Hot girl Hawk Tuah bị nghi rug pull 500 triệu USD memecoin HAWK
Hailey Welch, hay còn được biết đến với biệt danh "Hot girl Hawk Tuah", đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng tiền mã hóa sau khi đồng meme coin HAWK do cô ra mắt bốc hơi hàng triệu USD giá trị chỉ trong vài phút. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là một vụ lừa đảo có chủ đích và đang lên kế hoạch khởi kiện.
Cụ thể, vào ngày 04/12/2024, Hailey Welch đã ra mắt meme coin HAWK trên nền tảng blockchain Solana. Ban đầu, đồng tiền mã hóa này đã thu hút sự chú ý lớn và đạt mức vốn hóa thị trường ấn tượng 500 triệu USD.
Tuy nhiên, giá trị của HAWK đã bất ngờ giảm mạnh 88% chỉ sau ít phút, khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.
Sự sụt giảm chóng mặt này đã tạo nghi ngờ về một vụ thao túng thị trường, cụ thể là chiêu trò "pump-and-dump" hay "rug pull".
Đây là hình thức các nhà phát triển cố tình thổi phồng giá trị của một đồng tiền mã hóa để thu hút vốn, sau đó bán tháo toàn bộ số coin mà họ nắm giữ, khiến các nhà đầu tư khác phải gánh chịu hậu quả.
Nhiều bằng chứng cho thấy những người trong cuộc của dự án HAWK đã bán tháo lượng lớn số coin của họ ngay khi giá trị tăng cao. Theo dữ liệu từ Solscan, một ví đã thu gom được 17.5% tổng cung HAWK và bán ra với giá 1.3 triệu USD chỉ trong 90 phút.
Dữ liệu từ nền tảng BubbleMaps cũng cho biết 96% lượng HAWK tập trung trong một nhóm các ví liên quan, cho thấy khả năng có sự phối hợp thao túng giá.
Trước những cáo buộc này, Welch và nhóm của cô đã tổ chức một buổi AMA trên X Spaces để giải thích. Tuy nhiên, họ không thể xua tan nghi ngờ của các nhà đầu tư. Đặc biệt là khi Welch gần như im lặng trong suốt buổi thảo luận, để mặc các đối tác tiền mã hóa tại nền tảng overHere, đơn vị phát hành HAWK, và một cá nhân có tên "Doc Hollywood" trả lời các câu hỏi.
Buổi thảo luận trở nên căng thẳng khi Stephen Findeisen, YouTuber chuyên điều tra các vụ lừa đảo tiền mã hóa, được phép phát biểu. Anh thẳng thừng gọi HAWK là một "trò lừa đảo" và liên tục chất vấn nhóm phát triển về những dấu hiệu bất thường trong việc phân phối, giao dịch HAWK.
Richard Bengston, một YouTuber khác, cũng đồng tình với nhận định của Findeisen. Anh khuyên Welch nên sa thải ngay lập tức những người đã thuyết phục cô trở thành gương mặt đại diện cho đồng tiền mã hóa này.
Bengston cho rằng thảm họa HAWK là một ví dụ điển hình cho việc những người có ảnh hưởng (influencer) bước vào lĩnh vực tiền mã hóa mà không hiểu biết đầy đủ về cách thức thẩm định và bảo vệ cộng đồng của họ.
Welch không phản hồi lời khuyên này, nhưng 20 phút sau, cô đột ngột cắt ngang một câu hỏi và nói: "Dù sao thì, tôi sẽ đi ngủ, hẹn gặp lại các bạn vào ngày mai", rồi kết thúc cuộc tra hỏi.
Tối ngày 05/12, YouTuber Findeisen đã tung ra một video "bóc phốt" toàn bộ sự việc, trong đó có đoạn tin nhắn với luật sư của Welch. Tin nhắn này cho thấy Welch được trả trước 125,000 USD để quảng cáo cho HAWK và sẽ được hưởng 50% lợi nhuận sau khi trừ các chi phí. Luật sư của Welch khẳng định cô không có ý định lừa đảo người hâm mộ.
Tuy nhiên, Coffeezilla cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy dự án này không minh bạch ngay từ đầu. Ví dụ, 17% tổng số token đã được bán cho nội bộ (những người có liên quan đến dự án) mà không có bất kỳ ràng buộc nào, trong khi chỉ có 3% được bán công khai.
Coffeezilla nhận định Welch có thể đã bị cung cấp thông tin sai lệch hoặc "mờ mắt" vì lợi nhuận mà không tìm hiểu kỹ về dự án. Anh cũng chỉ trích thái độ thờ ơ của Welch khi đối mặt với những chất vấn từ cộng đồng. Coffeezilla hy vọng Welch sẽ nhận thức được hành vi của mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào và có trách nhiệm với những người hâm mộ đã mất tiền.
Hiện tại, Welch đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng cô sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thiệt hại mà các nhà đầu tư phải gánh chịu. Thậm chí, một "đồng coin trả thù" mang tên TUAH (viết tắt của "straight tuah prison" - thẳng vào tù) đã được tạo ra để chế giễu Welch.
Đọc thêm: Lãi suất Stablecoin tăng mạnh, dòng tiền đang chảy sang altcoin?