Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Bandwagon là gì? Cách tránh hiệu ứng đám đông Bandwagon

Bandwagon là gì? Hiệu ứng Bandwagon có ứng dụng gì trong thực tiễn? Làm sao để tránh được những tác hại của hiệu ứng này?
Avatar
Sammie
Published May 06 2022
Updated Oct 30 2023
9 min read
thumbnail

Bạn đã từng gặp tình huống như thế này chưa: Khi chuẩn bị đầu tư vào một đồng coin nào đó, bạn không chỉ nghiên cứu về bản thân dự án mà còn xem các nhà đầu tư khác có đang mua nó hay không? Nếu bạn nhận thấy không có ai mua đồng coin đó, bạn sẽ quyết định không mua ngay cả khi cảm thấy dự án rất tiềm năng.

Nếu câu trả lời là có thì có thể, bạn đang gặp phải hội chứng đám đông Bandwagon. Vậy Bandwagon là gì? Hiệu ứng Bandwagon có ứng dụng gì trong thực tiễn? Cùng MarginATM tìm hiểu trong bài viết nhé!

Bandwagon là gì?

Bandwagon là một hiệu ứng tâm lý, theo đó mọi người làm điều gì đó chủ yếu là vì những người khác đang làm, bất kể các nguyên tắc cá nhân hay niềm tin của họ là gì. Nó bắt nguồn từ cụm từ "jump on the bandwagon", mọi người trở nên quan tâm, theo dõi hoặc làm theo, bắt chước một hành động gần đây đã trở nên phổ biến, thường là để được người khác chấp nhận hoặc công nhận.

Hiệu ứng Bandwagon thường thấy trong các lĩnh vực chính trị, hành vi tiêu dùng và đầu tư. Cụ thể, hiện tượng này có thể được nhìn thấy trong các thị trường tăng giá và sự phát triển của bong bóng tài sản.

Ví dụ: Một người mua 1 tài sản tiền điện tử nào đó vì thấy nhiều người cũng mua nó.

bandwagon là gì
Jump on the bandwagon

Xu hướng chạy theo đám đông một cách thiếu suy nghĩ đó có thể dẫn đến các hiện tượng tâm lý khác như suy nghĩ nhóm và hành vi bầy đàn. Những hành vi xã hội này có thể cản trở tư duy phản biện, cản trở tính khách quan và thúc đẩy sự thiên lệch nhận thức.

Lịch sử ra đời của hiệu ứng Bandwagon

Thuật ngữ “Bandwagon” lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19, dùng để chỉ đoàn tàu chở một ban nhạc trong một cuộc diễu hành. 

Vào những năm 1848, một nghệ sĩ giải trí nổi tiếng có tên là Dan Rice đã đi khắp đất nước để vận động cho ứng cử viên tổng thống khi đó là Zachary Taylor. Trong suốt thời gian đó, anh ấy đã biến ban nhạc của mình trở thành một phần quan trọng của chiến dịch vận động tranh cử và kêu gọi mọi người "jump on the bandwagon" - có nghĩa là nhảy lên đoàn tàu, để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Zachary Taylor. Và khi thấy có nhiều người lên đoàn tàu đó, những người khác cũng bắt đầu làm theo dù không biết chuyện gì đang xảy ra.  

Chiến dịch sau đó đã thành công rực rỡ và Zachary Taylor trở thành tổng thống thứ 12 của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, "bandwagon" của Dan Rice đã không kết thúc với chiến dịch Zachary Taylor. Chứng kiến ​​sự thành công của nó, các chính trị gia sau này đã bắt đầu sử dụng bandwagon trong các chiến dịch của họ và thuật ngữ "jump on the bandwagon" được sử dụng để yêu cầu mọi người thể hiện sự ủng hộ của họ cho một mục tiêu nào đó.

Ngày nay, "bandwagon" trở thành một từ mang tính chỉ trích để mô tả hiện tượng ai đó muốn trở thành một phần của đám đông kể cả khi họ không thực sự hiểu hay tin vào hành động, hiện tượng đó.

Ứng dụng của hiệu ứng Bandwagon

Hiệu ứng Bandwagon phát sinh từ các yếu tố tâm lý, xã hội và ở một mức độ nào đó là các yếu tố kinh tế. Mọi người thường có xu hướng thích ở trong một đám đông và không quá khác biệt so với những người khác.  

Hiệu ứng Bandwagon có thể xảy ra ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ thị trường đầu tư cho đến xu hướng quần áo hay thể thao,...

Chính trị

Trong chính trị, hiệu ứng Bandwagon có thể khiến công dân bỏ phiếu cho một người có vẻ được nhiều người ủng hộ hơn vì tâm lý muốn thuộc về đám đông.    

Hành vi tiêu dùng

Người tiêu dùng thường muốn tiết kiệm chi phí bằng cách thu thập thông tin và đánh giá chất lượng hàng hóa dựa trên ý kiến ​​và hành vi mua hàng của những người tiêu dùng khác. Ở một mức độ nào đó, đây là một khuynh hướng khá hữu ích: nếu sở thích và xu hướng tiêu dùng của đa số mọi người đều giống nhau, thì quyết định của họ chắc hẳn là hợp lý và họ có thông tin chính xác về chất lượng sản phẩm. Việc đi theo hướng dẫn của họ lúc này là hoàn toàn hợp lý và tiết kiệm chi phí hiệu quả.

Tuy nhiên, hiệu ứng Bandwagon cũng có thể tạo ra vấn đề ở chỗ nó tạo cho mọi người tiêu dùng tâm lý muốn mua những sản phẩm mà người khác đang quan tâm, chứ bản thân họ không thực sự cần nó.  

Ví dụ: Bạn có thể mua một chiếc điện thoại di động mới vì sự phổ biến của nó, kể cả khi điện thoại bạn đang dùng vẫn còn tốt và bạn chưa thực sự có nhu cầu đổi điện thoại.

bandwagon quảng cáo
Nhiều thần tượng quảng cáo sản phẩm khiến nhiều người mua và ưu tiên lựa chọn dù không quá đặc biệt thích.

Đầu tư và Tài chính

Các thị trường đầu tư và tài chính đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như kinh tế xã hội, tâm lý và thông tin ngoài lề. 

Ví dụ: Trong cơn sốt ICO vào năm 2017 - 2018, hàng chục dự án khởi nghiệp công nghệ đã được ra mắt mà không có kế hoạch kinh doanh khả thi, không có sản phẩm hoặc dịch vụ hay mục tiêu rõ ràng và trong nhiều trường hợp, không có gì khác hơn là một cái tên. Mặc dù thiếu tầm nhìn và phạm vi hoạt động, các dự án này vẫn thu hút hàng triệu đô la đầu tư phần lớn là do hiệu ứng Bandwagon.

Hiệu ứng Bandwagon đặc biệt phát triển mạnh khi các nhà đầu tư có tâm lý FOMO hoặc FUD. Điều này lại tạo thành một xu hướng không bền vững trên thị trường tài chính.

Do hiệu ứng Bandwagon, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận trong các lĩnh vực/dự án hiện đang là xu hướng, do có quá nhiều tiếng vang và sự phấn khích xung quanh chúng. Hoặc họ có thể vội vàng bán tháo tài sản khi nghe về một tin đồn tiêu cực nào đó và nhận thấy các nhà đầu tư xung quanh bắt đầu cắt lỗ. 

Dù tình huống là gì, các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung lại vì hiệu ứng Bandwagon. Điều thú vị là kết quả của việc chạy theo xu hướng này là các nhà đầu tư thường bị mua đỉnh - bán đáy. Nguyên nhân là bởi khi một tài sản không được mua dựa trên phân tích và logic, giá trị của chúng thường bị đánh giá sai.

Về cơ bản, hành vi này được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình của mọi người chứ không phải bởi chiến lược đầu tư và phân tích kỹ thuật.

Cách tránh hiệu ứng đám đông Bandwagon

Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn hiệu ứng Bandwagon nhưng bạn vẫn có thể ngăn ngừa chúng bằng cách kiểm soát cảm xúc của mình, tránh FOMO/FUD.

Benjamin Graham - người coi là cha đẻ của đầu tư giá trị, đã nói rằng "Ngay cả những nhà đầu tư giỏi nhất cũng cần một ý chí sắt đá để không chạy theo đám đông."

Để chống lại hiệu ứng Bandwagon cần rất nhiều sự dũng cảm. Rất khó để làm theo phương án A khi mọi người khác đang làm theo phương án B. Tuy nhiên, khi thị trường có sự xáo trộn, bạn nên dành thời gian bình tĩnh để suy nghĩ và cân nhắc đến chiến lược đầu tư mình đang theo đuổi. Vội vàng chạy theo số đông thường là bước khởi đầu của một hành trình đầu tư kém hiệu quả.

Tìm hiểu thêm 5 Cách vượt qua bẫy tâm lý FOMO, FUD.

Kết luận 

Các quyết định đầu tư luôn phải dựa trên phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật; chúng thường đáng tin cậy hơn là khuynh hướng đám đông. Mặc dù xem xét ý kiến của số đông là điều cần thiết, nhưng điều đó không nên là yếu tố quyết định cái mà bạn sẽ làm hoặc nên làm. Cuối cùng, bạn cần xây dựng một chiến lược đầu tư thích hợp và luôn tuân thủ nó trong mọi trường hợp.

Như vậy, MarginATM đã cùng bạn tìm hiểu qua về hiệu ứng Bandwagon và cách tránh hiệu ứng này. Nếu có thắc mắc gì hãy để lại bình luận cho MarginATM nhé!

RELEVANT SERIES