Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Cẩn trọng khi nghe câu "Lần này sẽ khác"

Nhiều người mất tiền không phải vì thiếu kiến thức, mà vì dính bẫy tâm lý, hành động sai lúc. Bài viết này sẽ bóc trần 7 sai lầm khiến bạn tự “đạp đổ” kế hoạch đầu tư của mình.
Quang Võ
Published Jun 23 2025
13 min read
thumbnail

Đầu tư là một hành trình dài, và không ít người bước vào thị trường với tâm thế nghiêm túc, có kế hoạch rõ ràng. Nhưng thực tế cho thấy: nhiều nhà đầu tư mất tiền không phải vì thiếu hiểu biết, mà vì để cảm xúc chi phối, bị thông tin nhiễu dẫn dắt hoặc hành động sai thời điểm.

Chúng ta thường tự đánh bại mình bằng những quyết định vội vàng, thiếu kỷ luật — đặc biệt trong lúc thị trường biến động. Mất tiền không chỉ đến từ việc thị trường giảm, mà còn từ những cái bẫy tâm lý tưởng chừng vô hại. Trong bài viết này, hãy cùng nhận diện 7 sai lầm phổ biến nhất mà nhà đầu tư đang mắc phải — và cách tránh rơi vào chúng.

Cố gắng "canh đúng đáy" hoặc "thoát trước đỉnh" (Timing the market)

Nghe có vẻ hấp dẫn khi nghĩ đến việc mua ở đáy và bán ra ở đỉnh. Nhưng trong thực tế, việc cố gắng đoán đúng thời điểm vào hoặc ra khỏi thị trường thường dẫn đến hành động sai lúc, bỏ lỡ cơ hội sinh lời hoặc thậm chí làm hỏng kế hoạch đầu tư dài hạn.

Lịch sử cho thấy, các đợt điều chỉnh là chuyện thường xuyên xảy ra. Từ năm 1980 đến nay, chỉ số S&P 500 giảm từ 5% trở lên trong 93% các năm, và giảm từ 10% trở lên trong gần một nửa số năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trung bình mỗi năm vẫn đạt khoảng 13% (tính cả cổ tức). Nghĩa là dù có những cú giảm ngắn hạn, thị trường vẫn thường hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.

image

Vấn đề là khi thị trường đỏ lửa, nỗi sợ mất tiền khiến nhiều người rút lui quá sớm — và thường là ngay trước khi thị trường bật lên trở lại. Đây chính là hệ quả của hành vi “hoảng loạn trong nhịp điều chỉnh”. Việc đứng ngoài thị trường trong chỉ vài ngày tăng mạnh nhất mỗi năm có thể khiến lợi nhuận cả năm sụt giảm đáng kể.

Thay vì cố gắng “đúng thời điểm”, một chiến lược đầu tư định kỳ, đa dạng hóa và kiên định thường mang lại kết quả bền vững hơn.

advertising

“Lần này thì khác” – niềm tin khiến bạn đứng ngoài thị trường đúng lúc nhất

Mỗi khi thị trường biến động mạnh, chúng ta lại nghe đâu đó những câu quen thuộc: “Lần này nghiêm trọng lắm”, “Thị trường sẽ không phục hồi như trước đâu”. Niềm tin rằng "lần này thì khác" — rằng sự kiện hiện tại đặc biệt đến mức không giống bất kỳ giai đoạn nào trong quá khứ — là một cái bẫy tâm lý rất phổ biến.

Thực tế, nếu nhìn lại lịch sử thị trường tài chính Hoa Kỳ, chúng ta đã đi qua hàng loạt biến cố tưởng như “không thể vượt qua”: Thứ Hai Đen (1987), bong bóng dot-com (2000), khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), đại dịch COVID-19 (2020)... Mỗi thời điểm đều có lý do chính đáng để lo sợ, nhưng sau tất cả, thị trường vẫn phục hồi — thậm chí đạt mức cao mới.

image

Dù rủi ro kinh tế có thể tăng trong ngắn hạn, nhiều nền tảng như thu nhập doanh nghiệp, tiêu dùng cá nhân hay thị trường lao động vẫn giữ được sự ổn định đáng kể. Nhưng nếu bạn để nỗi sợ dẫn dắt, bạn có thể rút khỏi thị trường ngay trước lúc nó hồi phục — và bỏ lỡ những đợt tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Lịch sử không bao giờ lặp lại hoàn toàn, nhưng nó thường có “vần”. Nhận diện được điều đó sẽ giúp bạn tránh phản ứng thái quá và giữ vững chiến lược đầu tư dài hạn.

Bị dẫn dắt bởi tiêu đề tin tức

Khi mở mạng xã hội hay xem bản tin kinh tế buổi tối, bạn có thể bắt gặp những dòng tiêu đề như: “Thị trường hoảng loạn sau phát ngôn của Fed”, “Chiến sự leo thang, nhà đầu tư tháo chạy” hoặc “Kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái”. Những dòng tin giật gân như vậy dễ kích hoạt cảm xúc và khiến bạn tin rằng cần phải hành động ngay – thường là bán ra để “bảo toàn tài sản”.

Tuy nhiên, các tiêu đề báo chí thường phản ánh tâm lý thị trường trong ngắn hạn, chứ không phải các yếu tố quyết định hiệu suất đầu tư dài hạn. Các yếu tố cốt lõi như lợi nhuận doanh nghiệp, sức khỏe tiêu dùng, và định giá cổ phiếu mới là những gì bạn nên tập trung theo dõi. Thị trường có thể phản ứng mạnh trong vài ngày vì một dòng tin, nhưng xu hướng dài hạn lại được dẫn dắt bởi những con số thật sự trong nền kinh tế.

Chẳng hạn, dù thế giới liên tục trải qua các biến động lớn từ đại dịch đến xung đột địa chính trị, lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ vẫn tăng trưởng 2 con số trong nhiều quý liên tiếp từ cuối 2023 sang 2024. Nếu bạn chỉ tập trung vào “cảm xúc của thị trường hôm nay”, bạn rất dễ bỏ lỡ bức tranh lớn và cơ hội đi cùng nó.

Khi đầu tư, hãy dành ít thời gian hơn cho tiêu đề, và nhiều hơn cho dữ liệu.

image

Giữ tiền quá an toàn cũng là một rủi ro lớn trong đầu tư dài hạn

Tiền gửi có kỳ hạn (CDs) hay trái phiếu ngắn hạn thường được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời điểm thị trường bất ổn. Lý do rất dễ hiểu: lãi suất có vẻ hấp dẫn hơn trước, ít rủi ro, và đem lại cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, nếu bạn giữ quá nhiều tài sản trong các kênh này — đặc biệt khi mục tiêu đầu tư là dài hạn — thì bạn đang đánh đổi sự an toàn ngắn hạn lấy rủi ro mất đi tăng trưởng dài hạn.

Trong khi cổ phiếu có thể biến động, thì về dài hạn, chúng vẫn mang lại mức sinh lời vượt trội hơn hẳn so với các tài sản ngắn hạn. Từ 1980 đến nay, chỉ số S&P 500 có mức lợi suất trung bình khoảng 10–11%/năm, trong khi nhiều CD và trái phiếu ngắn hạn chỉ dao động quanh mức 3–5%, thậm chí còn thấp hơn khi trừ đi lạm phát.

Lạm phát chính là “kẻ ăn mòn âm thầm”. Giữ tiền quá thận trọng có thể khiến bạn cảm thấy an toàn hôm nay, nhưng lại khiến giá trị tài sản thực tế giảm đi từng năm. Đầu tư quá phòng thủ trong giai đoạn dài không khác gì “mất tiền từ từ” mà không hay biết.

Giải pháp không phải là từ bỏ kênh an toàn, mà là cân đối hợp lý giữa tăng trưởng và bảo toàn, phù hợp với mục tiêu và thời gian đầu tư của bạn.

image

Dựa vào dự đoán tương lai

Rất nhiều nhà đầu tư — dù chuyên nghiệp hay cá nhân — đều từng bị cuốn vào trò chơi đoán định: Liệu Fed có tăng lãi suất? Giá vàng sẽ lên bao nhiêu? Chứng khoán sẽ rớt hay hồi? Việc tìm kiếm câu trả lời cho tương lai không có gì sai, nhưng nếu bạn để toàn bộ quyết định đầu tư xoay quanh những dự đoán ấy, bạn đang đi vào một con đường dễ lạc hướng.

Thị trường tài chính vốn là cỗ máy định giá kỳ vọng. Nói cách khác, giá cổ phiếu, trái phiếu hay các tài sản khác thường đã phản ánh những kỳ vọng về tương lai. Ngay cả khi bạn “đoán đúng” sự kiện xảy ra, thị trường có thể vẫn không phản ứng như bạn nghĩ — vì thông tin đó có thể đã “được phản ánh” từ trước.

Ngoài ra, không ai — kể cả chuyên gia đầu ngành — có thể dự đoán chính xác diễn biến ngắn hạn của thị trường một cách liên tục. Theo nhiều nhà nghiên cứu hành vi tài chính, điều thực sự mang lại kết quả tích cực cho nhà đầu tư trong dài hạn không phải là dự đoán đúng, mà là xây dựng được một chiến lược đầu tư rõ ràng, phù hợp với mục tiêu, khẩu vị rủi ro, và có khả năng thích ứng với bất định.

Đầu tư không phải là trò bói toán. Đó là hành trình dài hạn đòi hỏi kỷ luật, không phải khả năng tiên tri.

image

Tối ưu thuế: Bí quyết giúp giữ lại nhiều tiền hơn từ chính khoản đầu tư của bạn

Nhiều nhà đầu tư thường chỉ chú ý đến lợi nhuận trước thuế, mà quên rằng thuế có thể âm thầm ăn mòn một phần không nhỏ kết quả đầu tư, đặc biệt nếu bạn đầu tư qua các tài khoản không được hoãn thuế (như tài khoản chứng khoán thông thường).

Giao dịch quá thường xuyên — ví dụ mua bán cổ phiếu liên tục theo cảm xúc hoặc tin tức — có thể khiến bạn phải đóng thuế thu nhập ngắn hạn, vốn thường cao hơn thuế lợi nhuận dài hạn. Ngoài ra, đầu tư vào các sản phẩm “kém hiệu quả về thuế”, chẳng hạn như quỹ có tỷ lệ giao dịch nội bộ cao (high turnover), cũng có thể làm tăng gánh nặng thuế hàng năm mà bạn không nhận ra.

Vì vậy, tối ưu thuế không có nghĩa là “né thuế”, mà là “tối đa hóa lợi nhuận sau thuế” bằng cách:

  • Ưu tiên nắm giữ dài hạn để được hưởng thuế suất ưu đãi.
  • Lựa chọn sản phẩm đầu tư có hiệu quả thuế cao.
  • Áp dụng chiến lược tax-loss harvesting: bán những khoản đầu tư đang lỗ để bù trừ với lợi nhuận, giúp giảm thu nhập chịu thuế.

Đây là những việc nhỏ nhưng mang lại tác động lớn, đặc biệt với danh mục đầu tư dài hạn. Nếu bạn bỏ qua yếu tố thuế, bạn có thể đang vô tình để lợi nhuận “rơi rụng” trên đường về đích.

image

Đòi hỏi “phải hoàn hảo” mới đầu tư

Không ít người trì hoãn đầu tư vì nghĩ rằng mình chưa đủ hiểu biết, chưa tìm được “thời điểm đẹp nhất”, hoặc chưa chắc đây có phải “cơ hội ngon” hay không. Kết quả là họ đứng ngoài thị trường suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm — để rồi bỏ lỡ những đợt tăng giá đáng kể.

Đây là hiện tượng “analysis paralysis” – tê liệt vì muốn phân tích quá kỹ. Nhưng thực tế, đầu tư không đòi hỏi sự hoàn hảo, mà cần sự nhất quán và kỷ luật. Theo nhiều nghiên cứu học thuật, nhà đầu tư trung bình thường không “thua” vì chọn sai thời điểm, mà vì đứng ngoài quá lâu, hoặc không bắt đầu.

Thị trường luôn có rủi ro, và không ai có thể đoán chắc đâu là điểm vào lý tưởng. Nhưng lịch sử cho thấy: ở trong thị trường, dù không hoàn hảo, vẫn thường tốt hơn là đứng ngoài để chờ sự chắc chắn không bao giờ đến.

Giải pháp là xây dựng một kế hoạch phù hợp với mục tiêu, khẩu vị rủi ro, và đầu tư từng bước, thay vì cố chờ thời điểm hoàn hảo mà có thể không bao giờ tới.

image

Đầu tư thành công là tránh sai lầm, không phải đoán đúng

Đầu tư không phải là trò chơi của những pha “đoán trúng đỉnh đáy”, mà là hành trình dài hơi của sự kiên nhẫn, kỷ luật và nhận thức đúng đắn. Lịch sử đã chứng minh: nhà đầu tư thành công không nhất thiết phải thông minh hơn người khác, mà đơn giản là họ ít mắc sai lầm hơn.

Bạn không cần biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong năm tới, nhưng bạn có thể tránh những lỗi phổ biến: hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh, giữ quá nhiều tiền mặt, giao dịch quá thường xuyên, hoặc đứng ngoài vì chờ “thời điểm hoàn hảo”.

Đôi khi, chỉ cần bạn không “mất tiền ngu” — nghĩa là không để cảm xúc, tin đồn hay sự cầu toàn quá mức dẫn dắt — thì bạn đã đi đúng hướng trên hành trình tài chính lâu dài.

Đọc thêmHiểu về chiến tranh địa chính trị với đầu tư | Big Cycle P.5

RELEVANT SERIES