3 yếu tố có thể hạn chế sự phục hồi của Bitcoin
Ngày 30/5, Bitcoin khởi đầu tuần mới bằng nến tăng hơn 10% và tiến sát về vùng 32,500 USD. Tuy nhiên, phe bán đã xuất hiện và ép giá xuống dưới kháng cự này. Bên cạnh đó, những biến động đáng kể trong các thị trường truyền thống cũng có thể là yếu tố góp phần ảnh hưởng đến giá Bitcoin.
Lo ngại thiếu lương thực toàn cầu gia tăng
Nguồn cung cấp lương thực toàn cầu là yếu tố quan trọng nhưng dễ bị bỏ qua góp phần ảnh hưởng đến giá Bitcoin.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã đóng cửa các cảng biển và sân bay của họ. Điều này đã làm cắt đứt hoặc làm gián đoạn luồng hàng hóa lưu thông, góp phần làm tăng giá nguồn lương thực thực phẩm.
Tại Mỹ, trong 18 tháng qua, chi phí phân bón đã tăng theo cấp số nhân. Vào tháng 1/2021, chỉ số Giá phân bón đứng ở mức 78.83 USD. Sau 5 tháng, con số này tăng lên 255 USD (tăng 225%).
Giá cả hàng hóa lương thực tiếp tục tăng là yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng lạm phát. Đáng chú ý, tháng 2/2022, hợp đồng tương lai lúa mì (CBOT: ZW) đạt mức cao nhất mọi thời đại mới. Chỉ tính riêng trong năm 2022, nó đã tăng 78% và hơn 143% trong 18 tháng qua.
Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai dầu thô (NYMEX: CL) cũng tiếp tục tăng cao. Ngày 7/3, giá dầu thô đã đạt ATH ở 130.2 USD, tăng hơn 70% chỉ trong 2 tháng đầu năm.
Nhiều lo ngại từ phía các nhà giao dịch và nhà đầu tư rằng dầu có thể tăng vọt lên mức 150 USD / thùng sau khi Trung Quốc đóng cửa ngừng hoạt động.
Các sự kiện kinh tế có tác động lớn thị trường
Thị trường chứng khoán trên toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với áp lực đáng kể. Lạm phát gia tăng, chi phí hàng hóa tăng cao, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nhà đầu tư phải “phòng thủ”.
Theo đó, một số sự kiện kinh tế có tác động lớn đến thị trường chứng khoán lẫn crypto:
- Ngày 1/6, công bố dữ liệu thất nghiệp của Liên minh châu Âu được đưa ra cùng với quyết định lãi suất và dữ liệu sản xuất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
- Ngày 3/6, số liệu thất nghiệp của Mỹ và dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố.
Ngoài ra, 3 cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) là John Williams, James Bullard và Lael Brainard dự kiến sẽ có buổi phát biểu trong cùng khoảng thời gian trên.
Hành động giá Bitcoin
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Binance, Bitcoin đóng nến tuần ở mức 29,268 USD, đánh dấu 9 thanh nến giảm liên tiếp. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử giá BTC.
Ở khung tuần, BTC đã giảm mạnh về hỗ trợ 30,000 USD. Đồng thời, chỉ báo RSI sắp tiệm cận vùng quá bán (RSI<30). Đây là vùng cho thấy áp lực bán có thể sẽ suy yếu và nó sẽ nhường lại cho phe mua đẩy giá hồi phục.
Về nến, đến ngày 30/5, BTC chưa có tín hiệu tăng trưởng mạnh ngoài setup Bullish Pinbar với volume lớn. Điều này thể hiện áp lực mua ở quanh khu vực 25,000 - 29,000 USD rất lớn.
Theo đó, vùng hỗ trợ quan trọng trên khung Tuần vẫn chưa bị thủng vì nến đóng phiên ở trên vùng 30,000 USD.
Do đó, trong những tuần tới, nhà đầu tư có thể kỳ vọng BTC sẽ hồi phục nhẹ như mình đã phân tích ở bài trước, bạn có thể xem lại tại đây.
Tuy nhiên, ở khung ngày, chỉ báo Ichimoku lại cho tín hiệu giảm giá. Theo đó, vùng mây Kumo (cam) đi trước giá rất dày và đang đi xuống. Đáng chú ý, đây là vùng hợp lưu với kháng cự 32,500 USD của BTC.
Vì thế, nhiều khả năng BTC sẽ đảo chiều giảm trở lại khi tiến đến vùng này. Theo tín hiệu từ Ichimoku, trong thời gian tới, BTC có thể tiếp tục sideways hoặc giảm trở lại về 30,000 USD. Với kịch bản BTC breakout 32,500 USD sẽ rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.