Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

ICO là gì? Cách tham gia ICO từ A - Z cho người mới

ICO là một khái niệm và cũng là một trong những hình thức đầu tư rất được săn đón. Vậy ICO là gì? Có nên đầu tư ICO không? Tìm hiểu ngay trong bài viết nhé!
Avatar
Sammie
Published Aug 29 2021
Updated Aug 06 2022
21 min read
thumbnail

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tiền điện tử, một khái niệm mới đã ra đời và nhanh chóng trở thành một trong những hình thức đầu tư rất được săn đón - Đó là ICO. Trong bài viết hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thông tin về ICO với các nội dung:

  • ICO là gì?
  • Vai trò của ICO.
  • ICO gồm những giai đoạn nào?
  • Tham gia ICO như thế nào?
  • Đầu tư ICO cần bao nhiêu tiền?
  • Những rủi ro và cơ hội khi đầu tư vào ICO.
  • Môt vài cách nhận biết các dự án tiềm năng.

ICO là gì?

ICO (Initial Coin Offering) nghĩa là đợt phát hành coin đầu tiên. ICO là một hình thức kêu gọi vốn đầu tư khá phổ biến của các dự án tiền điện tử. ICO thường được sử dụng bởi các dự án đang ở giai đoạn đầu, chưa phát triển đầy đủ nền tảng blockchain, sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Trong giai đoạn ICO, dự án sẽ phát hành một số lượng tiền điện tử nhất định (thường là token) và chào bán cho các nhà đầu tư để tạo tiền đề phát triển cũng như đánh giá giá trị dự án. Các token này có thể có một số tiện ích trong việc sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của dự án hoặc đại diện cho cổ phần trong dự án đó.  

ico là gì
ICO - Đợt phát hành coin đầu tiên

Tầm quan trọng của ICO

Trong thị trường tài chính truyền thống, các công ty nhỏ và công ty start-up khó có thể gia tăng nguồn vốn của mình nếu chưa hoàn thiện sản phẩm hay dịch vụ vì thiếu điều kiện khiến các quỹ đầu tư tin tưởng và xuống tiền.

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi tiền điện tử và công nghệ blockchain trở nên phổ biến hơn. ICO trở thành một phương pháp rất hiệu quả để tăng vốn và gây quỹ cho dự án so với các phương pháp truyền thống. Đối với các dự án mới và các dự án start-up, nó cho phép họ huy động vốn nhanh chóng và dễ dàng dựa trên một ý tưởng có thể đã được hoặc chưa được thử nghiệm trên thị trường. 

Bên cạnh đó, ICO giúp các dự án loại bỏ các bên trung gian khỏi quá trình huy động vốn và tạo ra các kết nối trực tiếp giữa nhóm nhà phát triển và các nhà đầu tư.

Một lý do khác nữa là chi phí thực hiện một đợt ICO thấp hơn đáng kể so với các phương pháp thông thường. Điều này có thể là do ICO thường được diễn ra trực tuyến.

Các giai đoạn của một dự án ICO

các giai đoạn ico
Các giai đoạn ICO

Giai đoạn 1: Xác định mục tiêu đầu tư

Mọi ICO đều bắt đầu với ý định huy động vốn của đội ngũ phát triển dự án. Dự án xác định các mục tiêu cho chiến dịch gây quỹ của mình và tạo các tài liệu liên quan, cụ thể là whitepaper và website cho các nhà đầu tư tiềm năng. Trong đó phác thảo nội dung của dự án, nhu cầu dự án sẽ đáp ứng khi hoàn thành, cần bao nhiêu tiền, số lượng token mà những người sáng lập sẽ nắm giữ, loại coin nào sẽ được chấp nhận để thanh toán và chiến dịch ICO sẽ chạy trong bao lâu.

Giai đoạn 2: Tạo token

Bước tiếp theo trong quy trình ICO là tạo ra các token. Về cơ bản, các token đại diện của quyền quản trị hoặc tiện ích trong dự án. Các token này thường là fungible token và có thể giao dịch.

Không giống như cổ phiếu, các token thường không cung cấp cổ phần trong nhóm phát triển dự án. Thay vào đó, hầu hết các token cung cấp cho chủ sở hữu một số cổ phần/quyền hưởng một phần lợi nhuận thu được từ sản phẩm hoặc dịch vụ do dự án tạo ra.

Quá trình tạo token tương đối đơn giản vì dự án không bắt buộc phải viết token từ đầu như khi tạo ra một đồng coin mới. Thay vào đó, dự án có thể copy contract của chuẩn token của blockchain họ chọn và sửa những chỗ cần thiết. 

Ví dụ: Ethereum cho phép tạo ra các token mới với các sửa đổi nhỏ trên contract chuẩn ERC-20.

Giai đoạn 3: Thực hiện các chiến dịch quảng cáo

Đồng thời với giai đoạn tạo token, dự án thường thực hiện các chiến dịch quảng cáo, trình bày ý tưởng dự án để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Thường các chiến dịch được thực hiện trực tuyến để đạt được phạm vi tiếp cận nhà đầu tư rộng nhất. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, một số nền tảng trực tuyến lớn như Facebook và Google đã cấm quảng cáo ICO. 

Do đó các nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin ICO trên các kênh truyền thông và các diễn đàn đầu tư lớn như icoinfo.net, coinschedule.com, cointelegraph.com,…

Giai đoạn 4: ICO

Sau khi tạo ra các token và thu hút được một cộng đồng nhà đầu tư nhất định - những người quan tâm và ủng hộ dự án, các token sẽ được bán ra cho các nhà đầu tư. Việc chào bán có thể được thực hiện thành nhiều đợt gọi là crowdsale.

Sau khi kết thúc ICO, nếu số tiền huy động được không đáp ứng được số tiền tối thiểu mà dự án yêu cầu, số tiền đó có thể được trả lại cho những người ủng hộ. Lúc này, ICO sẽ được coi là không thành công.  

Nếu các yêu cầu tài trợ được đáp ứng trong khoảng thời gian quy định, số tiền huy động được sẽ được sử dụng để theo đuổi các mục tiêu của dự án.

Cách tham gia ICO

Mỗi dự án khi thông báo ICO cũng sẽ có hướng dẫn tham gia đi kèm. Tuỳ vào cách thức tổ chức của từng dự án mà cách tham gia dự án cũng khác nhau. Dưới đây là một vài bước cơ bản để tham gia ICO dành cho bạn.

Bước 1: Tìm kiếm dự án ICO tiềm năng

Hiện nay có rất nhiều dự án ICO diễn ra từng ngày trên thị trường crypto, mỗi dự án đều có tiềm năng lợi nhuận cũng như rủi ro khác nhau. Một số công cụ hỗ trợ tìm kiếm dự án ICO bạn có thể tham khảo như ICObench, ICOdrop,… hay các diễn đàn đầu tư như icoinfo.net, coinschedule.com, cointelegraph.com,…

Sau đó, bạn cần phải đánh giá tiềm năng của dự án thông qua những tiêu chí như: ý tưởng của dự án, lộ trình phát triển, đội ngũ phát triển,… Hoặc bạn cũng có thể xem đánh giá trên các website như CoinSchedule, CrytoSmile,… để có thể lựa chọn được những dự án tiềm năng nhất, tránh các dự án lừa đảo.

Bước 2: Đăng ký ICO thông qua website của dự án

Các dự án ICO hợp pháp đều có website riêng biệt để giới thiệu về dự án, các mục tiêu, nguồn vốn cần thiết và các giai đoạn tiến hành dự án. Bạn có thể đăng kí tham gia dự án ICO tại chính website này.

Hãy cẩn thận với các chiến dịch ICO không yêu cầu đăng ký tham gia. Mặc dù vẫn có những dự án hợp pháp không đòi hỏi điều này nhưng với hầu hết các ICO tiềm năng và đáng tin cậy, các nhà đầu tư luôn phải đăng ký.

ico là gì 1
Đăng ký ICO thông qua website của dự án

Bước 3: Chuẩn bị phương tiện thanh toán và mua ICO

Mỗi dự án sẽ có quy định về đồng tiền thanh toán khác nhau nhưng thường là Bitcoin, Ethereum hoặc fiat. Hãy chuẩn bị đủ số lượng tiền cần thiết để tham gia mua token ICO.

Có rất nhiều cách thức mua ICO, tuy nhiên mua ICO trực tiếp qua các website của dự án là phương thức phổ biến nhất. Để mua ICO, bạn có 2 cách như sau:

  • Nạp tiền vào tài khoản dự án trên website, chờ ICO mở bán thì đăng nhập vào rồi mua.
  • Giữ tiền trong ví riêng của bạn. Khi ICO mở bán, bạn log in vào tài khoản trên website, lấy địa chỉ ví nhận tiền để chuyền tiền mua ICO vào. Hãy lưu ý địa chỉ ví phải tương thích với đồng coin thanh toán nhé.

Bước 4: Nhận token ICO

Sau khi kết thúc thời gian ICO, token sẽ được chuyển vào địa chỉ ví tiền điện tử bạn đã dùng để mua hoặc cập nhật trong tài khoản dự án. 

Nếu điều này chưa được thực hiện ngay sau khi kết thúc ICO, bạn cũng không cần quá lo lắng. Tùy thuộc vào các chiến dịch cụ thể mà token có thể được nhận ngay lập tức hoặc sau vài tuần, vài tháng và thậm chí là lâu hơn. Vì vậy bạn hãy thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin và kết nối với các nhà đầu tư khác để nắm được thời gian trả token nhé.

ico là gì 2
Nhận token ICO sau khi kết thúc thời gian

Đầu tư ICO cần bao nhiêu tiền?

Số tiền tối thiểu để đầu tư ICO tùy thuộc vào từng dự án cụ thể. Nó có thể dao động từ $10 đến $100 hoặc 0,02 ETH đến 1 ETH. 

Một số dự án sẽ không giới hạn số lượng token tối đa bạn có thể mua. Nhưng với các dự án được quá đông nhà đầu tư quan tâm, để đảm bảo nhiều nhà đầu tư sẽ mua được token nhất, họ có thể sẽ giới hạn số lượng tối đa.

Thông thường, các thông tin này sẽ được ghi trong Whitepaper hoặc trên website của dự án, bạn hãy chú ý nhé.

Hãy nhớ rằng, chỉ đầu tư số tiền bạn sẵn sàng để bị mất. Những lần tăng và giảm giá đối với token của bạn sẽ được tạo ra bởi nhu cầu thị trường chứ không phải hoàn toàn do sự thành công của sản phẩm thực tế. Thành công của sản phẩm đã trải qua ICO sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận tốt trong thời gian dài hơn nhưng sẽ không bao giờ có thể chắc chắn mang lại lợi nhuận x100 trong vài tháng.

Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào ICO

Cơ hội

  • Lợi nhuận cao: Các nhà đầu tư ban đầu trong một đợt ICO thường có mua token với hy vọng rằng dự án sẽ thành công trong tương lai sau khi nó ra mắt. Nếu điều này xảy ra, giá trị của các token họ đã mua trong ICO sẽ tăng cao hơn giá ban đầu và họ sẽ đạt được lợi nhuận. Đây chính là cơ hội lớn nhất ICO mang lại: tiềm năng thu được lợi nhuận rất cao. Trong lịch sử, đã có khá nhiều người trở thành triệu phú chỉ sau 1 đêm nhờ các dự án ICO. Ví dụ như Ethereum và Ripple.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Đầu tư vào ICO cũng là một phương pháp để đa dạng hóa danh mục đầu tư. ICO mang lại cơ hội để nhà đầu tư sở hữu những token mới, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai với chi phí thấp.
  • Tiện ích: Các token được phát hành thông qua các đợt ICO có thể đi kèm với nhiều lợi ích bổ sung khác như quyền bỏ phiếu và quản trị, nhận được một phần lợi nhuận từ dự án hoặc quyền truy cập đặc biệt vào các sản phẩm và dịch vụ dự án cung cấp.

Rủi ro

  • Rủi ro lừa đảo: Vì hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể cho ICO, rất nhiều kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này để tạo ra các dự án ảo, không có giá trị nhằm trục lợi. Nếu chẳng may đầu tư vào những dự án ICO kiểu này, nhà đầu tư có thể sẽ mất hết tiền và không được pháp luật bảo vệ.
  • Rủi ro trách nhiệm: Vì không có bất cứ quy định nào về điều kiện tiến hành, phần lớn các dự án ICO hiện này đều chưa hoàn thiện, chưa có nền tảng blockchain, chưa có sản phẩm hoặc đã có nhưng chưa đưa ra thị trường. Dự án có thể chỉ đưa ra Whitepaper với những lời giới thiệu tổng quan và hứa hẹn những gì sẽ làm được trong tương lai.

Điều đó có nghĩa là đội ngũ phát triển dự án có thể treo nó ở đó hàng năm trời không thực hiện hoặc ngừng dự án bất cứ lúc nào. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư bị bỏ lại phía sau và gây thiệt hại về vốn.

  • Rủi ro do quy định từ một số quốc gia: Sự gia tăng chóng mặt của các ICO trong năm 2017 đã thu hút phản ứng dữ dội từ một loạt các tổ chức chính phủ và phi chính phủ vào đầu tháng 09/2017. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã chính thức cấm sử dụng token làm tiền tệ và cấm các ngân hàng cung cấp các dịch vụ liên quan đến ICO, coi chúng là phản tác dụng đối với sự ổn định kinh tế và tài chính. Tất cả các dự án ICO trước lệnh cấm này cũng bị hủy bỏ.

Cách đánh giá dự án ICO tiềm năng

cách đánh giá dự án ico
Đánh giá tiềm năng dự án ICO trước khi tham gia

Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến tiềm năng tương lai của 1 dự án ICO như giải pháp và công nghệ dự án mang lại, đội ngũ sáng lập, ban cố vấn, mức độ truyền thông, sự quan tâm của cộng đồng,...

Dưới đây chỉ là một vài yếu tố cơ bản để bạn đánh giá một dự án ICO có tiềm năng hay không.

Whitepaper

Whitepaper chắc chắn là thứ đầu tiên bạn cần xem xét khi đánh giá tiềm năng của một dự án ICO. 

Một Whitepaper của một dự án tốt thường sẽ cung cấp một lời giải thích thuyết phục cho mục đích của dự án. Dự án này được tạo ra trên nền tảng blockchain để làm gì? Nhằm giải quyết vấn đề gì? Có ưu điểm gì vượt trội so với các dự án nhắm tới mục tiêu tương đồng? Token của dự án dùng để làm gì?

Các Whitepaper không giải thích được đầy đủ hoặc không cung cấp chi tiết về mục tiêu và sự cần thiết của dự án đều đáng nghi ngờ.

Ngoài ra, Whitepaper cần phải chứa các điều khoản và điều kiện cho ICO. Cụ thể, nó cần cung cấp một giải thích chi tiết về thời gian, cách thức và phương pháp phân phối token. Dấu hiệu tốt là khi việc phân phối token được liên kết với lộ trình phát triển của dự án, vì mỗi giai đoạn đều cần một số tiền nhất định.

Bạn cũng cần lưu ý tới thời gian lock và unlock token dành cho các nhóm khác ngoài cộng đồng như đội ngũ phát triển, đội ngũ cố vấn,... Thông thường, thời gian khóa token của các nhóm này càng dài thì càng thể hiện được tính cam kết và sự quyết tâm vì tiềm năng lâu dài của dự án từ đội ngũ phát triển.

Website dự án, cộng đồng và truyền thông

Chắc chắn đa số chúng ta sẽ có cảm giác tin tưởng nếu website của một dự án ICO được thiết kế chuyên nghiệp và đẹp mắt. Tuy nhiên một dự án lừa đảo hoặc tiềm năng kém cũng hoàn toàn có khả năng thuê một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp để làm điều này.

Những yếu tố khác quan trọng hơn bạn cần xem xét như:

  • Kiểm tra domain (tên miền) của website dự án được đăng ký bởi ai? Có ẩn danh không? Domain đó được đăng ký khi nào và trong thời gian bao lâu?
  • Kiểm tra lưu lượng truy cập (traffic). Nguồn traffic đến từ đâu?
  • Cộng đồng của dự án có bao nhiêu người theo dõi? Mức độ quan tâm như thế nào?
  • Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá dự án như thế nào?

Để một dự án có thể tiến xa trong tương lai đòi hỏi cộng đồng người dùng đứng sau phải thực sự mạnh mẽ. Mặt khác, bạn cũng nên để ý đến chương trình Bounty nhận thưởng mà dự án đã và đang triển khai. Mức độ quan tâm của cộng đồng sẽ phần nào cho biết dự án đó có tiềm năng hay không.

Dưới đây là một số công cụ để bạn tham khảo:

  • CoinMarketCap: Trang này cung cấp cho bạn thống kê coin và lịch ICO.
  • Bitcointalk: Đây là một forum chuyên thảo luận về tiền điện tử và các dự án ICO với rất đông nhà đầu tư trong và ngoài Việt Nam tham gia.
  • CryptoRate: Trang web này cung cấp các bài viết đánh giá dự án ICO, lịch ICO,…
  • HypeStat: Đây là một công cụ đa chức năng, có thể cung cấp cho bạn một rất nhiều thông tin liên quan đến 1 website như tổng lưu lượng truy cập hàng ngày, nguồn từ quốc gia nào, doanh thu từ quảng cáo là bao nhiêu,…
  • ScamAdviser: Trang này cung cấp cho bạn độ tuổi của website, tốc độ web, giá trị web hiện tại, chủ sở hữu, nguồn server,…
  • SimilarWeb: Trang web này cung cấp cho bạn các thông tin về tổng lượt truy cập vào website từ các quốc gia, thống kê nước truy cập nhiều nhất và số lượng.

Đội ngũ phát triển, ban cố vấn của dự án và đối tác chiến lược

Đây cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để đánh giá một dự án ICO.

Dưới đây là một số thông tin bạn cần quan tâm:

  • Ban sáng lập dự án gồm những ai? Họ có tên tuổi hay kinh nghiệm hay đã từng tham gia các dự án tiềm năng nào khác không? Có những thành tựu gì không?
  • Ban cố vấn dự án gồm những ai? Kinh nghiệm chuyên môn của họ?
  • Dự án đến từ quốc gia nào?
  • Công ty/tập đoàn nào đứng sau dự án?
  • Các đối tác chiến lược của dự án gồm những ai? Họ có tiếng tăm gì không? Có mối quan hệ hợp lý với dự án trên phương diện đôi bên cùng có lợi không?

​Roadmap (Lộ trình phát triển)

Khi nhìn vào roadmap của một dự án, chúng ta cần phải quan tâm đến:

  • Tầm nhìn của dự án xa đến đâu?
  • Roadmap này có hợp lý và khả thi hay không?

Nếu như tầm nhìn của dự án quá ngắn thì chắc chắn dự án sẽ không thể đi xa được. Còn một kế hoạch không khả thi thì sẽ rất khó để trụ vững và thành hiện thực.

Nếu dự án thất bại, niềm tin của nhà đầu tư sẽ biến mất, nhu cầu sử dụng token cũng không còn. Tất nhiên đây sẽ là viễn cảnh không hề tươi sáng cho khoản đầu tư của bạn.

Ngược lại, một tầm nhìn dài hạn, một kế hoạch hợp lý và khả thi sẽ hứa hẹn khả năng thành công và lợi nhuận tiềm năng cao hơn nhiều.

Môi trường chính trị xã hội

Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra luật lệ để hạn chế tối đa những dự án ICO scam, tạo điều kiện thuận lợi cho những ICO đáng tin cậy lên ngôi, giúp bạn có thể sàng lọc những dự án chất lượng.

Tháng 12/2017, Trung Quốc đã cấm các hoạt động phát hành lần đầu (Initial Coin Offerings - ICOs) tại một cuộc đấu thầu để bảo vệ các nhà đầu tư và hạn chế các rủi ro tài chính. Các nguyên tắc ICO cũng đã cấm các nền tảng giao dịch tiền ảo chuyển đổi đồng tiền pháp định thành tiền ảo và ngược lại. Đồng thời cũng cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán cung cấp dịch vụ cho các hoạt động ICO và tiền ảo. Bao gồm các dịch vụ mở tài khoản, đăng ký, mua bán, thanh toán và thanh khoản.

Kể từ ngày 13/11/2017, Cơ quan quản lý Thị trường Chứng khoán (Securities Market Authorities) của Liên minh châu Âu đã yêu cầu tất cả những công ty có liên quan đến các bên dự án ICO phải đáp ứng tất cả các quy định và yêu cầu theo luật định được đưa ra.

Tại Canada, ICO và Altcoin là một dạng của chứng khoán. Đồng nghĩa với việc những dự án này có thể phải tuân thủ các quy định hiện hành về chứng khoán trước đó.

Tại Mỹ, ICO được xem là hợp pháp nhưng đi kèm với những biện pháp quản lý chặt chẽ và với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng bang. Ngoài ra các ICO sẽ phải đăng ký thông qua SEC nếu những ICO đó được xem là chứng khoán. Bên cạnh đó, tất cả các ICO cũng được yêu cầu phải tuân thủ AML / KYC.

Xem thêm: Research dự án theo portfolio Quỹ đầu tư - Lần theo dấu chân "người khổng lồ".

Kết luận

Có thể nói, tiền điện tử đang là xu hướng đầu tư rất tiềm năng và chỉ mới phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trong đó, ICO là một hình thức được nhiều nhà đầu tư lựa chọn vì tính chất siêu lợi nhuận mà nó mang lại. Tuy nhiên, khi đầu tư vào bất kỳ dự án ICO nào, bạn cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tối đa lợi nhuận và hạn chế tối thiểu những rủi ro mang lại.

RELEVANT SERIES