Chứng chỉ CMT là gì? Điều cần biết về Chứng chỉ Phân tích kỹ thuật
Chứng chỉ CMT là gì?
Chứng chỉ CMT (Chartered Market Technician) là chứng nhận được cấp bởi tổ chức CMT Association cho những chuyên viên phân tích kỹ thuật đáp ứng đủ điều kiện.
Để đạt được chứng nhận CMT Charterholder, người tham gia cần trải qua ba kỳ thi tương ứng với ba cấp độ từ dễ tới khó. Bên cạnh đó, CMT Association cũng đưa ra yêu cầu về kinh nghiệm làm việc tối thiểu ba năm trong lĩnh vực liên quan để nhận được chứng chỉ này.
Về tổng quan, người nắm giữ chứng nhận CMT không những có các hiểu biết về phân tích kỹ thuật (như biểu đồ, mô hình giá, hành động giá…), mà còn phải nắm được những vấn đề khác trong giao dịch như lý thuyết học thuật nền tảng, tài chính hành vi, xác suất thống kê, quản trị rủi ro, kiểm nghiệm mô hình…
Chi phí để đăng ký thi CMT dao động trong khoảng từ 600 USD - 1,200 USD cho mỗi cấp độ, cộng thêm các khoản chi phí khác như mua tài liệu, thi thử.
Đổi lại, CMT Chareterholder sẽ nhận được nhiều lợi ích ngoài kiến thức như có một mạng lưới quan hệ trong ngành rộng rãi, cơ hội thăng tiến cùng mức lương khởi điểm cao hơn so với các đồng nghiệp.
Kiến thức bao hàm trong bài thi CMT
Đối với từng cấp độ, bài thi CMT sẽ có cấu phần về nội dung học và trọng số ứng với mỗi môn học khác nhau (có thể thay đổi theo thời gian).
Không như lầm tưởng của nhiều người rằng CMT chỉ tập trung chủ yếu vào các kiến thức liên quan tới phân tích trên biểu đồ giá, càng lên cấp độ cao, CMT sẽ tập trung hơn vào các học phần lý thuyết nền tảng và có vẻ giống phân tích cơ bản (FA).
Ví dụ đối với CMT cấp độ 3 năm 2024 dưới đây, các nội dung với tỷ trọng tương ứng bao gồm:
Nội dung học phần CMT:
- Quản trị rủi ro (Risk management): Nội dung quản trị rủi ro theo hướng định lượng, đồng thời còn có các kiến thức về thiết kế các hệ thống để giám sát và quản trị rủi ro trong chiến lược giao dịch.
- Mối quan hệ giữa các lớp tài sản (Asset relationships): Tập trung vào nghiên cứu mối liên hệ giữa các lớp tài sản và ảnh hưởng của chúng tới hiệu suất tổng thể của danh mục.
- Quản trị danh mục đầu tư (Portfolio management): Thiết lập danh mục đầu tư, quản trị và tối ưu hoá danh mục.
- Tài chính hành vi (Behaviral finance): Nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố tâm lý và thiên kiến của nhà đầu tư tới việc ra quyết định.
- Phân tích biến động (Volatility analysis): Hiểu về biến động thị trường và cách ứng dụng trong giao dịch.
- Các phương pháp cổ điển (Classic methods): Điểm lại các phương pháp phân tích kỹ thuật và lý thuyết đằng sau (như lý thuyết Dow, các mô hình giá và chỉ báo…).
- Đạo đức nghề nghiệp (ethics): Ngoài trách nhiệm của một chuyên gia phân tích, CMT cũng sẽ chỉ ra các điểm cần chú ý trong việc tuân thủ để không vướng vào rủi ro pháp lý trong giao dịch.
Các nội dung của cấp độ cao sẽ có nhiều điểm giống với chứng chỉ CFA (thường dành cho các chuyên viên theo trường phái phân tích cơ bản - FA).
Như vậy, trên phương diện phân tích kỹ thuật (TA), CMT sẽ cung cấp các kiến thức để nhà đầu tư phát triển các hệ thống giao dịch một cách bài bản và khoa học nhất. Đồng thời CMT còn có khả năng mở rộng cao thay vì chỉ áp dụng mô hình giá hay chỉ báo để mang lại lợi nhuận.
Chi phí để có chứng chỉ CMT
Để trở thành CMT Charterholder, người tham gia sẽ cần phải đăng ký thi theo đợt và phải vượt qua cả 3 cấp độ để có được danh hiệu này.
Thông tin chi tiết về chi phí, nội dung cũng như thời gian thi của từng level các bạn có thể xem tại website của CMT Association.
Ngoài ra, vấn đề chi phí cũng sẽ phụ thuộc vào thời gian bạn tham gia đăng ký thi. Ví dụ, nếu bạn đăng ký sớm sẽ có chi phí thấp (625 USD) trong khi mức tiêu chuẩn và muộn lần lượt là (825 USD và 1,225 USD).
Chi phí tài liệu (cả bản mềm lẫn bản cứng) là từ 275 USD. Trong trường hợp trở thành hội viên của CMT, mức phí 325 USD một năm sẽ được áp dụng. Đổi lại, hội viên sẽ có các quyền lợi như được tham gia các buổi đào tạo, truy cập vào kho tài liệu độc quyền…
Còn nhiều thông tin thú vị về chứng chỉ CMT, cùng chờ các bài viết sau của MarginATM để tìm hiểu thêm về chứng chỉ này nhé.