Chương trình khuyến khích bằng token có tốt cho hệ sinh thái?
Token Terminal, dự án làm về dữ liệu on-chain, đã ra mắt một bài viết phân tích sự khác biệt giữa việc sử dụng cổ phiếu làm phần thưởng (Stock-Based Compensation - SBC) trong tài chính truyền thống và các chương trình khuyến khích bằng token trong lĩnh vực crypto.
Từ đó, bài viết làm rõ cách các chương trình khuyến khích bằng token (token incentives) được sử dụng để khởi động và phát triển các mạng lưới phi tập trung, cũng như đánh giá hiệu quả của chúng so với SBC.
Trong thị trường tài chính truyền thống, SBC là một công cụ hiệu quả để tài trợ tăng trưởng, giữ chân nhân tài và tạo ra tư duy sở hữu trong công ty. Phần thưởng SBC đồng bộ lợi ích giữa nhân viên và cổ đông, thông qua việc biến họ trở thành những người đồng sở hữu.
Trong crypto, các chương trình khuyến khích bằng token token cũng mang vai trò tương tự nhưng được mở rộng hơn, không chỉ dành cho nhân viên mà còn cho người dùng, nhà phát triển và các đối tác trong hệ sinh thái.
Token incentives vừa là phương tiện khởi động mạng lưới phi tập trung, vừa đồng bộ lợi ích giữa các bên liên quan, từ đó giúp mạng lưới phát triển bền vững.
So sánh SBC và Token Incentives
Trong tài chính truyền thống, SBC là một hình thức trả thưởng không bằng tiền mặt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm vốn. SBC dành cho nhân viên chủ chốt, có quyền sở hữu pháp lý rõ ràng và tuân theo lịch trình vesting, đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Ngược lại, token incentives trong crypto được mở rộng đến cả người dùng, nhà phát triển và các đối tác. Các chương trình khuyến khích bằng token này có thanh khoản ngay lập tức và không yêu cầu quyền sở hữu pháp lý.
Tuy nhiên, chúng thường thiếu khung pháp lý rõ ràng và tiêu chuẩn kế toán thống nhất. Tỷ lệ chương trình khuyến khích bằng token cũng thường cao hơn nhiều so với SBC, thường vượt quá 50% tổng nguồn cung token.
Token incentives làm pha loãng giá trị của token hiện có, vì vậy có thể xem đây là một chi phí. Tuy nhiên, trong crypto, người nắm giữ token có thể giảm thiểu tác động pha loãng này bằng cách tham gia staking, điều mà cổ đông trong tài chính truyền thống không thể làm.
Để đạt hiệu quả, các mạng lưới cần sử dụng token incentives một cách chiến lược nhằm thúc đẩy hiệu ứng mạng lưới, tăng trưởng người dùng và doanh thu. Việc sử dụng không hợp lý sẽ gây lãng phí và làm suy giảm giá trị mạng lưới.
Bitcoin: Mô hình kinh tế Token Incentives đầu tiên
Bitcoin là ví dụ điển hình cho việc sử dụng token incentives để vận hành mạng lưới phi tập trung. Thợ đào được khuyến khích tham gia bằng phần thưởng token (block subsidy), giúp họ xác minh giao dịch và bảo mật mạng lưới.
Điều này tạo ra một hiệu ứng vòng lặp tích cực: thợ đào tham gia càng nhiều, mạng lưới càng phi tập trung và an toàn hơn. Khi mạng lưới trở nên đáng tin cậy, người dùng càng gia tăng, kéo theo giá trị của mạng lưới và token cũng tăng.
Dần dần, phí giao dịch từ người dùng sẽ thay thế vai trò của token incentives, giúp mạng lưới tự duy trì. Tuy nhiên, với nguồn cung Bitcoin cố định và phần lớn phần thưởng đã được phân phối, mạng lưới cần phụ thuộc hoàn toàn vào phí giao dịch trong tương lai để duy trì hoạt động.
Sau Bitcoin, các mạng lưới khác cũng triển khai chương trình token incentives theo các hình thức khác nhau, và hiệu quả mang lại cũng rất khác biệt.
- Tron đã đạt được mô hình kinh tế bền vững, với chi phí token thấp hơn doanh thu từ phí giao dịch.
- Ethereum gần đạt đến điểm hòa vốn, chi tiêu gần tương đương với phí thu được.
- Solana, Fantom, Avalanche và Aptos vẫn phải chi tiêu nhiều hơn so với doanh thu, thể hiện chi phí cao trong giai đoạn khởi động mạng lưới. Những mạng lưới này cần cải thiện hiệu quả sử dụng token incentives để đạt được sự bền vững lâu dài.
Bài học thành công và thất bại từ token incentives
Uniswap là một ví dụ thành công trong việc sử dụng token incentives. Giai đoạn đầu, Uniswap phân phối token mạnh mẽ để khởi động mạng lưới và nhanh chóng đạt được hiệu ứng mạng lưới chỉ trong vài tháng.
Sau đó, họ ngừng phát hành token incentives và chuyển sang mô hình bền vững với doanh thu từ phí giao dịch.
Trái ngược, SushiSwap là một bài học cảnh báo. Dù chi tiêu rất nhiều token incentives, mạng lưới này không tạo được giá trị lâu dài và giảm sút nghiêm trọng sau khi token incentives kết thúc.
Token incentives là một công cụ mạnh mẽ để khởi động và phát triển mạng lưới crypto. Tuy nhiên, chúng cần được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả. Các mạng lưới cần tập trung vào việc tạo giá trị thực cho người dùng và chuyển dần sang mô hình tự duy trì thông qua doanh thu từ phí giao dịch.
Tìm ra tỷ lệ chương trình khuyến khích bằng token phù hợp sẽ quyết định thành công lâu dài, vừa duy trì hiệu ứng mạng lưới vừa bảo vệ giá trị cho các bên liên quan.
Đọc thêm: Sky ra mắt stablecoin USDS trên Solana và chương trình Early Reward