BTC phản ứng tích cực, vượt ngưỡng $40,000 sau khi Fed tăng lãi suất
Cuộc họp tăng lãi suất của Fed và những điểm đáng chú ý
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 nhằm nỗ lực kiềm chế tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng liên tục chạm đỉnh mới do sự mất cân bằng cung cầu và giá năng lượng tăng cao.
Theo một tuyên bố trong cuộc họp ngày 16 tháng 3 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã tăng phạm vi đối với lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản phù hợp với kỳ vọng của thị trường, giao động trong khoảng 0.25% - 0.5% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những cuộc họp tới của năm 2022.
Trên thực tế, Ủy ban đã họp trong hai ngày qua 15 và 16 để thảo luận về các chiến lược mà Fed có thể thực hiện nhằm điều chỉnh chỉ số lạm phát quay trở lại trong phạm vi 2% vì chỉ số này đã vượt xa mục tiêu đó trong hơn một năm qua. Thậm chí, chỉ số CPI của Hoa Kỳ đã tăng cao chóng mặt, lập kỷ lục mới ở mốc 7.9% - cao nhất trong 40 năm qua.
Ngoài việc tăng lãi suất, Fed cũng sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán với những dự kiến công bố các biện pháp cụ thể để giảm lượng tài sản nắm giữ trong cuộc họp tới. Điều này được tiết lộ từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell trong một cuộc họp báo sau công bố tăng lãi suất của FOMC.
Powell nhấn mạnh ủy ban tự tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ thích ứng được với các chính sách tiền tệ mà cơ quan này đưa ra. Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng cuộc chiến Nga-Ukraine hiện tại có thể dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao và giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang trong thời gian ngắn hạn. Powell cho biết:
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% nhưng có khả năng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến trước đây. Không ai biết chắc chắn nền kinh tế sẽ ở đâu trong một năm hoặc lâu hơn nữa kể từ bây giờ."
Powell giải thích rằng theo quan điểm của mình không có khả năng Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái tài chính vì những các quan chức tham gia vào cuộc họp của FOMC đều tiếp tục dự đoán về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Phản ứng của thị trường crypto và chứng khoán sau cuộc họp của Fed
Sau quyết định tăng lãi suất của Fed, các thị trường tài chính trên toàn cầu đã ghi nhận tín hiệu tích cực và tăng trở lại sau nhiều ngày biến động liên tục. BTC, Nasdaq và S&P 500 đều đã phản ứng tích cực với quyết định tăng lãi suất của Fed vào rạng sáng ngày 17 tháng 3 (giờ Việt Nam).
Trong khi chứng khoán giảm ngay sau khi tăng lãi suất, thì sau đó các con số đã tăng trở lại, với chỉ số S&P 500 tăng 2.24% trong ngày, Nasdaq tăng 3.77% trong khi Dow tăng 1.55%.
Ngoài các chỉ số chứng khoán, thị trường crypto cũng chứng kiến dấu hiệu phục hồi của các đồng coin mang lại tin mừng cho các nhà đầu tư. Toàn bộ màu xanh đã được phủ lên không gian tiền điện tử với cú pump của nhiều loại tiền điện tử.
Trong đó, đồng tiền vua đã chứng kiến cú tăng vọt lên 4.4%, hiện được giao dịch với mốc giá $40,966. Ngoài ra Ethereum cũng phục hồi lên mức $2.759, tăng 5.3% trong 24h qua.
Mức tăng lãi suất như kỳ vọng đã đẩy các loại tiền điện tử cả Bitcoin và altcoin đồng loạt tăng cao cũng như sự trở lại của các trader.
Vấn đề lãi suất là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư bởi sự tác động lớn của nó đến hầu hết tất cả các thị trường tài chính. Vì vậy, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khiến chỉ số tham lam sợ hãi ngay lập tức tăng lên 27.
Nhận định
Tuy thị trường crypto đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại song sự điều chỉnh tích cực này có được duy trì bền lâu hay không. Bởi tình hình chính trị giữa Nga & Ukraine vẫn chưa được giải quyết trong êm đẹp hoàn toàn, điều này có thể dẫn đến những mối lo ngại do chiến tranh tiếp tục gây ra tổn thất cho nền kinh tế. Trong đó các thị trường tài chính cũng phải "chịu trận" nhiều pha biến động mạnh mẽ, thậm chí là nhiều cú lao dốc đẫm máu.
Liệu Bitcoin có tiếp tục tăng và sẽ mất bao lâu nữa để đồng tiền vua có thể tiến gần mốc ATH cũ $69,000? Biến động nào sẽ xảy ra với BTC khi các hợp đồng quyền chọn sẽ đáo hạn vào ngày 18 tháng 3? Đó là sự "lên ngôi" của phe bò hay gấu? Hãy cùng chờ đón xem nhé!
Đọc thêm: Công ty mẹ của MetaMask gọi vốn 450 triệu đô, Hex Trust huy động 88 triệu đô