Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang trên bờ vực suy thoái
Theo bản tin ngày 4/10 của CNBC, Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang trên bờ vực của suy thoái. Các quốc gia đang phát triển tại châu Á có thể gánh chịu tác động nặng nề của nó.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) 2022 cho biết các chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả việc tiếp tục tăng lãi suất, có thể đẩy thế giới tới cuộc suy thoái và trì trệ.
Liên Hợp Quốc cảnh báo việc tăng lãi suất dẫn đến suy thoái
UNCTAD cảnh báo suy thoái toàn cầu có khả năng gây ra ảnh hưởng tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Báo cáo (tại đây) của tổ chức này cho biết:
“Cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng, những hồi chuông cảnh báo đang vang lên đối với hầu hết các quốc gia đang phát triển. Nhiều nước đang tiến gần đến nguy cơ vỡ nợ.”
Đặc biệt, Rebeca Grynspan, tổng thư ký tại UNCTAD đã nhấn mạnh về cách cứu nguy cho nền kinh tế toàn cầu rằng:
“Chúng ta vẫn còn thời gian để lùi lại khỏi bờ vực suy thoái. Không có gì là không thể tránh khỏi. Chúng ta phải thay đổi hướng đi.”
Nền kinh tế châu Á và toàn cầu đang đứng trước suy thoái nếu các Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất mà không sử dụng những công cụ khác và xem xét về nguồn cung. Tổng thư ký UNCTAD khẳng định:
“Hôm nay, UNCTAD cần cảnh báo về việc thế giới đang đứng trước một cuộc suy thoái do chính sách lãi suất gây ra. Chúng tôi muốn kết hợp chiến lược kiểm soát giá, giảm thuế, và quy định chặt chẽ hơn về đầu cơ hàng hóa. Điều thực sự cần thiết là nỗ lực chấm dứt tình trạng đầu cơ giá hàng hóa.”
Tác động đối với nền kinh tế châu Á
Theo báo cáo của UNCTAD, việc Mỹ tăng lãi suất trong năm 2022 sẽ cắt giảm khoảng 360 tỷ USD thu nhập trong tương lai của các quốc gia đang phát triển ngoại trừ Trung Quốc. Trong khi đó, dòng vốn ròng rót vào những đất nước này có xu hướng sụt giảm mạnh.
Trên thực tế, các nước đang phát triển góp phần hỗ trợ cho những nước phát triển. Việc tăng lãi suất của các nền kinh tế tiên tiến đang tác động nặng nề đến nhiều quốc gia còn lại. Tiền tệ của 90 nước đang phát triển đã suy yếu so với đồng USD Mỹ trong 2022.
Tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ thấp hơn so với 5 năm trước đại dịch. UNCTAD kỳ vọng chỉ số này của khu vực sẽ đạt mức 3.3% trong 2022. Tuy nhiên, con số đó vẫn giảm 3.2% so với 6.5% của năm 2021.
Bên cạnh đó, báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng chi phí nhập khẩu đắt đỏ và nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm, cùng với sự suy thoái của Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Đông Nam Á.
Hơn nữa, tình trạng nợ nần ngày càng gia tăng ở Nam Á và Tây Á. Sri Lanka đã lâm vào tình cảnh vỡ nợ. Trong khi đó khoản nợ Afghanistan ngày càng lớn, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan phải đối mặt với lợi suất trái phiếu tăng. Pakistan đang quay cuồng với lũ lụt, gánh nợ nần chồng chất và dự trữ ngoại hối sụt giảm.
Trước bối cảnh đó, UNCTAD đưa ra lời cảnh báo về việc lạm dụng thắt chặt tiền tệ của một số quốc gia trên thế giới.
“Nếu chỉ tập trung vào cách tiếp cận chính sách tiền tệ mà không giải quyết các vấn đề về phía cung trong thị trường thương mại, năng lượng và thực phẩm, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt sẽ trở nên trầm trọng thêm.”
Không chỉ UNCTAD, cảnh báo tương tự cũng được tổ chức Capital Economics đưa ra ngày 4/10. Tổ chức này cho biết chỉ số PMI (quản lý sức mua hàng hóa) thể hiện các ngành công nghiệp toàn cầu đang suy yếu và có thể tồi tệ hơn trong những tháng tới. Nguyên nhân là do lạm phát và lãi suất tăng để lại nhiều tác động tiêu cực.
Tình trạng này là hậu quả của động thái vội vàng tăng lãi suất sau nhiều năm duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách không thể đẩy lùi lạm phát hay thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lành mạnh hơn.
"Dưới những thách thức chuỗi cung ứng hiện tại và sự bất ổn gia tăng, chính sách tiền tệ không thể đẩy lùi lạm phát một cách an toàn. Cần có các chiến lược thay thế phù hợp,” UNCTAD cho biết.
Bên cạnh đó, UNCTAD nhấn mạnh rằng các chính phủ nên xem xét cải cách thuế, bỏ bớt các khoản cắt giảm và kìm hãm thuế của một số công ty hay cá nhân giàu có. Song song với đó, các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội để thúc đẩy việc làm, nâng cao năng suất, sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra, các thị trường tài chính sẽ chịu nhiều tác động nặng nề và crypto không phải là ngoại lệ. Nhất là khi thị trường crypto với các thị trường tài chính truyền thống như chứng khoán ngày càng có mối tương quan với nhau.
Trong 2022, nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế biến đổi tiêu cực khiến toàn bộ thị trường tiền mã hóa lao dốc, bốc hơi hàng trăm tỷ USD. Theo đó, Bitcoin - đồng coin lớn nhất thị trường đã chia hơn 3 lần từ đỉnh. Hàng loạt altcoin đều sụt giảm mạnh mà chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đọc thêm: Thị trường giảm nhẹ trước thềm Mỹ công bố hai chỉ số quan trọng.