Bitcoin dump gần 10k giá, 20% trong 1 ngày, thiên nga đen đã trở lại?
Tình hình chung của thị trường tài chính
Chứng khoán Mỹ “bốc hơi" 2,900 tỷ USD trong 1 phiên giao dịch
Báo cáo việc làm tháng 7 được Bộ Lao động Mỹ công bố nền kinh tế chỉ tạo ra 114,000 việc làm mới. Đây là con số thấp hơn nhiều so với mức trung bình 215,000 và mức dự đoán 185,000. Bên cạnh đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể, đat 4.3%, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Những con số kể trên đã dấy lên hồi chuông báo động về một cuộc suy thoái tiềm tàng ở Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ. Thái độ úp mở của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong quyết định cắt giảm lãi suất cũng góp phần gia tăng nỗi bất an của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Cây đổ bầy khỉ tan”, sự kém cỏi của nền kinh tế cũng đã tô lên màu máu cho bức tranh thị trường chứng khoán Mỹ. Sau khi các báo cáo được công bố, toàn trường đã bốc hơi mất 2,900 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 1 phiên giao dịch. Ứng dụng Robinhood hiện cũng đã tạm ngưng mọi hoạt động giao dịch trong vòng 24 giờ.
Giá BTC dump mạnh, hơn 1 tỷ USD vị thế hợp đồng tương lai bị thanh lý trong 24 giờ
Trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin (BTC) đã giảm mạnh từ vùng giá 59,000 USD xuống còn 48,900 USD, ghi nhận mức giảm kỷ lục 20%. Người em ETH thậm chí còn hứng chịu nặng nề hơn, khi giảm từ vùng 2,900 USD xuống mức thấp nhất là 2,100 USD, khoảng 28%.
Hai cây đại cổ thụ của thị trường crypto “bung rễ" thì các altcoin cũng “sứt đầu mẻ trán". Theo dữ liệu của CoinMarketCap, vốn hóa thị trường tiền điện tử đã giảm khoảng 300 tỷ USD sau cú sập của Bitcoin.
Kéo theo đó là hơn 1 tỷ USD vị thế Long và Short đã bị thanh lý trong vòng 24 giờ, trở thành đợt thanh lý lớn nhất năm 2024. Trên trung bình, cứ 90 giây thì lại có hơn 1 triệu USD vị thế bị thanh lý.
Trên phương diện chính trị, tình hình xung đột và căng thẳng leo thang tới cực điểm giữa Israel và Iran ở Trung Đông. Đợt không kích vào Bờ Tây của quân đội Israel đã lấy đi tính mạng của một nhóm thành viên cột trụ của Iran, bao gồm 1 nhân vật cấp cao của phe Hamas.
Dòng chảy sự kiện liên tục gây hoang mang trên diện rộng khi những lo ngại về cuộc chiến Iran - Israel đang chồng thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đã “bất ổn". Trên tổng thể, rất có thể “thiên nga đen" đã trở lại trong năm 2024.
Liệu thiên nga đen đã trở lại?
Thiên nga đen (Black Swan) là một khái niệm bắt nguồn từ tiếng Latin, dùng để ám chỉ những thứ không tồn tại, đơn thuần vì vào thời xa xưa người ta cho rằng chim thiên nga chỉ có thể có màu lông trắng.
Tuy nhiên, về sau khái niệm này đã bị thay đổi khi người ta phát hiện ra những chú thiên nga đen ở châu Đại Dương.
Một sự kiện được gọi là thiên nga đen có ba đặc điểm chính:
- Không thể dự đoán trước,
- Có ảnh hưởng lớn,
- Sau khi xảy ra, chúng ta thường tìm cách giải thích để làm cho nó có vẻ ít ngẫu nhiên và dễ đoán hơn.
Một số ví dụ điển hình có thể kể đến như:
- Sự thành công của Google.
- Sự kiện 11/9 tại trung tâm Thương mại Thế giới.
- Đại dịch Covid-19.
Dấu hiệu của thiên nga đen
Dựa trên tình hình chung đã đề cập, cú sập này có thể đang mang những đặc điểm của một sự kiện thiên nga đen, bao gồm:
- Thị trường tài chính gặp cú sốc lớn: Hơn 2,900 tỷ USD “bốc hơi" sau 1 phiên giao dịch; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng; nợ công ở Mỹ đạt 35,000 tỷ USD.
- Tình hình chính trị căng thẳng, bấp bênh: Căng thẳng gia tăng tại Trung Đông khiến cho tình hình địa chính trị trở nên bất ổn; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mang lại bất an cho thị trường crypto vì lo ngại việc bà Kamala Harris đắc cử và quay lưng với tiền điện tử.
Nhìn chung, có thể thấy rằng đây không phải là điều gì quá mới mẻ. Trong những năm qua, các phương tiện truyền thông đều xoay quanh các vấn đề như:
- Một nền kinh tế có khả năng tăng trưởng thì tất có giai đoạn suy thoái.
- Căng thẳng chính trị tại Trung Đông giữa Iran và Israel đã diễn ra từ những năm 80 của thế kỷ trước.
- Đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn luôn khắt khe với thị trường crypto và tình hình chính trị có thể biến động lớn sau cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.
Tuy nhiên, dường như mọi người đều rất bất ngờ trước những gì đang diễn ra và hệ lụy đi kèm. Những yếu tố này kết hợp lại tạo ra một bức tranh bất ổn, liệu lần này được xem như một sự kiện thiên nga đen của năm 2024?
Đây là thời điểm để “bắt đáy” hay là lúc “thoát hàng"?
Liệu đây có phải là thời điểm tốt để "bắt đáy" (buy the dip) hay không là một câu hỏi khó. Một số nhà đầu tư có thể thấy đây là cơ hội để mua vào khi giá BTC giảm mạnh, kỳ vọng giá sẽ phục hồi trong tương lai.
Cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận đây là đáy của thị trường. Những yếu tố không chắc chắn và độ biến động cao hiện tại khiến việc dự đoán trở nên khó khăn. Các nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, đồng thời theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo của thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, lời khuyên tốt nhất có thể là duy trì sự bình tĩnh, không đưa ra những quyết định vội vàng và luôn chuẩn bị cho những kịch bản bất ngờ. Ngoài ra, chiến lược phù hợp vẫn là DCA vì rất khó để xác định đỉnh đáy. Thậm chí các công ty, quỹ lớn như Microstrategy cũng luôn duy trì việc DCA trung bình giá chứ không bắt đáy cho dù họ có đội ngũ nghiên cứu hàng đầu.
Đọc thêm: BTC giảm mạnh về 52,300 USD, nhiều tay to bán tháo