễ bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn lợi nhuận cao.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo trước những lời quảng cáo "đường mật". Hãy luôn nhớ rằng KOLs không phải chuyên gia tài chính, và họ cũng có thể bị lợi ích cá nhân chi phối.
Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, nhà đầu tư cần tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết, tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, đội ngũ phát triển, cũng như cảnh giác với những lời mời chào đầu tư không rõ ràng.
Đọc thêm: Một công ty Mỹ ra mắt "zero gas fee", điều đã có trên blockchain Việt Nam từ 2023