Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

DeFi là gì? Tiềm năng & cơ hội đầu tư của hệ sinh thái bậc nhất DeFi

Bạn là người mới tham gia Crypto và chưa biết DeFi là gì? Cùng tìm hiểu về DeFi và những vấn đề xung quanh nó để xác định xem đây có phải là một khoản đầu tư phù hợp với bạn.
Avatar
Sammie
Published Jun 29 2021
Updated 2 days ago
16 min read
defi là gì

DeFi là gì?

DeFi hay "tài chính phi tập trung", là một hệ sinh thái các dịch vụ tài chính dựa trên sổ cái phân tán, cho phép thực hiện giao dịch trực tiếp với nhau bằng cách sử dụng công nghệ blockchain thay vì thông qua các tổ chức tập trung như ngân hàng. Điều này giúp loại bỏ các bên trung gian để các giao dịch tài chính có thể diễn ra nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn.

DeFi hướng tới mục tiêu dân chủ hóa tài chính bằng cách thay thế các thể chế tập trung, kế thừa bằng các mối quan hệ ngang hàng có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ ngân hàng, cho vay và thế chấp, đến các mối quan hệ hợp đồng phức tạp và giao dịch tài sản. DeFi mở cho bất cứ ai có kết nối internet, giúp người dùng dễ tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn.

Một số điểm thu hút chính của DeFi đối với người dùng là:

  • Nó giúp loại bỏ các khoản phí mà các ngân hàng và công ty tài chính khác tính cho việc bạn sử dụng dịch vụ của họ.
  • Bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể sử dụng mà không cần yêu cầu phê duyệt.
  • Bạn có thể chuyển tiền xuyên biên giới chỉ vòng trong vài giây.
cấu trúc defi
Cấu trúc của một hệ sinh thái DeFi
advertising

Phân biệt CeFi và DeFi

Mặc dù rất dễ dàng để nhận ra sự khác biệt giữa DeFi và CeFi, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu người dùng nên tin tưởng vào công nghệ hay con người?

Với DeFi, người dùng cần tin tưởng rằng công nghệ sẽ hoạt động như đề xuất để thực thi trên các dịch vụ được cung cấp. Mặt khác, với CeFi, người dùng cần tin tưởng các ngân hàng hoặc doanh nghiệp để họ quản lý tiền của bạn và thực hiện các dịch vụ.

cefi vs defi
CeFi và DeFi

Cả DeFi và CeFi đều cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính liên quan đến tiền điện tử. Dưới đây là một vài điểm khác biệt chính giữa DeFi và CeFi.

so sánh defi và cefi

Bản chất của DeFi

Toàn quyền kiểm soát 

Các mạng phân tán này cho phép người dùng có toàn quyền kiểm soát tài sản và dữ liệu của chính họ và giá trị được chuyển từ người này sang người khác mà không cần phải thông qua các bên trung gian như ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Người dùng là những người duy nhất nắm giữ chìa khóa ví của họ và kiểm soát tiền của họ.

Với việc kiểm soát tốt hơn dữ liệu cá nhân của bạn, các giải pháp DeFi có thể thúc đẩy một thời đại mới của các dịch vụ tài chính phù hợp hơn với khách hàng.

Mở

Một trong những tính năng quan trọng nhất của DeFi thu hút người dùng là tính mở của nó. DeFi không tuân theo các nguyên tắc truy cập thông thường được áp dụng trong tài chính truyền thống. Ngược lại, nó tuân theo mô hình truy cập mở, không cần sự cho phép. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể truy cập vào các giải pháp DeFi thông qua kết nối internet và ví tiền điện tử. Với hai yếu tố này, bạn có thể tận dụng DeFi bất kể vị trí địa lý hoặc thời gian. Do đó, DeFi có thể chào đón hầu hết mọi cá nhân tham gia vào hệ thống tài chính.

Minh bạch

Với DeFi, mọi giao dịch đều phải được công khai cho những người dùng khác trên mạng. Các mã nguồn mở cho phép bất kỳ ai cũng có thể xem và truy xuất nguồn gốc giao dịch.

Phi tập trung

Các giao thức DeFi được xây dựng trên các blockchain công khai. Các blockchain này được điều hành bởi hàng nghìn nodes - các máy tính chạy phần mềm của blockchain - trải rộng trên toàn cầu, do đó hầu như không thể kiểm duyệt hoặc ngăn chặn chúng.

Trên lớp cơ sở phân quyền này, các nền tảng DeFi được xây dựng để được quản lý bởi một cộng đồng người dùng và không được kiểm soát tập trung. Người dùng trở thành chủ sở hữu của các ứng dụng tài chính của họ; họ có thể tham gia vào các quyết định quan trọng, bao gồm tự đề xuất các thay đổi và hưởng lợi từ sự phát triển và thành công của nó. Không một bên tập trung nào có thể đơn phương nắm quyền kiểm soát quỹ hoặc thay đổi các quy tắc của trò chơi.

Các thành phần của DeFi

Sàn giao dịch phi tập trung (DEX)

DEX là các nền tảng ngang hàng cho phép các nhà đầu tư trao đổi tiền điện tử với nhau mà không cần thông qua các bên trung gian và ẩn danh hoàn toàn.

Vì không cần chuyển tài sản lên sàn giao dịch tập trung trước khi thực hiện các giao dịch, DEX giúp làm giảm nguy cơ trộm cắp do hack sàn. DeFi cũng có thể ngăn chặn việc thao túng giá hoặc giả mạo khối lượng giao dịch thường xảy ra trên các sản CEX hiện nay.

Một số dự án nổi bật trong mảng này như Uniswap, Sushiswap, 1Inch, Curve,...

DeFi Stablecoin

Thị trường tiền điện tử thường xuyên xảy ra những biến động không lường trước được và stablecoin được thiết kế để giảm thiểu tối đa sự biến động giá. Bằng cách neo giá trị vào một loại tài sản khác, chẳng hạn như đô la Mỹ, stablecoin giữ giá trong tầm kiểm soát.

Khác với các stablecoin vốn đã quá quen thuộc trong thị trường tiền điện tử như USDT, USDC,..., DeFi Stablecoin yêu cầu người dùng thế chấp 1 lượng tài sản tiền điện tử của họ để phát hành ra một lượng nhỏ hơn stablecoin.

Một số dự án DeFi Stablecoin: MakerDAO, Terra, Just, Reserve, Kava, Venus,...

những dự án stablecoin
Những dự án stablecoins nổi bật trên thị trường

DeFi Lending

DeFi lending một hình thức cho vay phi tập trung phổ biến, kết nối người đi vay với người cho vay tiền điện tử thông qua smart contract để thay thế các trung gian như ngân hàng quản lý việc cho vay ở giữa.

Một nền tảng phổ biến, Compound, cho phép người dùng vay tiền điện tử hoặc cung cấp các khoản vay của riêng họ. Người dùng có thể kiếm tiền từ lãi suất khi cho vay tiền của họ. Compound đặt lãi suất theo thuật toán, vì vậy nếu nhu cầu vay tiền điện tử cao hơn, lãi suất sẽ bị đẩy cao hơn.

Một vài dự án nổi bật trong phân khúc này gồm có AAVE, MakerDAO, Compound, BZRX, Osis, Dharma, Fulcrum,...

DeFi Insurance

Bảo hiểm DeFi đề cập đến việc bảo hiểm cho chính bạn, hay còn gọi là "mua bảo hiểm", chống lại những tổn thất do các sự kiện trong DeFi gây ra.

Giả sử bạn là một cá nhân hoặc một công ty có vốn bị khóa ở đâu đó trên nền tảng DeFi. Khi bạn nhận thức được thực tế rằng bạn có thể mất vốn nếu nền tảng hoặc giao thức này bị tấn công, bạn muốn bảo đảm cho mình trước rủi ro này.

Do đó, bạn đến nhà cung cấp DeFi Insurance và trả một số tiền nhất định để được bảo hiểm trong trường hợp bạn bị mất vốn do một sự kiện cụ thể được xác định trước.

Một số dự án nổi bật mảng này gồm Yearn Insurance, Hakka Finance (3F Mutual), Nexus Mutual, Opin,...

DeFi Oracles

DeFi oracles là một dịch vụ của bên thứ 3 cho phép các smart contract truy cập vào dữ liệu bên ngoài, trong thế giới thực, cung cấp cho smart contract khả năng truy cập nguồn cấp dữ liệu trực tiếp không có trên blockchain, chẳng hạn như giá tài sản theo thời gian thực.

Các dự án DeFi oracles bao gồm những tên tuổi lớn như Band Protocol, ChainLink, Nest, DIA,...

DeFi Derivatives

DeFi Derivatives là hình thức giao dịch phái sinh phi tập trung dựa trên giá trị của các đồng tiền điện tử. Nói một cách đơn giản là bạn sẽ giao dịch dựa trên giá của các tài sản tiền điện tử chứ không trực tiếp sở hữu và mua bán chúng.

Mọi thị trường tài chính đang phát triển đều tiềm ẩn rủi ro và kèm theo đó là nhu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như cơ hội đầu cơ, dẫn tới sự phát triển các thị trường phái sinh để phục vụ những nhu cầu đó. Hơn nữa, tốc độ đổi mới và phát triển trên thị trường phái sinh có xu hướng phản ánh tốc độ phát triển của thị trường cơ sở. DeFi Derivatives đang phát triển với tốc độ tương xứng với tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng của các tài sản tiền điện tử khác.

Một số dự án DeFi Derivatives: Synthetix, UMA, Hegic, Opyn, Perpetual, dYdX, BarnBridge,...

Liquidity mining

Liquidity mining là quá trình trong đó những người nắm giữ tiền điện tử cho một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) vay tài sản để đổi lấy phần thưởng. Phần thưởng này thường xuất phát từ phí giao dịch được tích lũy từ các trader tham gia giao dịch trên sàn và thường là các token quản trị. Tổng phần thưởng mà liquidity provider nhận được sẽ dựa trên tỷ lệ đóng góp của họ trong pool thanh khoản.

Các hệ sinh thái DeFi nổi bật

Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, DeFi không chỉ còn có thể tóm gọn trong một vài dự án được nữa, mà đã phân hóa và phát triển ở từng blockchain, tạo nên những hệ sinh thái khác nhau.

hệ sinh thái solana

Một số hệ sinh thái DeFi nổi bật hiện nay có thể kể đến như Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Near,…

hệ sinh thái near

Có nên đầu tư DeFi?

Tính đến năm 2022, tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) trong DeFi đã chạm ngưỡng $120 tỷ. Sự nổi tiếng của DeFi là nhờ việc loại bỏ sự tham gia của con người vào các dịch vụ tài chính, do đó giảm khả năng xảy ra sai sót. Nó cung cấp khả năng tiếp cận vốn rẻ hơn và mang lại cho bạn cơ hội kiếm được lợi nhuận nhanh và dễ dàng hơn. Rõ ràng là các khoản đầu tư DeFi có thể mang lại lợi nhuận cực cao, nếu bạn hiểu được rủi ro đi kèm với nó.

Bất chấp các tuyên bố của nó về "phi tập trung", những người đứng sau dự án DeFi hoặc nắm giữ token quản trị có thể thay đổi các quy tắc của dự án theo hướng không có lợi cho người dùng. Hơn nữa, không có bất kỳ chế tài xử lý nào (như với ngân hàng tập trung) trong DeFi. Điều đó có nghĩa là bạn có thể sẽ bị mất tất cả tiền của mình và không được pháp luật bảo vệ.

Trên thực tế, vào năm 2021, tổng cộng $1,3 tỷ đã bị mất vào các vụ lừa đảo DeFi.

Do vậy, nếu bạn muốn bắt đầu đầu tư vào các dự án DeFi, hãy luôn cẩn thận nghiên cứu và kiểm tra kỹ lưỡng dự án cũng như đội ngũ phát triển đứng sau nó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đầu tư vào một số ứng dụng phi tập trung (dApps) nổi tiếng và hoạt động tốt, chẳng hạn như Uniswap (có vốn hóa thị trường là $6,42 tỷ thời điểm hiện tại).

Ngoài ra, đầu tư vào các DeFi coin cũng là một sự lựa chọn phổ biến của nhiều trader. DeFi coin là các tài sản được sử dụng bởi các nền tảng DeFi.

Ví dụ: Coin nền tảng của Compound là COMP, trong khi của Maker là MKR và DAI. 

Và giống như bất kỳ loại tiền điện tử nào khác, DeFi coin có thể giao dịch được trên các sàn giao dịch, cho phép người dùng kiếm thêm lợi nhuận.

Tuy nhiên, tốt nhất là chỉ đầu tư vào DeFi coin với các trường hợp sử dụng thực tế, chẳng hạn như quản trị, staking,... Càng có nhiều tiện ích thì coin đó càng có giá trị.

Ví dụ: Token UNI từ Uniswap là token quản trị và có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. YFI cho phép người dùng tham gia yield farming trong hệ sinh thái Yearn. Có những trường hợp sử dụng như thế này sẽ góp phần thúc đẩy cầu của đồng coin đó - là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến giá của tài sản bên cạnh nguồn cung.

Nhược điểm của Defi

Ưu và nhược điểm của DeFi

Ưu điểm

Người dùng “thực sự” kiểm soát tài sản của mình

Bất cứ ai cũng có thể tạo và sử dụng các ứng dụng DeFi. Hợp đồng thông mjnh giúp loại bỏ sự can thiệp của bên thứ ba, điều này cho phép người dùng tương tác trực tiếp với tiền của họ.

Tối ưu tốc độ và chi phí

Việc sử dụng blockchain làm nền tảng công nghệ và loại bỏ các bên trung gian giúp tốc độ thực hiện các giao dịch và thanh toán trở nên nhanh chóng hơn, giảm bớt chi phí liên quan đến những hoạt động này.

Theo các số liệu của World Bank’s RPW và Deloitte, trong khi phí chuyển tiền trong hệ thống tài chính truyền thống có mức trung bình là 7%, thì đối với hệ thống tài chính phi tập trung, con số này chỉ là 3%.

Khả năng tiếp cận lớn hơn

Các ứng dụng DeFi được xây dựng trên nền tảng của các Blockchain, chúng là các mã nguồn mở. Vì vậy, việc nâng cấp, xây dựng và phát triển các ứng dụng DeFi tương đối dễ dàng. Đối với người dùng, chỉ cần kết nối internet và một chiếc smartphone, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính trên các dApp.

Nhược điểm

Khả năng mở rộng

Khi các giải pháp hầu hết chỉ được xây dựng trên ethereum do lượng người dùng khổng lồ, độ trễ kéo dài và chi phí giao dịch tốn kém. Điều này làm người dùng có số vốn nhỏ hầu như không thể tiếp cận.

Tính thanh khoản

Hiện tại, thanh khoản trong thị trường tài chính phi tập trung vẫn còn thấp. Trong khi đó, thanh khoản lại là vấn đề mấu chốt để định giá trong ngành tài chính. Do đó mà hầu hết các giao thức DeFi hiện không thể cạnh tranh với các đối thủ.

Lí do người dùng cung cấp thanh khoản cho dự án DeFi đa phần do những lời hứa trả thưởng hấp dẫn, nhưng điều này cũng là nguyên nhân khiến token dự án bị lạm phát gây ảnh hưởng nặng nề tới giá token.

Bảo mật

DeFi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tính bảo mật trong DeFi vẫn chưa thực sự được quan tâm nhiều so với tầm quan trọng của chúng.

Tổng kết

Việc có nên đầu tư vào DeFi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân bạn và khẩu vị rủi ro của bạn. Dù gì đi nữa, hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện các nghiên cứu của mình trước khi đầu tư. Hiểu những gì bạn đang đầu tư, đảm bảo rằng đội ngũ phát triển dự án đáng tin cậy và họ đang giải quyết một vấn đề tài chính thực sự là chìa khóa cốt lõi để thành công khi tham gia vào không gian DeFi còn rất non trẻ này.

RELEVANT SERIES