FED là gì? Vai trò của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đối với Crypto
FED là gì?
FED, viết tắt của Federal Reserve System, hay Cục dự trữ Liên bang Mỹ đóng vai trò như Ngân hàng Trung ương của nước này. FED được thành lập vào năm 1913 theo một đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” ký bởi tổng thống Woodrow Wilson nhằm duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và an toàn cho nước Mỹ.
Dù vậy, FED hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Mỹ. Đây cũng là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in tiền USD. FED đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh các chính sách tiền tệ vì vậy mọi quyết định của FED liên quan đến lãi suất, lượng cung tiền sẽ gây ra tác động trực tiếp đến thị trường.
Bản chất, chức năng của FED
FED bao gồm một số cơ sở tài chính quan trọng của cả nhà nước và tư nhân Hoa Kỳ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cơ cấu tổ chức bao gồm:
- Hội đồng Thống đốc bao gồm 7 thành viên có nhiệm kỳ 14 năm do Tổng thống Mỹ chỉ định.
- Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC)
- Các ngân hàng của FED bao gồm 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực được đặt ở các thành phố lớn
- Các ngân hàng thành viên
Ban đầu, nhiệm vụ của các thành viên này là:
- Hội đồng Thống đốc bao gồm 7 thành viên được đề cử trực tiếp bởi Tổng thống Mỹ và được Thượng viện thông qua. Đây cũng chính là những người đưa ra các quyết định quan trọng về các chính sách tiền tệ.
- Ủy ban Thị trường Mở Liên bang gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc và 5 chủ tịch ngân hàng chi nhánh. Họ có nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở liên bang.
- 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực được đặt ở các bang Boston, New York, Philadelphia, Chicago, St. Louis, Richmond, Cleveland, Atlanta, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco đảm nhiệm các nhiệm vụ còn lại.
Theo thời gian, cấu trúc của FED cũng dần thay đổi với các nhiệm vụ của tổ chức cũng được mở rộng. Vai trò chính sách tiền tệ của FED được nêu rõ trong Đạo luật Dự trữ Liên bang sửa đổi năm 1977:
- Thực thi các chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tạo việc làm cho người dân Mỹ, ổn định giá cả và điều chỉnh lãi suất dài hạn.
- Duy trì ổn định cho nền kinh tế cũng như kiểm soát rủi ro hệ thống có khả năng phát sinh trên thị trường tài chính.
- Bình ổn giá cả sản phẩm, dịch vụ nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế.
- Giám sát các tổ chức ngân hàng đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và quyền tín dụng của người dân.
- Cung cấp dịch vụ tài chính cho các tổ chức nước ngoài, tổ chức quản lý tài sản có giá trị và chính phủ Hoa Kỳ.
- Vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
Lịch sử hoạt động của cơ quan FED
Ra đời từ năm 1913, giai đoạn này phạm vi hoạt động của FED vẫn còn hạn chế. FED khi đó chỉ đơn giản là cung cấp một “đồng tiền linh hoạt” cho các ngân hàng vay khi thiếu tiền mặt thông qua “cửa sổ chiết khấu”. Tuy nhiên, điều này khiến Fed lâm vào thế bị động trước nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Không ai nghĩ rằng FED có thể sử dụng quyền kiểm soát nguồn cung tín dụng để định hình toàn bộ nền kinh tế.
Vào những năm 1920, Fed bắt đầu mua và bán trái phiếu trên thị trường mở nhằm mục đích điều chỉnh nguồn cung tín dụng vốn vẫn luôn biến động. Thời kỳ Đại khủng hoảng, FED lại trở về thế bị động, hạn chế hoạt động trên thị trường mở và kéo theo hàng ngàn ngân hàng sụp đổ.
Nguyên nhân hiện tượng này vẫn còn gây tranh cãi, tuy nhiên có một điều chắc chắn là các ngân hàng không yêu cầu tín dụng vì vậy FED không cung cấp tín dụng, thị trường tiền tệ bị thắt chặt bất chấp giá cả và sản lượng sản xuất sụt giảm.
Năm 1932, Tổng thống Franklin Roosevelt thực hiện đại tu lại toàn bộ hệ thống tài chính. Ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư hoàn toàn tách biệt, cơ chế bảo hiểm tiền gửi ra đời và FED có nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế như có thể cho nhiều định chế tài chính vay tiền và nhận nhiều loại tài sản đảm bảo hơn. Ủy ban thị trường mở ra đời ảnh hưởng lớn đến “điều kiện tín dụng của nước Mỹ".
FED giúp nền kinh tế Mỹ thịnh vượng trong những năm 1950 - 1960. Tuy nhiên, do quá chú trọng vào thị trường việc làm nên FED đã quên mất lạm phát khiến tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hai con số. Tình trạng này đã buộc Quốc hội phải quy định lại hai nhiệm vụ chính của Fed vào năm 1977: ổn định giá cả và tạo việc làm.
Năm 1979, Volcker trở thành Chủ tịch của FED và đã thành công chiến đấu với lạm phát. Người kế nhiệm ông là Alan Greenspan đã duy trì tình trạng lạm phát ở mức thấp và thỉnh thoảng có những đợt suy thoái. Trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng lu mờ, “cửa sổ chiết khấu” của Fed không còn được sử dụng.
Thị trường khi FED họp và công bố chính sách tiền tệ biến động thế nào?
Có thể thấy, nhiệm vụ trọng yếu của FED là giữ cho nền kinh tế Hoa Kỳ luôn ổn định.
Khi nền kinh tế bùng nổ kéo theo sự xuất hiện lạm phát và bong bóng tài sản đe dọa sự ổn định của nền kinh tế, FED sẽ vào cuộc và tăng lãi suất trong ngắn hạn. Điều này giúp hạ nhiệt nền kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng, nhu cầu về các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ sẽ giảm xuống. Thanh khoản giảm, các cá nhân và tổ chức cũng sẽ phải chịu mức lãi vay cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu, tiết kiệm và chi phí đầu vào.
Dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro cũng sẽ trở nên hạn chế so với thời kỳ lãi suất giảm hoặc chính sách tiền tệ nới lỏng.
Từ trước tới nay, crypto vẫn được xem lại một loại tài sản rủi ro cao. Vì vậy, theo lý thuyết, dòng tiền sẽ chảy vào crypto ít hơn trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ.
Nhiều ý kiến trước đây cho rằng một số loại crypto như Bitcoin là một biện pháp phòng ngừa lạm phát vì tổng cung hạn chế và là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, nhưng gần đây chúng ta có thể thấy nó đang đi giống như các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu.
Điều đó được chứng minh tiền điện tử đã phản ứng với việc giảm giá cũng giống như các tài sản rủi ro khác khi FED thông báo tăng lãi suất trong năm 2022.
Có thể thấy sự thắt chặt của các ngân hàng trung ương là vấn đề vĩ mô lớn nhất thúc đẩy cả thị trường chứng khoán và tiền điện tử ngày nay, đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy mối tương quan rất cao giữa hai thị trường này.
Nhìn chung những đợt tăng lãi suất của FED vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2023 khi lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Vậy nên nhiều khả năng trong năm 2023 chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến một năm mà thị trường tiền điện tử chưa quá khởi sắc.
Nếu chúng ta nhìn nhận 1 cách tích cực, lạm phát có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt hơn.
Còn đối với những nhà phát triển, nhà đầu tư tin vào sự phát triển của thị trường, họ vẫn tin rằng thời kì downtrend là lúc loại bỏ những dự án không phù hợp, không có tính đường dài trong thị trường. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những dự án áp dụng blockchain ngày càng có tính thực tiễn trong cuộc sống và các tài sản tiền điện tử sẽ có tốc độ chấp nhận rất nhanh, điều quan trọng là chúng ta cần có một cái nhìn dài hạn hơn dành cho nó để có thể tiếp cận những cơ hội mới trong tương lai.
Khi lạm phát bị phá vỡ, lãi suất sẽ không còn là vấn đề mà các nhà đầu tư trong thị trường phải đối mặt. Điều này là không thể tránh khỏi và khi điều này xảy ra, thị trường tiền điện tử sẽ tiếp tục theo quỹ đạo của chúng. Nhưng chúng ta cần thời gian và sẵn sàng đón nhận 1 tương lai đầy hứa hẹn nếu chúng ta có tầm nhìn đủ xa với thị trường này.
Đọc thêm: Lạm phát là gì? Vai trò của Bitcoin trong thời kỳ lạm phát