Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Hành trình phá sản của FTX

Tuần qua (7-13/11) là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường crypto khi FTX - sàn giao dịch top đầu thế giới sụp đổ. Token FTT đã giảm hơn 92% trong 7 ngày qua, hàng nghìn người dùng bị giam tiền trên sàn.
kaylin
Published Nov 13 2022
Updated Nov 14 2022
15 min read
thumbnail

Tuần qua (7-13/11) là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường crypto khi FTX - sàn giao dịch top đầu thế giới sụp đổ. Token FTT đã giảm hơn 92% trong 7 ngày qua, hàng nghìn người dùng bị giam tiền trên sàn.

Kéo theo đó, toàn thị trường crypto lao dốc dữ dội. Lạm phát ở Mỹ giảm đáng kể vẫn không thể “cứu" thị trường. Trong 7 ngày qua, tổng vốn hoá thị trường bốc hơi khoảng 20%, tương đương 200 tỷ USD. 

crypto sập mạnh 14 11
Thị trường crypto sập mạnh. Nguồn: Coin360.

Bitcoin tạo đáy mới ở vùng 15,588 USD, giảm 22.5%. Tương tự, Ethereum giảm 24.7% và đang giao dịch quanh vùng 1,200 USD. Không những thế, hàng loạt stablecoin “lung lay" giữa khủng hoảng FTX. Theo đó, USDT, USDC, DAI và GUSD lần lượt giảm xuống còn khoảng 0.998 USD. 

Sàn FTX và quỹ đầu tư Alameda Research là gì?

FTX là một trong những sàn giao dịch top đầu cung cấp các sản phẩm phái sinh tiền mã hoá. Các sản phẩm của FTX đa dạng từ hợp đồng tương lai, quyền chọn, token đòn bẩy, OTC,... FTX thuộc sở hữu của Sam Bankman - Fried và đồng sáng lập Alameda Research.

Alameda Research là quỹ đầu tư hàng đầu tập hợp các nhà đầu tư cá nhân với mục tiêu chung là nghiên cứu và đầu tư vào các dự án tiềm năng trong lĩnh vực tiền mã hoá và các sản phẩm phái sinh. Ngoài ra, quỹ này còn cung cấp dịch vụ giao dịch OTC với nhiều ưu điểm vượt trội khác.

Danh mục đầu tư của Alameda Research

Trong năm 2021, Alameda Research đã đầu tư vào khoảng 70 dự án. Nhìn vào hình bên dưới, Alameda đầu tư khá nhiều vào các mảng như NFT/Gaming, Lending và Infrastructure. Hầu hết các dự án này đều được xây dựng trên Solana.

danh mục đầu tư alameda
Danh mục đầu tư của Alameda Research. Nguồn: Coin98 Insights.

Có lẽ đây là lý do khiến các token thuộc hệ Solana đã giảm mạnh trong 7 ngày qua. Cụ thể, SOL đã giảm hơn 60%, từ 37 USD về mức 14 USD. Các dự án còn lại đều có mức giảm trung bình từ 30-60%.

token thuộc hệ solana đã giảm mạnh
Token thuộc hệ Solana giảm mạnh. Nguồn: CoinGecko.

Nguyên nhân FTX sụp đổ

Đế chế tiền mã hóa của tỷ phú Sam Bankman-Fried chia thành hai phần chính: sàn giao dịch FTX và quỹ đầu tư Alameda Research. Cả hai đều là những gã khổng lồ trong ngành và được Bankman-Fried khẳng định là hai doanh nghiệp hoàn toàn tách biệt. 

Ngày 3/11, mọi chuyện bắt đầu khi bảng cân đối kế toán của Alameda bị công bố. Theo Coindesk, tổng giá trị tài sản của quỹ Alameda là 14.6 tỷ USD. Trong đó, Alameda nắm giữ 3.6 tỷ USD FTT đã được mở khóa. 

Ngoài ra, đứng thứ 3 trong danh mục là khoảng 2.16 tỷ USD FTT đang được thế chấp. Trong 8 tỷ USD nghĩa vụ nợ của Alameda, có đến 292 triệu USD là FTT đang được khóa.

Thông tin tài chính từ Alameda Research cho thấy tài sản lớn nhất mà công ty đang nắm giữ là FTX token (FTT), được “in ra” bởi sàn giao dịch FTX, một công ty khác được quản lý bởi SBF. Ngoài ra, một số tài sản khác mà Alameda nắm giữ cũng thuộc các dự án mà SBF đầu tư. Điều này cho thấy SBF có khả năng in hàng tỷ USD từ "không khí".

hoạt động gửi và rút tiền của alameda
Hoạt động gửi và rút tiền của Alameda Research. Nguồn: Arkham.

Lý do FTT sập mạnh 

Theo @dirtybubblemedia, bước đầu tiên của mô hình này chính là tạo nên một token mà dự án sẽ nắm đa số tổng cung. Sau đó, dự án tự mình trở thành một nhà tạo lập thị trường (market maker) và đẩy giá token liên tục. Điều này hoàn toàn có thể làm được vì đa số token nằm trong ví của dự án và có rất ít token ở ngoài thị trường để xả. 

Khi giá token lên đủ cao, dự án sẽ công bố báo cáo tài chính của mình với hàng tỷ USD tài sản mà đa số chúng đều là token mà dự án đã in ra. Từ đây, dự án có thể mời gọi các quỹ đầu tư đến và cho dự án vay thông qua khoản thế chấp là token của dự án. 

Tuy nhiên mô hình này không bền vững. Đầu tiên, dự án luôn phải đẩy giá token lên cao hơn. Những nhà đầu tư nhận token sẽ có động lực để xả và ép dự án mua token với giá cao hơn. Tới lúc dự án không còn tiền để làm việc này thì tất cả sẽ sụp đổ. 

cách dự án đẩy giá token 
Cách dự án đẩy giá token FTT. 

Ngoài ra, khi đa số tài sản dự án nắm giữ thường không có thanh khoản. Điển hình là Celsius nắm giữ hàng trăm triệu USD CEL token nhưng không thể thanh lý dù một phần trong đó. Đây là điều nguy hiểm khi nắm giữ hơn 90% tổng cung của một token mà không ai muốn. 

CZ quyết định bán toàn bộ FTT đang nắm giữ

Ngày 6/5, sau hàng loạt tin tức được công bố, CZ cho biết Binance quyết định thanh lý số FTT đang nắm giữ như MarginATM đưa tin (tại đây). Giá FTT đã tụt giảm hơn 10% ngay sau khi dòng Tweet của CZ được đăng tải.

"Chúng tôi sẽ làm việc này theo cách ít tác động tới thị trường nhất. Do tình trạng thị trường và thanh khoản hạn chế, chúng tôi sẽ làm điều này trong vài tháng".

Năm 2021, Binance đã rút vốn khỏi FTX và nhận lại tài sản trị giá 2.1 tỷ USD gồm BUSD và FTT. 

Đến sáng ngày 7/11, Sam Bankman-Fried lên tiếng khẳng định FTX và tài sản của khách hàng vẫn đang an toàn dù “một đối thủ cạnh tranh đang lan truyền tin đồn sai lệch”. Hiện dòng tweet này đã bị xoá.

Ông chủ FTX cho hay sàn giao dịch vẫn có đủ tiền để bảo vệ các khoản tài sản của khách hàng. Ngoài ra, Bankman-Fried nhấn mạnh sàn không lấy tiền của khách hàng để đầu tư, kể cả trong kho bạc. 

Giá FTT giảm 90% trong 2 ngày, cả thị trường crypto sập mạnh

Sáng ngày 8/11, giá FTT rơi khỏi mốc 20 USD và có dấu hiệu bị xả mạnh. Ở thời điểm đó, một số người dùng trên sàn FTX đã đặt mua hơn 10 triệu FTT ở mốc giá 14 USD, khoảng 140 triệu USD.

ftt h1 14 11
Chart FTT/USDT khung H1. Nguồn: TradingView.

Trước khi thảm kịch xảy ra (23h ngày 8/11), FTT đã tăng hơn 45%, hồi phục về vùng 21 USD trước thông tin Binance có dự định mua lại FTX.

CEO sàn giao dịch FTX cho biết công ty đang xử lý một vài vấn đề kỹ thuật tồn đọng trong khâu rút tiền. Ngoài ra, Sam cũng gửi lời cảm ơn đến Binance lẫn CZ, xoá bỏ những tin đồn hiềm khích giữa hai sàn giao dịch và gọi thoả thuận sơ bộ này là “vì lợi ích người dùng”.

Ngay sau đó, CZ đã công bố chi tiết về thương vụ nói trên. Cụ thể:

“FTX đã đề nghị được giúp đỡ. Có một vài vấn đề liên quan đến thanh khoản. Để bảo vệ người dùng, chúng tôi đã ký thỏa thuận không ràng buộc, với mục đích mua lại FTX để giúp giải quyết ổn thoả các vấn đề thanh khoản. Chúng tôi sẽ thực hiện các khâu rà soát và đánh giá trong những ngày tới.”

Sau vài giờ hồi phục nhẹ, cả FTT và thị trường crypto đã quay đầu sập mạnh. Theo đó, FTT đã giảm 87%, từ 21 USD về 2.5 USD chỉ trong 4h. Cùng thời điểm đó, vốn hoá thị trường crypto đã bốc hơi hơn 160 triệu USD, giảm về dưới 820 triệu USD.

Những tin tức tiêu cực tiếp tục được đưa ra khi Coinbase tạm ngưng hoạt động trong khi CZ, CEO của Binance yêu cầu các sàn đưa ra thông tin minh bạch về tài sản dự trữ để tránh xảy ra tình trạng tương tự FTX.

FTX bị cáo buộc sử dụng tài sản của khách hàng sai mục đích. Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) hiện đã bắt tay điều tra FTX.

FTX phá sản gây rủi ro cho cả thị trường crypto

Sự sụp đổ của FTX đã giáng một đòn mạnh khiến toàn bộ thị trường crypto biến động tiêu cực. Tác động liên đới từ vụ việc của FTX khiến nhiều dự án crypto và quỹ đầu tư điêu đứng. 

Những ngày qua, các dự án có liên quan đến FTX, Sam Bankman-Fried và Alameda Research đều giảm sâu vì cơn khủng hoảng ập đến. Danh sách này bao gồm SOL, BIT, SUSHI, FTT, SRM, LDO, MATIC,...

Theo phân tích từ Huobi Research, các dự án liên quan trực tiếp đến FTX và Alameda Research sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong vụ sụp đổ của hai nền tảng này.

Danh sách Huobi đưa ra bao gồm những dự án do FTX và quỹ đầu tư Alameda rót vốn trực tiếp, cho vay hoặc đi vay và có mối quan hệ hợp tác.

Theo danh sách các nhà đầu tư được công bố qua các vòng gọi vốn, Paradigm (khoảng 278 triệu USD) và Sequoia (213.5 triệu USD) được cho là hai quỹ đầu tư thiệt hại nặng nhất khi tham gia 2 vòng gọi vốn của FTX và 1 vòng gọi vốn của FTX US. 

Ngoài ra, nhiều tổ chức tiền mã hóa lớn cũng công bố mức thiệt hại vì có liên quan đến FTX như Genesis Trading, Wintermute, Multicoin Capital, Amber Group, Sequoia Capital,...

Genesis Trading

Công ty cho vay và giao dịch tiền mã hóa Genesis Trading đã báo cáo lỗ khoảng 7 triệu USD sau khi bảo hiểm rủi ro và bán tài sản thế chấp. Công ty đã đưa ra quyết định trên để đối phó với biến động thị trường ngày 8/11 sau cuộc khủng hoảng FTX.

Wintermute

Wintermute quyết định giảm tiếp xúc với FTX ngay khi cộng đồng đặt nghi vấn về khả năng thanh toán của sàn. Nền tảng cho hay vẫn còn tài sản tồn đọng trên FTX nhưng số tiền này nằm trong mức chấp nhận rủi ro của công ty. Do đó, việc FTX đình trệ tính năng rút tiền không tác động đáng kể đến tình hình tài chính tổng thể của Wintermute.

Multicoin Capital

Multicoin Capital là một trong những tập đoàn đầu tư mạo hiểm bị ảnh hưởng đáng kể bởi “cơn bão” FTX. Các đối tác quản lý của Multicoin Capital là Kyle Samani và Tushar Jain cho biết khoảng 10% tài sản của quỹ đang được quản lý (AUM) vẫn đang kẹt lại trên FTX.

"Thật không may, chúng tôi không thể rút tất cả tài sản của quỹ trên FTX", bức thư viết. Các tài sản bao gồm BTC, ETH và USD, chiếm khoảng 15.6% tài sản trong quỹ và khoảng 9.7% tổng số AUM.

Đọc thêm: Những tổ chức bị thiệt hại khi FTX sụp đổ.

Không những thế, theo dữ liệu từ The Block Research, FTX Ventures và Alameda Research đã đầu tư vào hơn 250 công ty khởi nghiệp trong ngành tiền mã hóa. 

Việc FTX gặp khủng hoảng dẫn đến sụp đổ chính là mối lo ngại cho những dự án được đầu tư. Ngày 11/11, FTX thông báo trên Twitter sàn giao dịch đã nộp đơn phá sản theo Chương 11. Theo đó, Sam Bankman-Fried cũng tuyên bố rời vị trí CEO.

Alameda Research, công ty "chị em" với FTX và 134 công ty liên kết cũng sẽ nộp đơn phá sản. Trong số này, công ty Việt Nam Quoine Vietnam Co. Ltd sẽ cùng chung số phận. Ledger X LLC, FTX Digital Markets Ltd., FTX Australia Pty Ltd. và FTX Express Pay Ltd. không được đề cập trong tài liệu.

Không chỉ các công ty, những dự án và token được Alameda và FTX đầu tư cũng đứng trên bờ vực bị thanh lý sau khi FTX phá sản. 

Vài giờ trước tin tức FTX phá sản, Changpeng Zhao (CZ) cảnh báo sự sụp đổ của FTX sẽ trở thành quân cờ domino đầu tiên. Với ảnh hưởng không hề nhỏ của Bankman-Fried, nguy cơ một loạt công ty khác "ngã ngựa" rõ ràng có thể xảy ra.

Theo hồ sơ chia sẻ trên Twitter, FTX quyết định nộp đơn phá sản theo Chương 11 nhằm "bắt đầu quy trình đánh giá và chuyển đổi tài sản thành tiền mặt vì lợi ích của tất cả các bên liên quan trên toàn cầu". Trong quá trình này, FTX sẽ được tòa án bảo hộ để tái cơ cấu lại các khoản nợ và cấu trúc công ty.

Tổng kết

Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường crypto. Trước khi “xuống tiền", nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ về dự án cũng như có các chiến lược phòng ngừa rủi ro. Không nên “bỏ hết trứng vào cùng một giỏ".

FTX - sàn giao dịch top đầu trên thị trường đi đến phá sản trong vòng chưa đầy 1 tuần. Hàng nghìn người dùng bị giam tiền, nhà đầu tư FTT mất hơn 90% tài sản trong thời gian ngắn. Điều này đã làm chao đảo cả thị trường. Đây là sự việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, khi nhìn theo hướng tích cực thì việc này là điều cần thiết để đảm bảo tính bền vững lâu dài của Crypto. Qua giai đoạn downtrend, thị trường sẽ lọc ra được những dự án chất lượng. Bên cạnh đó, sự kiện này có thể khiến chính phủ đưa ra khuôn khổ pháp lý tốt hơn.

RELEVANT SERIES