Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Hơn 1.9 tỷ USD tiền số bị đánh cắp trong nửa đầu năm 2022

Theo báo cáo của Chainalysis ngày 16/8, hơn 1.9 tỷ USD tiền số đã bị hack chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, tăng đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Avatar
uyntran.web3
Published Aug 17 2022
Updated Aug 17 2022
4 min read
thumbnail

Theo báo cáo của Chainalysis ngày 16/8, hơn 1.9 tỷ USD tiền số đã bị hack chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, tăng đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chainalysis cho rằng mức tăng đột biến chủ yếu bắt nguồn từ các cuộc tấn công vào giao thức tài chính phi tập trung (DeFi). Các nền tảng DeFi, chủ yếu dựa trên công nghệ blockchain Ethereum, đã bùng nổ độ phổ biến trong hai năm qua. Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, những giao thức này dễ trở thành “miếng mồi ngon” của tội phạm do có mã nguồn mở, lượng tài sản lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. 

Trong đó, vụ việc nổi cộm nhất năm 2022 có thể kể đến cầu nối Ronin của game blockchain Axie Infinity hồi tháng 3 như MarginATM đã đưa tin (tại đây). Khoảng 625 triệu USD đã bị hacker bòn rút, khiến nền tảng đứng trước bờ vực sụp đổ. Đáng chú ý, cơ quan tình báo Mỹ khẳng định rất nhiều trường hợp, bao gồm vụ hack vào Axie, là do các nhóm hacker thân Triều Tiên gây ra. Nhóm hacker khét tiếng Lazarus Group là cái tên bị FBI trực tiếp đề cập.

Ngoài ra, báo cáo của Chainalysis ước tính khoảng 1 tỷ USD đã bị hacker Triều Tiên đánh cắp từ nền tảng DeFi. Số tiền này được cho là sẽ hỗ trợ Triều Tiên cả về tài chính lẫn chính trị trong bối cảnh nước này cắt đứt phần lớn quan hệ với quốc tế. 

coin98
Lazarus Group là thủ phạm đứng sau nhiều vụ hack.

Chainalysis cảnh báo vấn nạn trộm tiền mã hóa vẫn không có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi thị trường downtrend mạnh mẽ. 

“Miễn là tài sản mã hóa được lưu trữ trong giao thức DeFi và các dịch vụ dễ bị tấn công khác, kẻ xấu sẽ còn nhắm đến chúng”, theo Chainalysis.

Công ty cũng trích dẫn ra hai vụ hack DeFi quy mô lớn gần đây. Theo đó, ngày 2/8, cầu nối cross-chain Nomad đã bị rút cạn khoảng 190 triệu USD. Ngoài ra, hàng nghìn ví Solana đã bị thiệt hại 5 triệu USD sau vụ tấn công đầu tháng 8.

Đọc thêm Cầu nối Nomad bị hack 190 triệu USD

Tuy nhiên, báo cáo cũng mở ra một tín hiệu khả quan. Giá trị tổn thất trong các vụ lừa đảo tiền mã hóa đã giảm 65% so với năm 2021. Năm nay, những kẻ lừa đảo “đút túi” tổng cộng 1.6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với con số 4.46 tỷ USD hồi năm ngoái. Không chỉ vậy, số trường hợp lừa chuyển tiền trong năm 2022 cũng chạm mức thấp nhất sau 4 năm. 

coin98
Số tiền lừa đảo ghi nhận xu hướng giảm.

“Kể từ tháng 1/2022, lượng tiền bị lừa đảo đã giảm ít nhiều cùng với giá Bitcoin. Khi giá token giảm, những lời hứa hẹn đầu tư với lợi nhuận khổng lồ không còn thu hút được nhiều nạn nhân nữa”, Chainalysis nhận định. 

Hiện tại, các cơ quan quản lý đang đưa ra các biện pháp thắt chặt ngành công nghiệp tiền mã hóa. Nếu đề xuất mới của Thượng viện Mỹ được phê duyệt, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) sẽ trở thành cơ quan giám sát chính về tiền mã hóa. Bên cạnh đó, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) thông báo sẽ tăng thêm nhân lực trong bộ phận tiền số của mình.

Việc các cơ quan chức năng vào cuộc có thể góp phần làm giới tội phạm “chùn tay” nhưng sẽ không bao giờ là đủ. Các công ty phải tiếp tục tìm tòi những phương thức mới để chống lại tình trạng hack tiền mã hóa. Người dùng cũng nên sáng suốt đầu tư vào một dự án an toàn và chủ động tự bảo vệ chính mình.

RELEVANT SERIES