Elon Musk cảnh báo rủi ro về việc tăng lãi suất của Fed
Elon Musk: Fed có thể biến lạm phát thành giảm phát
Theo dòng tweet được chia sẻ vào ngày 10/9, doanh nhân, tỷ phú Elon Musk cho rằng đợt tăng lãi suất của Fed có thể đẩy nước Mỹ từ lạm phát thành giảm phát. Nói cách khác, Musk cho rằng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm ở Mỹ trước tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Dòng tweet của Musk đã thu hút nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Đến sáng ngày 13/9, bài đăng đã nhận được hơn 82,000 lượt thích và gần 7,000 lượt retweet.
Ở phần bình luận của bài đăng xảy ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một số ý kiến đồng tình với CEO Tesla trong khi những người khác khẳng định ông đã nhận định sai về nền kinh tế Mỹ.
“Đúng vậy. Mọi chuyện đang đi theo chiều hướng xấu”, CEO Real Vision và nhà đầu tư crypto Raoul Pal đã đồng quan điểm với Musk.
Nhà sáng lập Northman Trader và Sven Henrich - chiến lược gia hàng đầu về thị trường nhấn mạnh rằng thật nguy hiểm khi Fed đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Ông giải thích thêm rằng Ngân hàng Trung ương ngay từ đầu đã phản ứng quá chậm và đang phải cố hết sức để kìm hãm nó.
Trong khi đó, Peter Schiff - doanh nhân người Mỹ, nhà môi giới chứng khoán đã đưa ra quan điểm khác. Ông cho rằng chính sách của Fed có nguy cơ dẫn đến siêu lạm phát.
“Nước Mỹ có nguy cơ siêu lạm phát. Chi phí dịch vụ nợ cao hơn, suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thâm hụt ngân sách Liên bang và giá tài sản sụt giảm sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn năm 2008. Fed sẽ đáp trả bằng chính sách nới lỏng định lượng. Từ đó làm giảm giá đồng USD và khiến giá tiêu dùng tăng vọt”.
Trong năm 2022, việc tăng lãi suất đã có tác động xấu đối với Bitcoin. Khoảng thời gian Fed nâng lãi suất lên 2.25-2.5% đã trùng hợp với việc giá BTC giảm hơn 50%.
Đến nay, tình trạng lao động của Mỹ được cho là vẫn ổn định. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 của Mỹ được công bố ở mức 3.7%, cao hơn dự đoán là 3.5%. Đây cũng là mức cao nhất trong năm 2022.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 là 8.5%, thấp hơn mức dự kiến 8.7%. Hôm nay (13/9), dữ liệu lạm phát tháng 8 sẽ được công bố. Theo đó, chỉ số CPI được dự đoán sẽ hạ nhiệt về mức 8.1% vì giá năng lượng giảm gần đây.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn xa so với mục tiêu 2% của Fed. Do đó, chính sách diều hâu của Fed có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái kinh tế, tương tự như những gì Musk dự đoán về giảm phát.
Cathie Wood đưa ra nhận định tương tự
Cùng quan điểm đó, Cathie Wood - Giám đốc Điều hành Ark Invest trích dẫn dữ liệu mới nhất của Manheim và cho rằng các chỉ số lạm phát hàng đầu như Vàng và Đồng đang báo trước nguy cơ giảm phát. Thậm chí, giá dầu đã giảm hơn 35% so với mức đỉnh, xóa đi phần lớn mức tăng trong năm nay.
Bên cạnh đó, Cathie Wood nhấn mạnh rằng các nhà bán lẻ dường như đang “lặn ngụp” trong đống hàng tồn kho có thể buộc họ phải hạ giá mạnh để giải quyết hàng tồn trong dịp lễ. Chỉ số CPI và PCE có thể giảm vào cuối năm. Lạm phát đang chuyển thành giảm phát.
Theo báo cáo của Ecoinometrics mà MarginATM đưa tin (tại đây), các công ty nắm giữ tiền mặt sẽ không đầu tư vào các tài sản rủi ro cho đến khi nền kinh tế chạm đáy.
Theo đó, lãi suất vay cao hơn sẽ làm tăng tiền lãi đối với các khoản vay (thế chấp, thẻ tín dụng, v.v.). Điều này làm giảm phân bổ tiền mặt của người dùng cho các tài sản rủi ro như Bitcoin. Thị trường crypto khó có thể tăng trưởng mạnh trong tương lai.