Kiếm tiền ngay cả khi sống giữa khủng hoảng | John Templeton

Khi thị trường rơi vào khủng hoảng, đa số nhà đầu tư phản ứng bằng sự sợ hãi và tháo chạy. Tâm lý hoảng loạn khiến nhiều người bán tháo tài sản, bỏ lỡ cơ hội hồi phục mạnh mẽ sau đó. John Templeton từng nói:
“Người ta luôn hỏi tôi nên đầu tư ở đâu có triển vọng tốt, nhưng đó là câu hỏi sai.
Câu hỏi đúng là: Ở đâu tình hình đang tồi tệ nhất?”
Nhưng cụ thể là bằng cách nào?Làm sao để biến khủng hoảng thành cơ hội sinh lời?
John Templeton - Sở trường sống trong khủng hoảng
John Templeton (1912–2008) là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông được biết đến rộng rãi nhờ khả năng nhìn thấy cơ hội ở những nơi hầu hết mọi người chỉ thấy rủi ro. Năm 1954, ông sáng lập Templeton Growth Fund, một trong những quỹ đầu tư toàn cầu đầu tiên và thành công nhất thời bấy giờ.
Templeton theo đuổi phong cách đầu tư giá trị toàn cầu, tìm kiếm những cổ phiếu bị định giá thấp trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những thị trường bị bỏ quên hoặc đang khủng hoảng. Ông nổi tiếng với triết lý "mua khi người khác sợ hãi" và sẵn sàng đi ngược lại đám đông nếu thấy cơ hội đầu tư hợp lý.
Ông từng thực hiện nhiều thương vụ đáng chú ý trong bối cảnh thị trường hoảng loạn, tiêu biểu như:
- Năm 1939, khi Thế chiến II vừa bùng nổ, Templeton đã vay tiền mua 100 cổ phiếu của mỗi công ty niêm yết trên sàn NYSE đang giao dịch dưới 1 đô la – tổng cộng khoảng 104 công ty, kể cả những công ty đang phá sản. Hơn 100 trong số đó sau này tăng giá mạnh.
- Năm 1945, ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, ông mua cổ phiếu Đức khi nền kinh tế nước này vẫn chìm trong hoang tàn, trước khi nước Đức phục hồi thần kỳ.
- Những năm 1950–60, ông đầu tư mạnh vào thị trường Nhật Bản khi nền kinh tế này còn đang phục hồi sau chiến tranh và chưa được nhà đầu tư quốc tế chú ý. Khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận vượt trội.
Triết lý “Crisis Investing” - Khi khủng hoảng là cơ hội đổi đời
Crisis Investing - Đầu tư trong khủng hoảng là gì?
“Crisis Investing” là chiến lược đầu tư tập trung vào các thị trường hoặc tài sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng. Đó là thời điểm mà giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi sự bi quan và nỗi sợ hãi lan rộng.
Triết lý này đòi hỏi nhà đầu tư phải đi ngược đám đông, bỏ qua cảm xúc ngắn hạn để nhìn nhận giá trị dài hạn.
Như John Templeton từng nói, “Thời điểm tốt nhất để mua là khi máu đang chảy trên đường phố” – tức là khi mọi người đang bán tháo trong hoảng loạn, chính là lúc cơ hội thật sự xuất hiện.
Vì sao khủng hoảng lại là cơ hội?
Trong khủng hoảng, giá cổ phiếu thường bị bán tháo mạnh do tâm lý hoảng sợ, bất kể nền tảng của doanh nghiệp còn tốt hay không. Điều này tạo ra mức định giá hấp dẫn vượt trội so với thời điểm bình thường.
Khi kỳ vọng thị trường rơi xuống mức thấp nhất, chỉ cần doanh nghiệp thể hiện dấu hiệu hồi phục, giá cổ phiếu có thể bật tăng mạnh – mang lại lợi nhuận vượt trội so với mức rủi ro đã được “chiết khấu” vào giá.
Chính sự mất cân đối giữa cảm xúc và giá trị thực này tạo ra cơ hội đầu tư hiếm có cho những ai đủ kiên nhẫn và bản lĩnh.
Hai chiến lược đầu tư nổi bật của John Templeton trong khủng hoảng
Mua cổ phiếu giảm sâu tới 90%
Một trong những chiến lược nổi bật mà John Templeton áp dụng là mua cổ phiếu khi giá đã giảm sâu, đôi khi lên đến 90%.
Ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga vào năm 1998. Khi chính phủ Nga tuyên bố vỡ nợ, thị trường sụp đổ và nhiều cổ phiếu lớn mất tới 98% giá trị. Đây là lúc mà nhà đầu tư như Bill Browder của quỹ Hermitage Capital vẫn giữ vững niềm tin và tiếp tục đầu tư. Kết quả là, trong 5 năm sau đó, họ đã thu lời hàng trăm triệu USD.
Bài học rút ra từ chiến lược này rất đơn giản: Mua cổ phiếu khi chúng giảm giá mạnh.
Nếu bạn mua một cổ phiếu có giá trị thực là 100 USD nhưng hiện đang được giao dịch ở mức 2 USD (mức giảm 98%), chỉ cần cổ phiếu phục hồi về mức 10 USD (vẫn giảm 90%) thì bạn đã kiếm được 5 lần lợi nhuận. Điều này chứng tỏ sức mạnh của việc đầu tư vào những cổ phiếu bị bán tháo quá mức khi thị trường hoảng loạn.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đầu tư đừng áp dụng bất cứ thứ gì một cách máy móc. Một cổ phiếu, một đồng coin sau khi giảm 99% nó có thể sẽ giảm tiếp 99% nữa.
Vấn đề ở đây là việc một cổ phiếu, một đồng coin bị bán tháo nhưng giá trị nội tại của nó thực sự có và giá cả của cổ phiếu bị định giá rất thấp so với giá trị thực sự của nó. Đó mới là một món hời.
Bạn nhớ câu chuyện LUNA - Terra của Do Kwon chứ?
Tập trung vào cổ phiếu nhỏ, bị lãng quên
Một chiến lược khác của Templeton là đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ, bị lãng quên trong những thời điểm khủng hoảng. Theo nghiên cứu của công ty đầu tư Verdad, những cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có giá trị thấp và dòng tiền dương thường mang lại lợi nhuận vượt trội trong 12–24 tháng sau các cuộc khủng hoảng.
Các cổ phiếu này thường bị bán tháo mạnh mẽ trong giai đoạn khủng hoảng, chủ yếu do tâm lý sợ hãi chứ không phải vì yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Những cổ phiếu này có đặc điểm là giá trị thấp hơn so với các cổ phiếu tăng trưởng và có thanh khoản thấp, nhưng lại có dòng tiền dương (tức là có lợi nhuận thực tế). Chúng không phải là những cổ phiếu “ngôi sao” trong thị trường tăng trưởng, mà thường thuộc các ngành chu kỳ, dễ bị bán tháo trong giai đoạn khủng hoảng.
Tâm lý nhà đầu tư – Thách thức lớn nhất trong chiến lược đầu tư khủng hoảng
Việc áp dụng chiến lược “Crisis investing” của John Templeton không chỉ đơn giản là nắm bắt cơ hội thị trường, mà còn là thử thách lớn đối với tâm lý của nhà đầu tư. Dù bạn đã hiểu rõ chiến lược, việc dám hành động trong một thị trường đầy rẫy nỗi lo sợ và sự hoảng loạn lại là điều không dễ dàng.
Khi giá cổ phiếu lao dốc, các thông tin tiêu cực ngập tràn và tâm lý đám đông bị chi phối bởi sự bi quan, thì việc giữ vững niềm tin vào chiến lược đầu tư là một thử thách tinh thần lớn. Điều này yêu cầu nhà đầu tư phải có bản lĩnh vững vàng và kiên định trong những thời điểm khó khăn. “Crisis investing” không dành cho những ai dễ dao động, mà chỉ dành cho những người đủ can đảm để nhìn ra cơ hội trong khi người khác chỉ thấy rủi ro. Những người dám đứng vững trong cơn bão của thị trường chính là những người sẽ gặt hái được phần thưởng lớn trong tương lai.
Áp dụng chiến lược “Crisis Investing”: Hành động và chuẩn bị cho cơ hội
Để áp dụng chiến lược “Crisis investing” vào thực tế, nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ càng và có chiến lược rõ ràng. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn triển khai chiến lược này hiệu quả:
- Theo dõi danh sách cổ phiếu chất lượng: Trước khi thị trường điều chỉnh, bạn nên có một danh sách các cổ phiếu chất lượng cao mà bạn tin tưởng. Hãy tập trung vào các công ty có nền tảng tài chính vững mạnh và khả năng phục hồi tốt sau khủng hoảng. Khi thị trường lao dốc, đây là những cổ phiếu bạn cần theo dõi và sẵn sàng mua vào khi giá trị của chúng bị bán tháo quá mức.
- Kiểm tra yếu tố cơ bản: Trước khi đầu tư vào cổ phiếu trong thời kỳ khủng hoảng, hãy đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra kỹ các yếu tố cơ bản của công ty, như dòng tiền, mức độ nợ, và lợi thế cạnh tranh. Điều này giúp bạn đánh giá được khả năng của công ty trong việc vượt qua khủng hoảng và phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.
- Đầu tư theo chiến lược rõ ràng: Để thành công trong đầu tư khủng hoảng, bạn cần một chiến lược đầu tư rõ ràng và kỷ luật. Không nên chỉ hành động theo cảm xúc hay sự hoảng loạn của đám đông. Hãy đầu tư dựa trên phân tích và chiến lược đã được lên kế hoạch từ trước, kiểm soát cảm xúc và tránh bị cuốn vào sự sợ hãi.
- Kiên nhẫn và dài hạn: Cuối cùng, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng trong “Crisis investing.” Khủng hoảng không xảy ra liên tục, nhưng cơ hội luôn ẩn giấu trong đó. Hãy nhớ rằng, thị trường sẽ có lúc phục hồi, và khi đó, những nhà đầu tư kiên nhẫn sẽ gặt hái phần thưởng lớn. Hãy luôn chuẩn bị tâm lý để chờ đợi và tận dụng cơ hội khi nó đến.
Học cách đầu tư như Templeton – giàu không phải nhờ may mắn
John Templeton không chỉ nổi bật với khả năng phát hiện cơ hội đầu tư mà còn với khả năng kiên nhẫn vượt qua những giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường. Thành công của ông không đến từ việc chạy theo đám đông hay những quyết định vội vàng, mà từ việc dũng cảm đi ngược lại xu hướng chung khi mọi người sợ hãi.
Templeton đã chứng minh rằng đầu tư không chỉ là việc tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là khả năng chịu đựng và giữ vững niềm tin trong những thời khắc khó khăn nhất.
Lời khuyên của ông vẫn luôn là kim chỉ nam:
“Thành công lớn nhất không đến từ việc chạy theo đám đông, mà từ việc dũng cảm đi ngược lại.”
Đó chính là bí quyết tạo nên sự giàu có bền vững trong đầu tư.
Đọc thêm: Từng có kịch bản tương tự cách Trump đang làm với Mỹ.