Ấn Độ chuẩn bị thí điểm CBDC
Ngày 7/10, Reserve Bank of India (RBI), ngân hàng trung ương Ấn Độ, đề xuất kế hoạch thí điểm đồng rupee kỹ thuật số theo nhiều giai đoạn khác nhau.
Trong báo cáo (tại đây), RBI giới thiệu tầm nhìn về e-rupee, CBDC (tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương) của Ấn Độ trong tương lai. Nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu, từ Australia cho đến Mỹ, đang dành sự quan tâm lớn dành cho CBDC. Theo RBI, việc Trung Quốc cùng 16 quốc gia khác thí điểm CBDC đã thúc đẩy Ấn Độ có hướng đi tương tự.
RBI hy vọng e-rupee sẽ đi đầu trong trong trào CBDC và mang những chức năng đột phá. “CBDC là phát minh đầy triển vọng và mở ra bước tiếp theo trong quá trình phát triển hình thức tiền pháp định thế hệ mới”, theo báo cáo.
RBI dự định triển khai đồng e-rupee trong các đợt thí điểm giới hạn. Theo đó, e-rupee sẽ được phát hành bổ sung cùng với tiền giấy và đóng vai trò như giải pháp thay thế tiền mã hóa.
Ngân hàng trung ương cho rằng việc sử dụng tiền mã hóa không kiểm soát tiềm ẩn nguy cơ đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của Ấn Độ. Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ lo ngại các nhà quản lý sẽ gặp khó khăn khi xác định và điều chỉnh chính sách tiền tệ với sự xuất hiện của tiền mã hóa. Chính vì vậy, quốc gia này quyết định chuyển hướng sang CBDC.
“CBDC mang đến cho công chúng những lợi ích của tiền mã hóa. Trong khi đó, chúng bảo vệ người dùng bằng cách giảm thiểu những tác động kinh tế và xã hội do tiền mã hóa tư nhân gây ra”, RBI viết.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang xem xét phát hành hai phiên bản CBDC. Phiên bản đầu tiên dùng để thanh toán bán lẻ. Phiên bản còn lại hỗ trợ thanh toán chuyển khoản giữa các ngân hàng và giao dịch lớn. Qua đó, RBI tin rằng CBDC sẽ tạo điều kiện thanh toán hiệu quả và đáng tin cậy hơn.
RBI thừa nhận một số người dân có thể sẽ muốn đặt chế độ ẩn danh đối với các giao dịch nhỏ. Tuy nhiên, ngân hàng tuyên bố quyền riêng tư trong trường hợp này sẽ khá khó khăn.
“Tiền mã hóa ẩn danh có khả năng tạo điều kiện cho giao dịch bất hợp pháp. Vì vậy, CBDC khó lòng có được mức độ ẩn danh và riêng tư như tiền mặt hiện tại”, ngân hàng nhận định.
Chính phủ Ấn Độ lần đầu công bố kế hoạch ra mắt CBDC vào tháng 2. Họ tuyên bố công nghệ này sẽ mang lại tác động tích cực lớn cho nền kinh tế đất nước. Khác với tiền mã hóa, CBDC được quản lý và giám sát hoàn toàn bởi ngân hàng trung ương quốc gia. Bên cạnh đó, CBDC hoạt động tương tự như tiền pháp định và được cho là ít biến động giá hơn.
Không chỉ Ấn Độ, Mỹ cũng đang nỗ lực xúc tiến CBDC do lo ngại vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD bị lung lay. Trong năm 2022, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ ở nhiều khu vực, tiêu biểu là châu Phi. Ngoài ra, như MarginATM đưa tin (tại đây), trong tháng 9, nước này đã triển khai đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) ở 4 tỉnh lớn.
Về phía Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã cân nhắc triển vọng của đồng USD kỹ thuật số từ năm 2017. Tháng 6/2022, Jerome Powell, chủ tịch Fed, xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ sẽ gửi hướng dẫn cho Quốc hội về việc phát hành CBDC. Dù vậy, hiện chưa có kế hoạch chi tiết nào được hé lộ.
Đọc thêm: Nga dự định dùng CBDC cho các thỏa thuận với Trung Quốc.