Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Sự kiện thiên nga đen - Mối đe doạ cho nền tài chính và Crypto

Sự kiện thiên nga đen là thuật ngữ phổ biến trong các lĩnh vực kinh tế. Vậy sự kiện thiên nga đen là gì? Nhà đầu tư nên làm gì khi sự kiện thiên nga đen xuất hiện?
Avatar
Sammie
Published Jun 17 2023
Updated Jan 17 2024
14 min read
thumbnail

Sự kiện thiên nga đen là một thuật ngữ khá phổ biến thường được nhắc đến trong các lĩnh vực kinh tế. Vậy sự kiện thiên nga đen là gì? Các nhà đầu tư nên làm gì khi sự kiện thiên nga đen xuất hiện? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé.

Sự kiện thiên nga đen

Sự kiện thiên nga đen, hay còn được gọi là Black Swan, là một thuật ngữ do giáo sư - cựu thương nhân phố Wall Nassim Nicholas Taleb sử dụng lần đầu tiên và trở nên phổ biến qua cuốn sách “Thiên nga đen: Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn”. Nó dùng để ám chỉ những vấn đề khó lường, không thể dự đoán trước và thường sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, thị trường chứng khoán. Vì vậy, tất cả mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra các sự kiện thiên nga đen và có kế hoạch ứng phó kịp thời.

sự kiện thiên nga đen

Những sự kiện thiên nga đen, thiên nga trắng theo nhận định của Societe Generale

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ dự đoán xu hướng giá sắp tới dựa trên lịch sử giá trong quá khứ. Tuy nhiên, đôi khi vẫn sẽ có những sự kiện đột ngột xuất hiện làm thị trường biến động mạnh mẽ, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và đây được gọi là hiện tượng thiên nga đen.

Giáo sư Taleb cũng cho rằng, một sự kiện có được coi là thiên nga đen hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Chẳng hạn, vụ khủng bố vào ngày 11/09/2001 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều công ty lớn và khiến các nhà đầu tư thua lỗ nặng nề được xem là sự kiện thiên nga đen đối với người dân nước Mỹ nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng nhưng hoàn toàn không phải là thiên nga đen đối với những kẻ khủng bố vì những kẻ này đã biết trước rằng những sự việc đó sẽ xảy ra.

khủng bố 11 tháng 9

Vụ khủng bố 11/9/2001 không chỉ gây ảnh hưởng về người, tài sản mà còn khiến thị trường tài chính chao đảo

Thiên nga đen ảnh hưởng như thế nào?

Chúng ta không nên đánh giá thấp tác động của sự kiện thiên nga đen. Nó có thể gây ra những thay đổi lớn trong cả kinh tế và chính trị, và tác động của nó có thể kéo dài trong nhiều năm sau đó. Xem xét một số tác động rõ rệt nhất của thiên nga đen đối với thị trường tài chính:

Biến động lớn trên thị trường tài chính

Ảnh hưởng của sự kiện thiên nga đen đối với thị trường tài chính có thể là cả trước mắt và lâu dài. Những sự kiện cực đoan và bất ngờ này đôi khi có thể có các dấu hiệu ban đầu như sự biến động của cổ phiếu, hàng hóa, trái phiếu và tiền tệ. Sau đó, sự bất ổn đột nhiên bùng nổ.

Mặc dù có thể mất một thời gian để xác định tác động chính xác, nhưng rõ ràng là các cấu trúc bên trong của thị trường tài chính đã bị phá vỡ. Khi sự hoảng loạn bắt đầu, các nhà đầu tư bán tháo tài sản và đóng các vị thế, góp phần làm gia tăng tính biến động của thị trường.

Giảm tín dụng khả dụng

Trước khi sự kiện thiên nga đen bắt đầu và cả sau sự kiện đó, sự bất ổn về kinh tế thường dẫn đến việc giảm khả năng cung cấp tín dụng. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp các khoản vay và các hình thức tín dụng khác trở nên thận trọng hơn khi họ cố gắng đánh giá tác động của thiên nga đen. Điều này khiến những người cho vay thắt chặt kiểm soát rủi ro của họ khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng hơn.

Nhu cầu bảo hiểm tăng cao

Khi tác động của sự kiện thiên nga đen trở nên rõ ràng hơn, các công ty thường có nhu cầu cao về bảo hiểm. Mặc dù bảo hiểm cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại gánh nặng tài chính mà những sự kiện như vậy có thể gây ra, nhưng điều quan trọng cần nhớ là bản thân bảo hiểm phải chịu những biến động không thể đoán trước về nhu cầu. Điều này có thể dẫn đến việc gia tăng chi phí phí bảo hiểm dẫn tới tác động dây chuyền đối với các doanh nghiệp.

Bất ổn chính trị và xã hội

Ngoài những tác động về tài chính, các sự kiện thiên nga đen cũng có thể dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội gia tăng. Tầm quan trọng và mức độ phức tạp của sự kiện thiên nga đen thường nhường chỗ cho các cuộc tranh luận và đối thoại về cách tổ chức xã hội và ý nghĩa của chính sách công. Điều này có thể gây ra sự chia rẽ và thay đổi trong xã hội và dẫn đến những thay đổi to lớn trong bối cảnh chính trị tạo ra những hậu quả lâu dài. Một ví dụ là phong trào chiếm đóng bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và sự ra đời của đạo luật Dodd-Frank nhằm tăng cường giám sát ngân hàng ở Hoa Kỳ.

Một số sự kiện thiên nga đen đã xảy ra

Sự kiện bong bóng Dotcom 2001

Vào năm 2001, sự kiện bong bóng Dotcom nổ ra khiến thị trường công nghệ thế giới hoàn toàn sụp đổ kéo theo sự lao dốc của thị trường chứng khoán khiến nền kinh tế bị suy thoái nặng nề. Các bong bóng được hình thành là do sự gia tăng cổ phiếu của các công ty Internet chủ yếu là của Mỹ, bên cạnh đó là sự xuất hiện của số lượng các công ty Internet mới.

Hầu hết, cổ phiếu của các công ty hứa hẹn tích hợp công nghệ Internet có sự gia tăng về mặt giá trị nhưng nhiều mô hình lại không hiệu quả dẫn tới làn sóng phá sản.

bong bóng dot com

Bong bóng Dotcom khiến giá chứng khoán rớt thảm

Khủng hoảng châu Á năm 1997b

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1997 – 1998 được xem là một sự kiện thiên nga đen khiến tỷ giá hối đoái của đồng tiền của nhiều nước bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều ngân hàng bị phá sản và gây ra sự trì trệ chung cho toàn bộ nền kinh tế châu Á.

Nguyên nhân của sự kiện này là do vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc,… bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Sự tăng trưởng kinh tế này phần lớn đến từ việc các quốc gia châu Á nhận được các gói hỗ trợ tín dụng từ nước ngoài,được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ tự do của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Kết quả, các nước châu Á bị tín dụng quá mức cho phép dẫn tới sai lệch lớn và khiến toàn bộ nền kinh tế bị sụp đổ.

Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008

Một sự kiện thiên nga đen khác là vụ khủng hoảng nền kinh tế thế giới năm 2008. Vào năm 2008, chỉ số S&P 500, bao gồm 500 công ty lớn nhất nước Mỹ đã giảm khoảng 38.49%. Suy thoái nền kinh tế nghiêm trọng khiến ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phải làm thủ tục phá sản.

Điều này khiến 25,000 người thất nghiệp và công ty mất 46 tỷ đô trên giá trị thị trường. Không những vậy, tác động của cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán trên toàn cầu (mất khoảng 10,000 tỷ đô).

Sự kiện Brexit

Sự kiện Brexit cũng là một trong những sự kiện thiên nga đen nổi bật nhất. Ngày 23/6/2016, cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu. Brexit là viết tắt cho British và Exit, có nghĩa là Anh rút khỏi khối liên minh châu Âu EU. Sự kiện này chính thức xảy ra vào ngày 31/01/2020, đánh dấu sự kết thúc 47 năm Anh ở trong khối Liên minh Châu Âu và các tổ chức khác thuộc khối này.

Tác động rõ rệt nhất của sự kiện Brexit là sự sụt giảm giá trị lớn nhất của đồng bảng Anh trong vòng 30 năm qua. Sau đó là hai lần sụt giảm nghiêm trọng nữa và tiếp tục duy trì giá giảm trong năm 2017 và 2019. Kết quả là đẩy GBP xuống mức thấp mới so với EUR và USD vào tháng 8 năm 2021.

Đọc thêm: Lịch sử khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động đến Crypto

Thiên nga đen trong thị trường tiền điện tử năm 2022

Những thành công của thị trường crypto phụ thuộc phần lớn vào mức độ chấp nhận của các quốc gia với loại tài sản kỹ thuật số này trên toàn cầu. Ví dụ, trong thời kỳ hoàng kim của crypto vào năm 2021, rất nhiều công ty nổi tiếng của Mỹ như Tesla, The Block, Microstrategy và PayPal đã đầu tư vào Bitcoin. Ngoài ra, El Salvador là quốc gia đầu tiên công khai chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán chính thống. 

Những điều này đã đẩy giá của tất cả các loại tiền điện tử đều lập đỉnh lịch sử vào năm 2021. 

Tuy nhiên, những biến động từ điều kiện địa chính trị và kinh tế vĩ mô khiến thị trường tiền điện tử chìm trong sắc đỏ suốt năm 2022.

Đầu tiên là sự sụp đổ của Terra (LUNA) đình đám, bắt đầu từ việc đồng stablecoin UST mất peg vào tháng 05/2022 khiến thị trường crypto mất hơn $400 tỷ vốn hoá.

binance ngưng rút luna

Ngay khi UST mất peg giảm mạnh, sàn Binance đã thông báo tạm ngưng rút UST khỏi sàn.

Tiếp theo là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới, FTX đệ đơn phá sản vào tháng 11/2022, kéo theo là sự sụp đổ của quỹ đầu tư mạo hiểm 3AC mà FTX có cổ phần lớn. Sau đó, cựu CEO của FTX, Sam Bankman-Fried, đã bị bắt giữ tại Bahamas theo yêu cầu của chính quyền Mỹ để điều tra về các tội bao gồm gian lận tài chính, rửa tiền,…

giá ftt

FTT từng là bluechip trên thị trường. Nguồn Coingecko

Sau đó là BlockFi, một trong những công ty cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới cũng đã đệ đơn phá sản vào cuối tháng 11/2022. 

Những điều này đã khiến cho các quốc gia tiếp tục thắt chặt các quy định quản lý đối với thị trường crypto đồng thời tạo ra tâm lý lo ngại đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Theo thông tin từ CNBC, chính phủ Mỹ và liên minh châu Âu đang tiến hành các bước để buộc người tham gia thị trường tiền điện tử phải tuân thủ các quy định và minh bạch tài chính. Điều này có thể khiến thị trường crypto phải chịu nhiều áp lực hơn và có khả năng gây thu hẹp hệ sinh thái.

Làm thế nào để bảo vệ trước black swan?

Có thể thấy, các sự kiện thiên nga đen gần như không thể lường trước được và có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng cho các nhà đầu tư. Vậy, bạn cần phải làm gì để bảo vệ chính mình trên thương trường?

Hy vọng vào điều tốt nhất, chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất

Theo như các chuyên gia kinh tế nghiên cứu biến động thị trường, các sự kiện thiên nga đen sẽ luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Trong cuốn sách của mình, giáo sư Taleb đã viết rằng cách tốt nhất để giảm bớt ảnh hưởng của thiên nga đen là không cố gắng dự đoán nó. Thay vào đó, cần phải hiểu rằng thiên nga đen là điều tất yếu và xây dựng các kế hoạch ổn định, bền vững để bảo vệ danh mục đầu tư của mình cũng như giải quyết hậu quả của nó sẽ giúp giảm tổn thất xuống mức tối đa.

Tận dụng cơ hội của thiên nga đen

Khi sự kiện thiên nga đen xảy ra, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường chứng khoán và cả thị trường crypto cũng theo đà sụt giảm, vì vậy việc đầu tư vào các dự án ổn định và có tính bền vững là điều rất cần thiết. Bởi, các dự án lớn thường sẽ biết cách vượt qua khủng hoảng và phục hồi nhanh chóng.

Ngược lại, các dự án nhỏ có nguy cơ phá sản cao, thậm chí ôm tiền của nhà đầu tư bỏ trốn. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội mà thiên nga đen mang lại để nhìn nhận, sàng lọc dự án và tái cơ cấu danh mục đầu tư một cách khoa học hơn.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ vẫn là câu nói được khuyên trong mọi thị trường tài chính. Hãy nhớ rằng, khi bạn chỉ có một tài sản duy nhất trong danh mục đầu tư thì rất dễ bị ảnh hưởng khi sự kiện thiên nga đen xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho số vốn của mình, hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong mọi trường hợp, việc đa dạng hóa danh mục vẫn là một lời khuyên hữu ích đấy nhé.

Tóm lại, chúng ta không thể chắc chắn được khi nào sự kiện thiên nga đen tiếp theo sẽ diễn ra. Quan trọng nhất là bạn cần chuẩn bị phương án để ứng phó với mọi tình huống không thể lường trước, đảm bảo ổn định và phục hồi sau các biến đổi bất ngờ.

Bạn có thể tìm hiểu thêm một số thông tin qua video dưới đây:

RELEVANT SERIES