BlackRock, Grayscale, Bitwise gấp rút cập nhật hồ sơ 19B-4 cho quỹ Ethereum ETF
Sau Fidelity, tới lượt BlackRock, Grayscale và Bitwise điều chỉnh hồ sơ xin niêm yết Ethereum ETF lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Được biết, SEC đã yêu cầu các quỹ xin niêm yết Ethereum ETF chỉnh sửa mẫu đơn 19b-4* trong hồ sơ xin niêm yết của mình. Việc SEC yêu cầu các nhà phát hành ETF cập nhật mẫu đơn 19b-4 cho thấy họ đang xem xét nghiêm túc khả năng chấp thuận các quỹ Ethereum ETF.
*Mẫu đơn 19b-4 là một loại hồ sơ mà các tổ chức tự quản lý (Self-Regulatory Organization - SRO), bao gồm các sàn giao dịch chứng khoán, phải nộp lên SEC khi muốn thay đổi quy tắc giao dịch.
Các bản hiệu chỉnh từ ba nhà quản lý quỹ đều loại bỏ việc staking ETH, vốn được cho là sẽ gây trở ngại đến việc SEC phê duyệt hồ sơ niêm yết Ethereum ETF giao ngay.
Trong tuần qua, Fidelity cùng nhiều công ty quản lý tài sản như VanEck, Franklin Templeton cũng đã loại bỏ kế hoạch staking ETH trong bản sửa đổi mẫu đơn 19b-4 lên SEC. Depository Trust and Clearing Corporation (DTCC) cũng đã bắt đầu niêm yết Ethereum ETF của VanEck (ETHV) lên website của mình, khiến sự lạc quan đối với việc các quỹ Ethereum ETF sẽ được phê duyệt tăng cao.
Tuy nhiên, các nhà phát hành quỹ vẫn phải được SEC chấp thuận mẫu đơn S-1* để có thể chính thức công bố các quỹ đến công chúng. Theo chuyên gia ETF James Seyffart của Bloomberg, các quỹ Ethereum ETF vẫn cần một thời gian nữa mới tới được với công chúng.
*Mẫu đơn S-1 là một loại hồ sơ đăng ký mà các công ty phải nộp cho SEC khi muốn phát hành chứng khoán mới lần đầu tiên (IPO) hoặc niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Vào ngày 21/05, trong cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật mới của Hạ viện Mỹ, các nhà lập pháp Hạ viện đã thông qua dự luật FIT21 (Đạo luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ cho Thế kỷ 21) với kết quả 279-136.
Dự luật FIT21 tiếp tục được Thượng viện thông qua và trở thành luật, tầm ảnh hưởng của SEC đối với thị trường crypto cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi phải chia sẻ quyền hành với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Cụ thể, dự luật đề xuất cơ chế quản lý kép giữa Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Theo đó, CFTC sẽ có quyền quản lý đối với các token được coi là hàng hóa (commodity), bao gồm cả thị trường giao dịch giao ngay.
SEC vẫn sẽ tiếp tục quản lý các loại token được coi là chứng khoán (security), tuy nhiên FIT21 cũng sẽ tạo điều kiện cho các token được SEC quản lý giao dịch dưới dạng hàng hóa nếu đáp ứng các tiêu chí phi tập trung nhất định.
Dự luật FIT21 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Chủ tịch SEC Gary Gensler. Ông cho rằng dự luật này tạo ra "những lỗ hổng pháp lý mới" và đe dọa sự ổn định của thị trường vốn.
Ngoài ra, phía Nhà trắng cũng tỏ ra phản đối về dự luật, nhưng sẽ không phủ quyết nếu dự luật được phía Thượng viện thông qua. Thay vào đó, Nhà trắng sẽ hợp tác với Quốc hội để thực hiện những bổ sung cần thiết.
Mặc dù vậy, đây vẫn được xem là chiến thắng bước đầu cho cộng đồng crypto. Brian Armstrong, CEO của Coinbase, gọi đây là "một chiến thắng toàn diện" và là bước tiến quan trọng trong việc thiết lập các quy tắc rõ ràng cho crypto. Jake Chervinsky, giám đốc pháp lý của Variant Fund, cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng đây là một phiếu bất tín nhiệm đối với SEC hiện tại.
Đọc thêm: 5 Điều bạn cần biết về Ethereum ETF Spot